TS. Nguyễn Trí Hiếu: 'Hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ chuẩn mực hơn nhờ CPTPP'

Quỳnh Chi - 06:51, 13/03/2018

TheLEADERTheo chuyên gia tài chính ngân hàng – tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, tham gia ký kết hiệp định CPTPP, ngành ngân hàng tại Việt Nam sẽ không còn tình trạng mất tiền như Eximbank hay tình trạng thu phí bừa bãi như các ngân hàng Việt Nam hiện nay.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: 'Hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ chuẩn mực hơn nhờ CPTPP'
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu.

Vừa qua, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết tại Chile vào ngày 9/3/2018 theo giờ Hà Nội, mở ra một cơ hội phát triển mới cho các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, khi 11 nước thành viên có thể trao đổi buôn bán, giao dịch trong một thị trường chung. 

Đặc biệt với hiệp định CPTPP, các ngân hàng nước ngoài có thể gia nhập vào hệ thống ngân hàng của Việt Nam và hoạt động tại đây.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu rằng hiệp định CPTPP được ký kết có tác động gì đến ngành ngân hàng của Việt Nam hay không trong bối cảnh xuất hiện lỗ hổng về quản trị tại một số ngân hàng?

Vừa qua, dư luận dậy sóng với vụ việc 245 tỷ đồng của bà C.T.B gửi tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) không cánh mà bay. Vụ việc này đã xảy ra được hơn một năm về trước nhưng mãi đến cuối tháng 2 vừa qua mới được thông tin rộng rãi sau khi có kết luận của cơ quan điều tra.

Sau vụ việc này, một khách hàng khác của Eximbank là bà B.T.L cũng đã lên tiếng với báo chí tố mất 3 lượng vàng khi gửi tại ngân hàng này trong khi Eximbank khẳng định đã chi trả số vàng này cho khách hàng từ năm 2013 nhưng quên thu lại sổ tiết kiệm.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, một người từng có hơn 30 năm kinh nghiệm trong giới ngân hàng, chủ yếu là tại Mỹ, cho biết, tại các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Nhật, Hàn hay Singapore, các vụ việc như Eximbank gần như không bao giờ xảy ra vì ngân hàng của các quốc gia này làm việc rất chuẩn mực.

Ông cho biết trong trường hợp xảy ra vấn đề, phía ngân hàng sẽ có phương án xử lý kịp thời. Chẳng hạn ở Mỹ, nếu có xảy ra trường hợp mất tiền, ngân hàng sẽ ngay lập tức tạo một tài khoản phong tỏa giành cho khách hàng có giá trị bằng với số tiền bị mất. Ngân hàng sẽ ký kết với khách hàng sẽ điều tra vụ việc, nếu là lỗi của ngân hàng thì tài khoản này ngay lập tức sẽ được chuyển cho khách hàng.

Do đó, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc ký kết hiệp định CPTPP sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng nước ngoài gia nhập vào hệ thống ngân hàng của Việt Nam và mang lại những lợi ích lớn không chỉ cho hệ thống ngân hàng mà cho cả khách hàng.

Thứ nhất, hiệp định CPTPP sẽ buộc các ngân hàng Việt Nam nâng cao chuẩn mực khi phải làm việc theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, niềm tin của khách hàng vào các ngân hàng cũng sẽ gia tăng khi các ngân hàng nước ngoài làm việc rất bài bản, chuẩn mực, và luôn tôn trọng khách hàng.

Ngoài ra, nếu ngân hàng nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam, phí ngân hàng sẽ được cắt giảm. Ông cho biết, tại các nước phát triển, chẳng có ngân hàng nào áp phí mở tài khoản, phí in sao kê khi rút tiền ATM như ở Việt Nam.

Trong thời gian vừa qua, đã có không ít phản ứng gay gắt từ phía khách hàng khi ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng một loạt phí bao gồm tăng phí SMS Banking từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng/tháng (đã gồm thuế GTGT). Khi chủ tài khoản Vietcombank chuyển tiền trong cùng hệ thống ngân hàng qua ứng dụng Internet Banking, Mobile Banking, trước đây được miễn phí thì nay sẽ tốn 2.200 đồng/giao dịch cho khoản tiền dưới 50 triệu đồng và 5.500 đồng/giao dịch nếu chuyển từ 50 triệu đồng trở lên.

Ngân hàng này cũng thay đổi cách tính một số loại phí theo giá trị khoản tiền giao dịch của khách hàng, theo hướng giảm phí nếu khách hàng chuyển số tiền thấp và ngược lại; đồng thời lần đầu thu phí quản lý tài khoản 2.000 đồng/tháng.

Nhiều ngân hàng khác cũng âm thầm điều chỉnh theo hướng tăng phí dịch vụ. Chẳng hạn, ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) áp dụng phí chuyển khoản nhanh qua tài khoản hoặc thẻ khác hệ thống, khác tỉnh, thành phố là 0,05% số tiền; ngân hàng TMCP Đông Á áp dụng phí chuyển khoản qua Internet Banking khác hệ thống, khác tỉnh là 22.000 đồng/giao dịch hay ngân hàng TMCP quốc tế (VIB) đã bắt đầu thu phí khá nhiều giao dịch.

Tiến sỹ Hiếu cho biết, tại các ngân hàng nước ngoài, việc chuyển khoản giữa các tài khoản trong cùng một ngân hàng sẽ không bị áp phí như ở Việt Nam.

“Việc đầu tư vào công nghệ thông tin tại các ngân hàng tốn rất nhiều chi phí, và việc thu phí là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc thu phí cần nằm trong một giới hạn nhất định để khách hàng giao dịch và đúng với chủ trương của các ngân hàng là nền kinh tế của Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế phi tiền mặt trong vòng 10 năm nữa. Nếu các ngân hàng tiếp tục tính phí như vậy, phải khoảng 20 năm nữa thì chúng ta mới thấy được nền kinh tế phi tiền mặt”, ông Hiếu nhận định.