Thành phố Thủ Đức "đội sổ" bảng xếp hạng DDCI 2022

Tùng Anh - 19:02, 11/05/2023

TheLEADERKhông chỉ xếp cuối cùng trong số các địa phương được đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) mà thành phố Thủ Đức còn là địa phương duy nhất của TP.HCM có điểm số đánh giá dưới 50 trên thang điểm 100.

Thành phố Thủ Đức "đội sổ" bảng xếp hạng DDCI 2022
Kết quả đánh giá DDCI TP.HCM năm 2022

Theo công bố kết quả khảo sát chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) TP.HCM năm 2022, thành phố Thủ Đức là địa phương xếp cuối cùng trong số các địa phương được đánh giá.

Trong số các chỉ số thành phần, thành phố Thủ Đức xếp cuối về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; cạnh tranh bình đẳng; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động, sáng tạo và hiệu lực của chính quyền địa phương. 

Thành phố Thủ Đức là đơn vị nằm trong số sáu địa phương xếp cuối bảng về các chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin; khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; hỗ trợ doanh nghiệp; vai trò của người đứng đầu.

Đây cũng là địa phương duy nhất của TP.HCM có điểm số đánh giá dưới 50 trên thang điểm 100 (49,69 điểm).

Cũng "đội sổ" trong bảng xếp hạng DDCI của TP.HCM trong danh sách đánh giá các sở, ban, ngành, Sở Lao động – thương binh và xã hội chỉ đạt 51,57 điểm. 

Thành phố Thủ Đức 'đội sổ" DDCI TP.HCM 2022
Kết quả đánh giá DDCI TP.HCM 2022

Theo bảng xếp hạng DDCI của TP.HCM năm 2022, quận Phú Nhuận là địa phương có số điểm cao nhất về năng lực cạnh tranh (78,56 điểm). Quận này dẫn đầu các địa phương về tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí thời gian.

Phú Nhuận cũng nằm trong 10 địa phương dẫn đầu trong các chỉ số về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động, sáng tạo và hiệu lực của chính quyền địa phương; vai trò của người đứng đầu. 

Tuy nhiên, quận Phú Nhuận chỉ xếp thứ 14 về chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp.

Đối với khối các sở, ban, ngành, Sở Khoa học và công nghệ đứng đầu với 84,2 điểm; tiếp theo là Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp; Sở Công thương…

Đối với các chỉ số thành phần, Sở Khoa học và công nghệ cũng là đơn vị có nhiều điểm chỉ số thành phần đứng đầu nhất, tiếp theo là Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp; Sở Tư pháp.

Đây là năm đầu tiên TP.HCM tiến hành đánh giá năng lực cạnh tranh của các địa phương và sở, ban, ngành. 

Các chỉ số thành phần của bộ chỉ số DCCI TP.HCM năm 2022 gồm: tính minh bạch và tiếp cận thông tin (chiếm 10%); ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số (10%); chi phí không chính thức (10%); chi phí thời gian (15%); cạnh tranh bình đẳng (10%); hỗ trợ doanh nghiệp (10%); thiết chế pháp lý (5%); tính năng động, sáng tạo và hiệu lực của sở, ban, ngành (15%); vai trò người đứng đầu (15%).

Việc đánh giá DDCI nhằm giúp các đơn vị và địa phương thấy được những điểm mạnh điểm yếu, từ đó có các biện pháp nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho việc đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.

DDCI cũng giúp TP.HCM có chiến lược tốt hơn để cải cách, nâng cao chất lượng quản trị và điều hành kinh tế, cải thiện chất lượng quản trị công, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Kết quả đánh giá và xếp hạng về PCI năm 2022 cho thấy, chỉ số PCI của TP.HCM đã tụt 13 bậc về vị trí thứ 27/63. Dù vậy, điểm sáng là TP.HCM vẫn giữ vững được vị trí trong nhóm 10 địa phương được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá có triển vọng tốt về môi trường đầu tư.