TS. Trần Du Lịch: Thị trường vốn của Việt Nam rất khập khiễng

Hương Xuân - 11:41, 23/10/2017

TheLEADERTheo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, chừng nào doanh nghiệp từ lớn đến bé còn dựa toàn bộ vào vốn từ ngân hàng thương mại thì chừng đó thị trường vốn còn khập khiễng, không phát triển mạnh được.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cảnh báo như vậy tại chương trình “Cafe Doanh nhân” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM vừa tổ chức.

Ông Lịch cho biết, so với các nước khác trong khu vực, dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam cao hơn, rất rủi ro. Có hai nguyên nhân, thứ nhất do tính chất của doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh dựa vào vay nợ, không dựa vào vốn chủ sở hữu. Thứ hai thị trường vốn trung và dài hạn không huy động được nhiều.

"Đáng lẽ phải đi bằng hai chân vừa huy động vốn từ ngân hàng, vừa từ thị trường vốn, nhưng doanh nghiệp mới đi… một chân rưỡi, rất khập khiễng. Vốn chủ sở hữu lại rất ít, chủ yếu là đi vay nợ, đó là rủi ro vô cùng”, ông Lịch cảnh báo.

TS. Trần Du Lịch chia sẻ tại chương trình Cafe Doanh nhân. Ảnh Hương Xuân

Vị chuyên gia kinh tế này cho biết thêm, Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia đã bàn mãi về vấn đề này, cũng đã nhiều năm đi vận động doanh nghiệp; thế nhưng về cơ cấu hoạt động tài chính của doanh nghiệp đến nay vẫn chỉ là: muốn có tiền là đến ngân hàng, không tự mình huy động trực tiếp bằng cách đưa trái phiếu doanh nghiệp lên thị trường chứng khoán, còn tăng vốn thì lâu lâu mới tăng.

Thị trường chứng khoán hiện nay chỉ huy động được 25% vốn trung, dài hạn trong tổng vốn cho nhu cầu kinh doanh toàn xã hội. Doanh nghiệp vay ngân hàng chủ yếu là vay ngắn hạn. Tuy nhiên cũng có dấu hiệu tích cực, trước đây đóng góp của vay trung hạn chỉ từ 15 - 20%, nhưng năm 2017 có thể lên đến 25%, cho thấy đang có sự chuyển dần để tạo sự cân đối về các nguồn vốn.

Theo ông Lịch, các định chế tài chính hỗ trợ khác như Quỹ bảo lãnh tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam… chưa làm tốt vai trò của mình.

“Tôi nhiều lần đề nghị các ngân hàng phải chú ý cho doanh nghiệp nhỏ vay để họ còn phát triển. Như ngân hàng BIDV chẳng hạn, chỉ cho những đại gia vay, nhất là những đại gia quốc doanh thì làm sao kinh tế đất nước phát triển toàn diện được? Cứ làm kiểu cho vay "một cọc" cho dễ như thế thì vai trò của mình ở đâu?", ông Lịch nói. 

Cũng theo ông Lịch, có một thực tế là hầu hết các món vay của doanh nghiệp đều đổ dồn vào ngân hàng thương mại. Ngân hàng thương mại ngược lại lại đi làm chính sách xã hội, cho vay ưu đãi chỗ nọ chỗ kia như: cho vay ưu tiên đánh bắt xa bờ, đổ tiền cho công nghệ kỹ thuật cao, nông nghiệp công nghệ cao… 

Ông Lịch cho rằng, các khoản vay chính sách xã hội phải do ngân hàng trung ương làm, còn ngân hàng thương mại thì chỉ tập trung kinh doanh thương mại. Phải xử lý từng bước để mọi hoạt động của ngân hàng đi vào thị trường, đúng chức năng của nó. Đây là bài toán về chuyển hóa, tái cơ cấu trong điều kiện Việt Nam hiện nay, khi NHNN không thể làm như các nước. 

"Vừa rồi NHNN phải ngồi với các doanh nghiệp tìm cách cho vay từng "món", đó là chuyện chỉ có ở Việt Nam, chứ các nước không ai làm thế cả. Nhưng không làm thì doanh nghiệp chết, ngân hàng cũng chết theo. Đơn giản vậy thôi”, ông Lịch cho biết thêm.

Phải thay đổi chính sách về năng lượng

Cũng trong buổi tọa đàm, khi bàn về kinh tế vĩ mô trong nước, TS. Trần Du Lịch cho rằng năm 2017 có khó khăn giai đoạn đầu, nhưng từ quý II tình hình đã cải thiện nhờ những nỗ lực của doanh nghiệp, diễn biến sẽ tích cực hơn vào 2018. 

Về chính sách, Chính phủ đang nghiên cứu một vấn đề rất quan trọng, đó là chắc chắn phải thay đổi chính sách về năng lượng, trong đó có chống bao cấp giá điện, tạo điều kiện cho phát triển năng lượng tái tạo.

“Hiện nay, một trong những lý do không phát triển được năng lượng tái tạo, năng lượng gió và mặt trời là giá điện chỉ dựa vào thủy điện và nhiệt điện. Hiện có nhiều luồng ý kiến khác nhau, tôi cho rằng phải giảm dần nhà máy thủy điện, nhiệt điện và dùng chính sách giá để phát triển năng ượng tái tạo. Nhưng hiện nay, những ông “trúng” dự án nhiệt điện vẫn cứ kiên trì làm không bỏ", ông Lịch nói.

Theo vị chuyên gia này, hiện nay với tiến bộ khoa học kỹ thuật, giá thành để đầu tư nhà máy sản xuất năng lượng gió, mặt trời thấp hơn nhiều so với nhiệt điện, thủy điện. Mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm của Việt Nam cao hơn 20 - 30% so với các nước trong khu vực chủ yếu do chi phí công nghệ. Nếu có chính sách tốt, sẽ thay đổi nhanh. 

Ông Lịch cho biết, trong chuyến thăm Ninh Thuận vừa qua, nhiều hộ gia đình ở đây đã tận dụng mặt bằng bằng cách làm bên trên là hệ thống quạt tạo điện gió, bên dưới làm điện mặt trời. Đây là xu hướng tích cực cần được nhân rộng.

"Chấm dứt độc quyền phân phối điện dự kiến từ năm 2021, cải cách dần để tăng mạnh nguồn cung về điện tái tạo, thúc ép doanh nghiệp giảm năng lượng trong sản xuất, là những biện pháp mạnh cần làm trong thời gian tới", ông Lịch nhấn mạnh.