Tổ chức xúc tiến đầu tư: Lối mòn 'báo cáo tiềm năng' và 'xin danh thiếp'

An Chi - 09:40, 15/05/2019

TheLEADERNhiều chương trình xúc tiến thương mại đầu tư tổ chức xong nhưng không có một kết nối hay ký kết hợp tác nào với doanh nghiệp nước ngoài.

Lãnh đạo tỉnh không trả lời được câu hỏi của nhà đầu tư

Nhiều năm làm xúc tiến đầu tư thương mại, ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, tỉnh đã tổ chức rất nhiều cuộc xúc tiến đầu tư nhưng nhiều hội nghị kết thúc không đem lại một kết nối nào cho doanh nghiệp, cùng lắm chỉ xin được vài cái danh thiếp từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Xúc tiến thương mại đầu tư: Lối mòn 'báo cáo tiềm năng' và 'xin danh thiếp'
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Điều này khiến ông và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng rất trăn trở. Sau nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư không thành công, ông Yên nhận ra rằng, một hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại có hai phần: Nội dung truyền thông quảng bá về địa phương và kết nối đầu tư giữa các doanh nghiệp. Trong khi đó, khâu kết nối giữa các doanh nghiệp là phần quan trọng nhất lại được thực hiện rất yếu dẫn đến nhiều hội nghị không đạt được những thoả thuận đầu tư như kỳ vọng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kể lại một bài học của năm 2003 khi lãnh đạo tỉnh đi xúc tiến thương mại tại Singarpore. Khi đó nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn mua măng tây của Việt Nam tuy nhiên trước những câu hỏi của họ về sản lượng sản xuất hàng tháng, chất lượng, giá cả như thế nào... lãnh đạo tỉnh lại không trả lời được. 

"Không có bất cứ một hợp tác nào được ký kết tại hội nghị năm đó. Sau hội nghị, chúng tôi đã gửi rất nhiều lời xin lỗi và cả sự xấu hổ của mình đến các nhà đầu tư tham dự vì đã không giúp họ đạt được mục đích”, ông Yên nói.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đây cũng là thực trạng chung ở nhiều chương trình xúc tiến thương mại của Việt Nam trước đây. 

Xúc tiến đầu tư bản chất là làm kinh doanh, làm theo "kiểu doanh nghiệp". Tuy nhiên tại nhiều hội nghị, hội thảo, lãnh đạo nhiều địa phương không trả lời được những câu hỏi của các doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam, do đó họ không có đủ cơ sở để đầu tư. 

"Các chương trình xúc tiến đầu tư - thương mại không nên đưa lãnh đạo đi mà nên đưa các doanh nghiệp trong nước đi để trực tiếp kết nối, hợp tác đầu tư với doanh nghiệp nước ngoài. Nếu làm được như vậy, hoạt động xúc tiến đầu tư mới đạt được những hiệu quả thực chất", ông Lộc nhấn mạnh.

Tại Tọa đàm “Xúc tiến thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước đối tác chiến lược: Góc nhìn doanh nghiệp", Chủ tịch VCCI cũng cho biết, Việt Nam hiện có 16 đối tác chiến lược và một đối tác quan trọng là Hoa Kỳ. Lũy kế đến nay, 17 đối tác này đang đầu tư gần 230 tỷ USD vào Việt Nam, chiếm 70% tổng giá trị đầu tư và 50% kim ngạch xuất nhập khẩu.

Việt Nam đang cần một làn sóng đầu tư “thế hệ mới” với giá trị gia tăng cao, theo hướng thân thiện môi trường và định hướng phát triển bền vững. Những đối tác như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược này.

Do đó, theo ông Lộc, cần coi doanh nghiệp là động lực chủ yếu trong việc tăng cường quan hệ thương mại đầu tư giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Chính phủ cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và định hướng một số lĩnh vực dẫn dắt quá trình thúc đẩy thương mại đầu tư giúp các doanh nghiệp kết nối, phối hợp với nhau để nâng cao hiệu quả thương mại.

Làm thế nào để thu hút đầu tư?

Từ kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cho rằng, các hội nghị xúc tiến đầu tư muốn đạt hiệu quả cần xác định rõ mục tiêu để khi doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư đặt câu hỏi hỏi thì địa phương phải trả lời được. Đối với việc xúc tiến đầu tư các dự án cũng phải có những dự án cụ thể mới có thể thành công. 

Theo ông Yên, nhà đầu tư chỉ quan tâm đến hai yếu tố: Việc đầu tư tại địa phương đó có cạnh tranh so với nơi khác hay không, thủ tục hành chính và chính sách hỗ trợ của địa phương có đủ thuận lợi, hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp. 

Không có các yếu tố này mà chỉ giới thiệu chung chung về tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam hay địa phương thì sẽ không đạt được hiệu quả thu hút đầu tư như kỳ vọng, ông Yên nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn khác, bà Vũ Thị Kim Chi, Phó trưởng Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho rằng, muốn thu hút đầu tư, các địa phương cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. 

Xúc tiến thương mại đầu tư: Lối mòn 'báo cáo tiềm năng' và 'xin danh thiếp' 2
Bà Vũ Kim Chi, Phó trưởng Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh trao đổi với các đối tác đến từ Hàn Quốc

Lấy ví dụ tại Quảng Ninh, trước đây, các doanh nghiệp đầu tư đến với tỉnh phải qua nhiều thủ tục tại các cơ quan ban ngành. Hiện nay, tỉnh đã hình thành ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư nhằm cắt giảm tối đa thủ tục cho các doanh nghiệp. Đồng thời hình thành mô hình hành chính công một cửa để doanh nghiệp thực hiện thủ tục đầu tư một cách nhanh nhất.

Theo bà Chi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng chính là một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ thúc đẩy đầu tư, thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh.

Từ phía các nhà đầu tư nước ngoài, đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp Đức tại Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam là một điểm đến rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài bởi chi phí rẻ, chính sách đầu tư hấp dẫn, linh hoạt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra với Việt Nam trong thời gian tới để có thể thu hút các nhà đầu tư chất lượng. 

Theo đó, việc tìm kiếm các thông tin đầu tư, xúc tiến đầu tư tại Việt Nam còn rất hạn chế, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn tìm cơ hội đầu tư hợp tác tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, trình độ của lao động tại Việt Nam phần lớn còn thấp, đa số doanh nghiệp Việt vẫn có quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ, các tiêu chuẩn sản xuất hàng hoá không đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài dẫn đến khó có thể hợp tác đầu tư.

Xúc tiến thương mại đầu tư: Lối mòn 'báo cáo tiềm năng' và 'xin danh thiếp' 3
Bà Virginia Foote, Phó chủ tịch AmCham

Bà Virginia Foote, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) nhận định, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn đầu tư ở Việt Nam trong một số lĩnh vực như năng lượng, vận tải kỳ vọng những thay đổi tiến bộ, sự cải thiện rõ ràng hơn cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm cũng như các chính sách về đầu tư hay hợp tác kinh doanh của Chính phủ.

Cùng với đó là sự phát triển của nền kinh tế phi tiền mặt, vấn đề xuất khẩu công nghệ và chuyển giao công nghệ, chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng cần được các cấp, ngành chú trọng nhiều hơn để thu hút đầu tư, bà Foote nhấn mạnh.