'Xin lỗi chúng tôi không dùng tiền mặt'

Việt Hưng - 11:51, 15/07/2023

TheLEADERCác giải pháp như mã QR, thiết bị POS đang trở thành mũi nhọn của các fintech trong cuộc cách mạng thanh toán không tiền mặt, đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam.

Ông Marek Forysiak - nhà sáng lập SmartPay nói về tương lai của thanh toán điện tử, cũng như kỳ vọng của ông với nền tảng thanh toán SmartPay: "Ước mơ của tôi là một ngày khi đi vào cửa hàng bất kỳ, nhân viên sẽ nói: Xin lỗi chúng tôi không dùng tiền mặt".

Ước mơ của ông Marek Forysiak cũng chính là mục tiêu được Chính phủ Việt Nam đề ra tới năm 2025, khi thanh toán không tiền mặt đạt mức 50%. Cá nhân nhà sáng lập SmartPay tin rằng, thực tế con số này trong tương lai có thể đạt mức cao hơn.

Trong đó, sự thay đổi mạnh mẽ về hành vi tiêu dùng của người Việt Nam nắm vai trò then chốt thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã có trên 75% người trưởng thành có tài khoản thanh toán ngân hàng.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, số lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2022. Thanh toán qua các kênh Internet hay điện thoại di động đều tăng cả số lượng và giá trị giao dịch. Đặc biệt, thanh toán qua phương thức mã QR tăng trưởng ấn tượng nhất với hơn 161% về số lượng và 36,6% về giá trị.

'Xin lỗi chúng tôi không dùng tiền mặt'
Ông Marek Forysiak - nhà sáng lập SmartPay

Đẩy mạnh hơn nữa phương thức thanh toán qua mã QR, SmartPay đã bắt tay cùng Mastercard và ZaloPay. Trong đó, đối tượng được các bên hướng đến là các tiểu thương vốn không được trang bị nhiều về kiến thức, cũng như các công nghệ mới.

"Hầu hết những tiểu thương trụ lại sau đại dịch đều có những bước chuyển mình để phát triển. Với nhu cầu cao về thanh toán không dùng tiền mặt sau dịch Covid-19, tiểu thương tất nhiên sẽ muốn triển khai các hình thức thanh toán số", ông Marek Forysiak nêu.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ chiếm trên 93% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và đóng vai trò quan trọng trong công cuộc thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy vậy, nhóm này đang phải đối mặt với những thách thức lớn do thiếu cơ sở hạ tầng, các công nghệ chấp nhận thanh toán kỹ thuật số.

Do đó, đại diện SmartPay tin rằng, các giải pháp đơn giản như Mastercard QR hay SmartQR của SmartPay kết hợp cùng ZaloPay sẽ giúp các tiểu thương nhanh chóng chuyển đổi số và và dễ dàng mở rộng công việc kinh doanh của mình.

'Xin lỗi chúng tôi không dùng tiền mặt' 1
Thanh toán qua phương thức mã QR đang tăng trưởng ấn tượng

Tính đến cuối năm 2022, SmartPay đạt 3 triệu USD giao dịch, chỉ chiếm 3% tổng thu nhập của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Điều này cho thấy dư địa thị trường còn rất nhiều, chưa kể hành vi người dùng đang dần chuyển qua không tiền mặt là cơ hội doanh nghiệp thấy được.

Khác biệt với những fintech trên thị trường, SmartPay được thành lập vì nhà bán hàng, đem đến những giải pháp đổi mới sáng tạo ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: FMCG, F&B, Chăm sóc sức khỏe và Làm đẹp, Dược, Điện gia dụng,…. giúp họ chuyển đổi mạnh mẽ và trang bị cho họ một nền tảng chấp nhận thanh toán toàn diện từ thẻ tín dụng, ghi nợ, đến quét mã QR bằng ví điện tử, hay bất kỳ ứng dụng ngân hàng nào.

Ngoài phương thức thanh toán qua mã QR, SmartPay cũng đang tập trung vào thị trường thiết bị POS. Công ty này đặt mục tiêu 3 năm tới là cung cấp thêm 325.000 thiết bị POS - tương ứng với việc chiếm gần 30% tổng thị phần.

Hiện tại, SmartPay đang có hơn 700.000 nhà bán hàng (đơn vị chấp nhận thanh toán) và cộng đồng hơn 40 triệu người dùng trong cả nước, tính từ thời điểm thành lập vào tháng 5/2019. Hậu thuẫn cho SmartPay là Sumitomo Mitsui Financial Group - đơn vị từng rót vốn 10 triệu USD vào công ty mẹ SmartNet cuối năm 2022.