Ví điện tử bình dân hóa sản phẩm tài chính, chứng khoán

Việt Hưng - 14:14, 17/07/2023

TheLEADERGiờ đây để mở tài khoản chứng khoán, nhà đầu tư chỉ cần thực hiện 3 bước đơn giản ngay trên ví điện tử. Ngoài ra, có thể tìm kiếm, tra cứu thông tin mã cổ phiếu và bắt đầu giao dịch chỉ từ một cổ phiếu.

Công ty chứng khoán DNSE và ví điện tử ZaloPay đã hợp tác ra mắt sản phẩm tài khoản chứng khoán đầu tiên trên ví điện tử tại Việt Nam. Hợp tác này cho phép nhà đầu tư trực tiếp đăng ký và giao dịch chứng khoán qua tài khoản Entrade X của DNSE ngay trên ví điện tử ZaloPay mà không cần phải chuyển đổi nền tảng.

Để mở tài khoản chứng khoán, nhà đầu tư chỉ cần thực hiện 3 bước đơn giản ngay trên ứng dụng Zalo. Ngoài ra, có thể tìm kiếm, tra cứu thông tin mã cổ phiếu và bắt đầu giao dịch chỉ từ một cổ phiếu.

Hợp tác giữa DNSE và ZaloPay hướng tới tầm nhìn chung về việc bình dân hóa sản phẩm tài chính - chứng khoán, giúp sản phẩm đầu tư chứng khoán trở nên đơn giản, dễ tiếp cận với bất kỳ ai mà không bị áp lực về nguồn vốn ban đầu.

Bà Phạm Thị Thanh Hoa - Tổng giám đốc DNSE cho biết: "Tài chính là một kỹ năng rất cần thiết với mỗi cá nhân. Tuy nhiên ở Việt Nam, quản lý và đầu tư tài chính vẫn là khái niệm xa vời với một bộ phận lớn. DNSE luôn ấp ủ thay đổi điều đó và mong muốn phổ cập đầu tư chứng khoán đến với đông đảo mọi người".

Được thành lập từ năm 2007, Công ty chứng khoán DNSE đạt tốc độ tăng trưởng nhanh với nhiều sản phẩm tiên phong trong lĩnh vực chứng khoán số như: dịch vụ mở tài khoản e-KYC số hóa 100% thao tác, môi giới ảo AI Broker, nạp rút tiền 24/7, hệ thống quản trị và cho vay theo từng giao dịch…

Còn ZaloPay hiện là ví điện tử có tốc độ phát triển người dùng nhanh nhất trong 3 năm qua, với hơn 11,5 triệu người dùng thanh toán thường xuyên năm 2022, sở hữu mạng lưới rộng khắp với hàng chục ngàn đối tác và điểm thanh toán trên cả nước.

Bà Lê Lan Chi - Tổng giám đốc ZaloPay chia sẻ: "Chứng khoán là lĩnh vực tiềm năng, đang thu hút sự quan tâm lớn từ phía người dùng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ. Nắm bắt được nhu cầu này, ZaloPay mong muốn trở thành ví điện tử dẫn đầu trong việc bình dân hóa việc đầu tư chứng khoán".

Ví điện tử bình dân hóa sản phẩm tài chính, chứng khoán
ZaloPay và DNSE cùng nhau bình dân hóa sản phẩm tài chính, chứng khoán

Thời gian gần đây, không chỉ có ZaloPay hay DNSE quan tâm tới các sản phẩm tài chính cá nhân, chứng khoán, mà nhiều fintech, ví điện tử khác tại Việt Nam cũng muốn có thị phần trong lĩnh vực tiềm năng này.

Chẳng hạn, Finhay cung cấp nền tảng kết nối các nhà đầu tư nhỏ lẻ với các quỹ tài chính tài Việt Nam, đồng thời cung cấp giải pháp quản lý tài sản cho người dùng. Đối tượng mà Finhay nhắm đến là người dùng trẻ độ tuổi từ 25 đến 28, công việc văn phòng, lương hơn 8 triệu/tháng, có nhu cầu đầu tư, có khối lượng tiền rảnh rỗi vừa phải, thời gian ít, và có xu hướng thích trải nghiệm online.

Trong khi đó, MoMo kết hợp cùng Dragon Capital triển khai sản phẩm đầu tư chứng chỉ quỹ ngay trên ứng dụng giúp kết nối nhu cầu đầu tư và là giải pháp thanh toán cho người dùng trong giao dịch mua/bán chứng chỉ quỹ mở do Dragon Capital quản lý.

Ví điện tử bình dân hóa sản phẩm tài chính, chứng khoán 1
Nở rộ các fintech cung cấp sản phẩm tài chính cá nhân, chứng khoán

Tuy nhiên, thực trang nở rộ các fintech cung cấp sản phẩm tài chính cá nhân, chứng khoán cũng đặt ra bài toán với cơ quan quản lý. Năm ngoái, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) từng phát đi khuyến cáo tới nhà đầu tư về hoạt động cung cấp dịch vụ về chứng khoán trên không gian mạng khi chưa được UBCKNN cấp phép.

Theo cơ quan này, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, ứng dụng giao dịch (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF,…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư.

"Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình", thông báo của UBCKNN viết.

UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các ứng dụng này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro phát sinh.

Trước khi khuyến cáo của UBCKNN được phát đi, Finhay đã mua lại Công ty Cổ phần Chứng khoán Vina ("Vina Securites - VNSC"). Giao dịch được thực hiện thông qua công ty con của Finhay là Công ty TNHH Dịch vụ và Phân phối Finhay Việt Nam.

Đại diện Finhay chia sẻ, việc mua lại công ty chứng khoán VNSC là bước tiến mạnh mẽ và thể hiện tham vọng tiếp tục đi đầu trong việc cung cấp các sản phẩm đầu tư tài chính, đồng thời cam kết liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ tới người dùng.  

Còn Công ty Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) - đơn vị sở hữu và vận hành ví điện tử MoMo cũng chi tiền mua hơn 4,4 triệu cổ phần, tương đương 49% vốn của Công ty Chứng khoán CV.

Đáng chú ý, cả Finhay và MoMo đều từng nhận đầu tư từ Chứng khoán Thiên Việt (TVS) với số tiền được ghi nhận lần lượt là 62,5 tỷ đồng và 27,85 tỷ đồng.