TP.HCM ưu tiên phát triển các khu công nghiệp thông minh

An Hạ - 14:34, 03/08/2020

TheLEADERViệc xây dựng hệ thống các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) thông minh trên cơ sở ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin đã trở thành xu thế chung trên toàn thế giới và được chính quyền TP.HCM khuyến khích thực hiện.

Trong bối cảnh xu hướng tự động hóa về công nghệ sản xuất và trao đổi dữ liệu ngày càng được đẩy mạnh, KCN thông minh ra đời là tất yếu và trở thành sự lựa chọn tối ưu cho các doanh nghiệp.

KCN thông minh tạo lợi thế cạnh tranh

Theo số liệu tính đến cuối năm 2019, Việt Nam hiện có khoảng 326 KCN-KCX, trong đó TP.HCM có 17 khu đang hoạt động, bao gồm 3 khu chế xuất.

Tuy nhiên, phần lớn các KCN-KCX hiện nay chỉ dừng lại ở việc đáp ứng cơ bản về hạ tầng giao thông, điện nước, xử lý chất thải...và chú trọng nhiều vào việc lấp đầy diện tích đất cho thuê hơn là đầu tư công nghệ để tăng tiện ích và năng lực sản xuất.

Công tác quản lý tại các KCN-KCX gặp nhiều khó khăn do chưa triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động quản lý, phát triển hạ tầng; thiếu các công cụ quản lý tập trung, hỗ trợ hệ thống an ninh; thiếu sự thu hút và dịch vụ chăm sóc khách hàng…

TP.HCM ưu tiên phát triển khu công nghiệp thông minh
Các ứng dụng công nghệ hiện đại tại KCN thông minh giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh

Các chuyên gia nhận định tại phiên đầu tiên trong chuỗi hội thảo KCN thông minh vừa được tổ chức bởi Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), Ban Quản lý các KCX- KCN thành phố (HEPZA) và Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC):

Phát triển KCN thông minh trên cơ sở ứng dụng các giải pháp CNTT sẽ tạo môi trường cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, rút ngắn thời gian và chi phí trong việc tìm kiếm, trải nghiệm các sản phẩm công nghệ mới.

Đồng thời, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội ứng dụng công nghệ dễ dàng hơn, nhằm cải tiến hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh quá trình số hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Với kinh nghiệm thực tiễn triển khai mô hình đô thị thông minh tại Công viên phần mềm Quang Trung, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC cho biết: Xuất phát từ ý tưởng mô hình đô thị thông minh dựa trên nền tảng CNTT - là một môi trường đáng sống, làm việc tốt và phát triển bền vững, QTSC đã áp dụng mô hình này để phát triển KCN thông minh.

Sau một thời gian, QTSC đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng được mục tiêu nâng cao chất lượng quản trị, gia tăng sự hài lòng của cộng đồng nội khu và phát triển thương hiệu.

TP.HCM ưu tiên phát triển khu công nghiệp thông minh 1
Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung

Cụ thể, việc áp dụng hệ thống SMS trong quản lý dữ liệu khách hàng giúp QTSC giảm tối đa thời gian cung cấp thông tin cho khách hàng từ hai ngày xuống còn hai phút, giảm chi phí chuyển thông tin từ 15.000 đồng còn 3.000 đồng/khách hàng.

Hệ thống quản lý tài sản không gian trên nền GIS giúp công tác quản lý, truy xuất dữ liệu từng mảng hạ tầng riêng biệt của QTSC trên cùng một ứng dụng trở nên dễ dàng hơn, tăng hiệu quả phối hợp công việc giữa các bộ phận.

Hệ thống quản lý, lưu trữ, chia sẻ và bảo mật dữ liệu giúp tiết kiệm hơn 30% chi phí lưu trữ dữ liệu, đảm bảo độ an toàn của tài liệu được chia sẻ ra bên ngoài và hỗ trợ công tác truy xuất dữ liệu một cách nhanh chóng.

Ngoài ra, QTSC cũng áp dụng các giải pháp CNTT vào hệ thống quản lý và giám sát môi trường, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, camera giám sát…

Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, việc xây dựng mô hình đô thị thông minh cho KCN-KCX trên nền tảng ứng dụng CNTT giúp các đơn vị quản lý, chủ đầu tư cũng như các doanh nghiệp tăng cường năng lực quản trị nội bộ; hoàn thiện chất lượng dịch vụ; gia tăng sự hài lòng của khách hàng; nâng cao lợi thế cạnh tranh và tạo ra môi trường thử nghiệm công nghệ cho cộng đồng.

Nhiều ứng dụng để phát triển KCN thông minh

KCN thông minh cần có sự kết nối đồng bộ và quản trị thông minh, ứng dụng CNTT được xem là công cụ đắc lực để xây dựng KCN thông minh.

TP.HCM ưu tiên phát triển khu công nghiệp thông minh 2
Các giải pháp công nghệ thông tin đã và đang được QTSC áp dụng để xây dựng KCN thông minh - Nguồn: QTSC

Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cho rằng, để phát triển mô hình KCN thông minh theo định hướng của thành phố, các đơn vị quản lý, chủ đầu tư cần ứng dụng các giải pháp để tăng cường tính kết nối và tương tác giữa các doanh nghiệp trong KCN-KCX.

Giải pháp được ông Long đưa ra là kết nối hoạt động giao thương và xây dựng chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp trong KCN-KCX thông qua ứng dụng hệ thống thương mại điện tử.

Giải pháp này giúp khai thác tối đa thị trường trong nước, giải quyết được những khó khăn về khan hiếm nguồn nguyên liệu, và tạo ra thị trường cung ứng ổn định.

TP.HCM ưu tiên phát triển khu công nghiệp thông minh 3
Ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM

Với ứng dụng chuyển đổi số và giải pháp làm giàu dữ liệu, ông Bùi Ngọc Bình, Phó Giám đốc chi nhánh Công ty CP Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI cho biết: Quá trình số hóa dữ liệu, chuyển đổi các dạng dữ liệu truyền thống thành dạng thông tin số bằng cách áp dụng các phần mềm công nghệ sẽ giúp các đơn vị quản lý, chủ đầu tư cũng như các doanh nghiệp tự động hóa các công đoạn, tiết kiệm thời gian xử lý tài liệu, kiểm soát và chia sẻ thông tin một cách dễ dàng.

Một số giải pháp khác cũng được các công ty phát triển công nghệ đưa ra như: Giải pháp quan trắc môi trường tự động giúp kiểm soát chất lượng nguồn nước và không khí; giải pháp giám sát qua hệ thống camera an ninh; giải pháp định danh an toàn, hỗ trợ thanh toán không tiền mặt...

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay, các giải pháp công nghệ đã và đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong nền công nghiệp sản xuất, khi mọi thứ đều tự động hóa, sẽ giúp các đơn vị quản lý, nhà đầu tư và doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, dễ dàng kiểm soát toàn bộ hệ thống thông qua các thiết bị thông minh.

Mặc dù các đơn vị quản lý và nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN thông minh phải tốn một khoản chi phí ban đầu cho các giải pháp số hóa nhưng hiệu quả mang lại là rất lớn và sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí sau này.