'Thị trường Australia còn khó tính hơn cả Hoa Kỳ, EU'

Quỳnh Chi - 14:36, 12/04/2019

TheLEADERTrong 10 năm gần đây, tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam ra thế giới đạt 15,1%, tuy nhiên con số này ở thị trường Australia chỉ là 2,3%.

'Thị trường Australia còn khó tính hơn cả Hoa Kỳ, EU'
Thanh long tươi là loại trái cây thứ 3 của Việt Nam được xuất khẩu sang Australia vào cuối năm 2017

Là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất của đầu tư toàn cầu, Australia đã và đang trở thành một trong những thị trường xuất khẩu và đầu tư rất tiềm năng của Việt Nam. Đây cũng là đối tác của Việt Nam theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Australia/New Zealand (AANZFTA) từ 2010. Tuy nhiên, đến nay giá trị xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam sang thị trường này vẫn còn khá hạn chế. 

Bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA Trung tâm WTO và hội nhập thuộc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia giảm từ 4,591 tỷ USD năm 2008 xuống 4,5 tỷ USD vào năm ngoái. 

Australia chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 13 của Việt Nam với giá trị xuất khẩu thấp hơn nhiều so với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Việt Nam cũng chỉ là nước nhập khẩu đứng thứ 14 của Australia về kim ngạch. 

Điều đáng nói là trong khi tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam ra thế giới trong 10 năm qua là 15,1% thì tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Australia chỉ 2,3%. 

"Đây là một con số rất đáng lưu tâm bởi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Australia được hưởng mức thuế quan ưu đãi thấp hơn nhiều so với các thị trường khác mà Việt Nam chưa có FTA", bà Phương đánh giá. 

Xét về cơ cấu, trong nhóm 10 sản phẩm Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Australia trong năm ngoái, nhiều sản phẩm mà có tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam còn rất thấp so với thế giới. 

Đại diện VCCI cho rằng còn rất nhiều dư địa, còn nhiều cơ hội để Việt Nam tăng cường xuất khẩu đối với thị trường này. 

Thị trường Australia còn khó tính hơn cả Hoa Kỳ, EU
Bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và hội nhập thuộc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam

Lý giải việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ở thị trường Australia chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, bà Phương cho biết, những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam lại không phải là sản phẩm Australia có nhu cầu nhập khẩu cao.

Ngoài ba nhóm sản phẩm gồm máy móc điện thoại, trang thiết bị cơ khí và dụng cụ quang học Australia có kim ngạch nhập khẩu lớn từ thế giới, nước này nhập khẩu ở mức trung bình các sản phẩm có thế mạnh còn lại của Việt Nam như giầy dép, quần áo và đồ gỗ nội thất. Australia nhập khẩu rất ít các sản phẩm thủy hải sản, hoa quả và chè, cà phê của Việt Nam.

Australia còn được đánh giá là một thị trường khó tính với nhiều quy định nhập khẩu nghiêm ngặt khiến hàng hóa của Việt Nam dù có ưu đãi thuế quan cũng khó có thể tiếp cận được.  

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, nước này là một trong những thị trường có quy định về kiểm dịch và vệ sinh an toàn sản phẩm nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Ngoài ra nước này cũng duy trì nhiều quy định về các biện pháp kỹ thuật như các yêu cầu về dán nhãn sản phẩm, quy cách tiêu chuẩn sản phẩm...khá khắt khe. 

Nhiều lô hàng xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Australia đã bị từ chối trả về do không đáp ứng được một trong các quy định trên, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp như rau củ quả. 

Dẫn một báo cáo năm 2015 của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), bà Phương cho biết, Australia là nước có số lượng từ chối các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu vào nước này trên một đơn vị giá trị nhập khẩu lớn hơn cả EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia trong suốt giai đoạn 2002 - 2010. 

Trong đó, Việt Nam nằm trong số 10 nước có số lượng hàng nông nghiệp nhập khẩu vào Australia bị từ chối nhiều nhất tính trên một đơn vị giá trị nhập khẩu trong giai đoạn 2003- 2010.

Hai nguyên nhân chính khiến các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bị từ chối trong giai đoạn này là vi phạm các quy định về ghi nhãn và sản phẩm bị nhiễm khuẩn. Một số nguyên nhân khác cũng khiến hàng bị trả về như dư lượng thuốc thú y/thuốc bảo vệ thực vập, nhiễm tạp chất, dư lượng phụ gia thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

Chi phí sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Australia tương đối cao, cả từ góc độ pháp lý, mong muốn, yêu cầu khắt khe của thị trường và vị trí địa lý cũng là trở ngại đối với các doanh nghiệp Việt. 

Đáng chú ý, mặc dù Việt Nam có AANZFTA với Australia nhưng những lợi ích từ việc cắt giảm thuế quan có thể không đủ trang trải cho các chi phí tăng thêm khi xuất khẩu sang Australia so với các thị trường khác dễ tính và gần Việt Nam hơn. Thêm vào đó, rất nhiều doanh nghiệp không tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ hiệp định này.

Cụ thể, chỉ khoảng 1/3 hàng hóa xuất khẩu sang Australia là đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ AANZFTA để được hưởng ưu đãi thuế quan, phần còn lại vẫn chịu thuế như hàng hóa từ các nước khác không phải đối tác FTA của Australia. 

Nguyên nhân khiến tỷ lệ đáp ứng quy tắc xuất xứ AANZFTA của hàng hóa Việt Nam còn thấp có thể là do quy tắc xuất xứ của Hiệp định này còn chặt chẽ và chưa linh hoạt. Thêm vào đó, doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu từ các nước không phải thành viên Hiệp định (chẳng hạn như Trung Quốc) khiến hàng hóa không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ.