Tuần giao dịch ‘đẫm máu’ của thị trường chứng khoán

Trần Anh - 12:46, 13/03/2020

TheLEADERChỉ trong vòng một tuần, chứng khoán Mỹ đã phải bật cơ chế ngắt mạch khẩn cấp tới 2 lần để ngăn cản đà bán tháo không kiểm soát của nhà đầu tư.

Đầu phiên giao dịch ngày 12/3, cả 3 chỉ số của thị trường chứng khoán Mỹ là Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều giảm trên 7%, khiến thị trường kích hoạt cơ chế ngắt mạch, tạm ngừng tất cả các giao dịch trong 15 phút.

Đây đã là lần thứ 2 chứng khoán Mỹ phải kích hoạt cơ chế tự ngắt chỉ trong vòng 1 tuần. Toàn bộ 11 nhóm ngành trong S&P 500 chìm trong sắc đỏ. S&P 500 và Nasdaq cũng lần đầu tiên rơi vào thị trường giá xuống kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Thị trường giá xuống được xác lập khi một chỉ số giảm trên 20% so với đỉnh gần nhất.

Với chỉ số Dow Jones, hôm qua cũng là phiên tệ nhất của chỉ số này trong vòng 30 năm qua, kể từ "Ngày thứ Hai đen tối" năm 1987. Kết thúc phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 2.350 điểm, tương đương gần 10%, về 21.200 điểm. Trong khi chỉ số S&P 500 mất gần 261 điểm, tương đương 9,51%, xuống 2.480 điểm. Còn Nasdaq Composite giảm hơn 750 điểm, tức 9,43%, xuống gần 7.202 điểm.

Phiên giao dịch ngày 12/3 kéo dài tuần đen tối trong lịch sử chứng khoán thế giới. Những diễn biến khôn lường của dịch Covid-19 tại Mỹ và châu Âu đã thúc đẩy nhà đầu tư bán tháo mà không một thông tin tích cực nào có thể chống đỡ nổi.

Lệnh cấm cửa châu Âu trong 1 tháng được Tổng thống Donald Trump đưa ra càng khiến thị trường thêm hoang mang. Chứng khoán châu Âu, giá vàng và dầu thô hôm qua cũng đồng loạt lao dốc. Chỉ số biến động CBOE - thước đo sự lo lắng của nhà đầu tư, đã vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2008 - đỉnh điểm của khủng hoảng tài chính.

Những đòn bẩy kinh tế cũng không mang lại hiệu quả trước dịch bệnh. Trước đó, ngày 4/3, FED đã thông báo cắt giảm lãi suất nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ trước tác động của dịch bệnh. Trớ trêu thay, thị trường chứng khoán lại càng giảm điểm trước thông tin hạ lãi suất. Các nhà phân tích đánh giá, điều thị trường quan tâm nhất lúc này đó là Chính phủ Mỹ sẽ hành động thế nào để kiểm soát dịch bệnh, thay vì tìm kiếm một biện pháp tài chính.

Khi các chỉ số mang tính định hướng toàn cầu tại phố Wall sụp đổ, các thị trường khác trên thế giới cũng không ngoại lệ. Hầu hết các thị trường đều đã bước vào thị trường giá xuống, khi mất hơn 20% so với đỉnh gần nhất.

Tại Nhật Bản, Nikkei 225 trở thành chỉ số có diễn biến tiêu cực nhất đã mất hơn 9% ngay từ khi mở cửa, sau đó mới thu hẹp đà giảm về ngưỡng 8,6% hiện tại.

Một số thị trường cũng phải kích hoạt cơ chế ngắt mạch tự động như tại Mỹ. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc đã phải ngừng giao dịch 15 phút do cơ chế ngắt mạch tự động khi mức giảm của các chỉ số chạm 7%. Đến cuối phiên, chỉ số này mất 6,44%.

Chỉ số SET Composite của thị trường Thái Lan giảm mạnh 10% vào phiên sáng khiến sàn chứng khoán nước này phải dừng khẩn cấp; tại Australia, S&P/ASX 200 đã giảm hơn 7% trong phiên hôm qua.

Trung Quốc, nước bị ảnh hưởng nhất bời dịch bệnh cúm Vũ Hán giai đoạn đầu, cho thấy sự bất ngờ khi là thị trường chứng khoán giảm điểm ít nhất thế giới kể từ khi xuất hiện dịch bệnh đến nay. Chỉ số Shanghai Composite chỉ mất 3,32%, trong khi chỉ số Shenzhen Composite giảm 3,65%. Ngày hôm qua, Trung Quốc cũng đã tuyên bố đi qua đỉnh dịch và đang dần khôi phục lại hoạt động của nền kinh tế.

Tại Việt Nam, ngay trong phiên giao dịch đầu tuần 9/3 đã chứng kiến VNIndex giảm tới 56 điểm, mức sụt giảm lớn nhất trong nhiều năm qua. Đà giảm đã kéo dài từ đầu tuần cho tới cuối tuần. Mở đầu phiên giao dịch ngày 13/3, nhà đầu tư cũng đồng loạt bán tháo bằng mọi giá. Hàng loạt cổ phiếu giảm sàn, ‘trắng bên mua’ khiến VNIndex có thời điểm chỉ còn 723 điểm, thấp hơn 19% so với mức đóng cửa cuối tuần trước.

Mặc dù về cuối phiên sáng, giao dịch có phần không còn quá tiêu cực như ở đầu phiên. Kết thúc phiên sáng, VNIndex còn giảm 33,32 điểm (-4,33%) xuống 735,93 điểm. HNXIndex giảm 3,48 điểm (-3,42%) xuống 98,43 điểm.

Thanh khoản thị trường phiên sáng duy trì ở mức cao. Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE và HNX đạt 261 triệu cổ phiếu, trị giá 3.800 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng với hơn 400 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Khác với khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008, dịch bệnh thường sẽ diễn ra trong ngắn hạn hơn. Lịch sử cũng chứng minh sau dịch SARS kéo dài 6 tháng, thị trường chứng khoán đã tăng cao hơn trước thời điểm diễn ra dịch bệnh.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến cáo, lúc này nhà đầu tư cần bình tĩnh và nên nhìn một cách tổng quan. Khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, với nội lực của nền kinh tế, có nhiều cơ sở để trông đợi vào khả năng phục hồi.