Vì sao Hòa Bình lỗ hơn 2.570 tỷ đồng?

Dũng Phạm - 12:16, 04/07/2023

TheLEADERTheo báo cáo tài chính kiểm toán mới được Hòa Bình công bố, nhóm các chủ đầu tư dự án bất động sản gặp khó khăn tài chính không thể thanh toán theo cam kết đã khiến Hòa Bình phải lập dự phòng thêm gần 1.100 tỷ đồng.

Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Hòa Bình) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 được kiểm toán bởi Ernst & Young. Trong đó, hãng kiểm toán này đã nhấn mạnh về khoản lỗ lên tới hơn 2.570 tỷ đồng.

Ngoài mức lỗ kỷ lục được ghi nhận, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm hơn 883 tỷ đồng cùng nhiều khoản vay quá hạn cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn dến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Hoà Bình. 

Thêm nữa, E&Y cũng lưu ý nhà đầu tư về một số nghiệp vụ tạm ứng lên tới hàng trăm tỷ đồng đã được Hòa Bình thực hiện khi chưa có đủ phê duyệt phù hợp.

Cụ thể, năm 2022, Hòa Bình đạt doanh thu thuần đạt 14.149 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2021 và lợi nhuận gộp của tập đoàn đạt 470 tỷ đồng, theo báo cáo kiểm toán mới công bố.

Dù vậy, mức lợi nhuận này không đủ bù cho chi phí tài chính lên tới 520 tỷ đồng mà Hòa Bình phải thanh toán cho các khoản nợ vay. Như vậy, chỉ riêng phần chi phí trả lãi vay đã “xóa sạch” thành quả lợi nhuận kinh doanh mà Hòa Bình đạt được.

Đáng chú ý, mức lỗ sau thuế của Hòa Bình tăng mạnh sau kiểm toán (từ 1.140 tỷ đồng lên 2.570 tỷ đồng) do sự gia tăng đột biến của “chi phí quản lý doanh nghiệp”. Đây là khoản chi phí do công ty phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi (gần 1.700 tỷ đồng).

Cụ thể, Hòa Bình đã phải dự phòng thêm khoảng 1.100 tỷ đồng cho các khoản Phải thu ngắn hạn và Phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng. Đây chủ yếu là các chủ đầu tư dự án gặp khó khăn về tài chính và không thể thực hiện thanh toán theo hợp đồng cho công ty. Trong đó, nhiều dự án Hòa Bình phải thực hiện trích lập dự phòng gần như toàn bộ dư nợ hiện có.

Trong danh sách có những cái tên đáng chú ý như Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm - doanh nghiệp sở hữu dự án Prime Cam Ranh Bay Hotel & Resorts và hay Tập đoàn Sunshine – ông lớn ngành bất động sản cũng đang “gồng gánh” dư nợ trái phiếu lớn.

Một cái tên nổi bật khác là Công ty Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Empire Group), chủ đầu tư dự án Cocobay – Đà Nẵng. Theo đó, Hòa Bình từng đưa doanh nghiệp này ra Hội đồng Trọng tài để khiếu kiện và thu hồi nợ nhưng dù thắng kiện, hành trình đòi nợ của Hòa Bình vẫn không mấy suôn sẻ khi phía Thành Đô chưa chấp nhận phán quyết trọng tài. 

Tình hình tài chính không kém phần “bết bát” của những đối tác lớn là một phần nguyên nhân chính khiến tình trạng nợ khó đòi của Hòa Bình diễn biến tiêu cực. Những khó khăn từ thị trường bất động sản gần như “đóng băng”, thị trường trái phiếu “tắc nghẽn” đã gián tiếp đẩy mức dự phòng trích lập nợ khó đòi của tập đoàn này tăng, qua đó ghi nhận mức thua lỗ lịch sử trong kết quả kinh doanh trong năm 2022.

Vì sao Hòa Bình lỗ hơn 2.570 tỷ đồng?
Nguồn: BCTC Kiểm toán 2022 của Hòa Bình
Vì sao Hòa Bình lỗ hơn 2.570 tỷ đồng? 1
Nguồn: BCTC Kiểm toán 2022 của Hòa Bình

Ngoài ra, trong khoản mục Phải thu khác, công ty cũng phải trích lập dự phòng "đột biến" lên tới trên 475 tỷ đồng. Báo cáo kiểm toán cho biết, khoản mục này ghi nhận nhiều nghiệp vụ tạm ứng cho các thành viên trong ban lãnh đạo để thực hiện những hoạt động cơ cấu lại các khoản nợ và đầu tư của Hoà Bình 

Công ty kiểm toán E&Y cũng lưu ý người đọc về các nghiệp vụ này diễn ra khi chưa có đủ phê duyệt phù hợp. Tuy nhiên, các nghiệp vụ này sau đó đã được HĐQT thông qua tại ngày 20/5/2023, trước khi hoàn thiện báo cáo kiểm toán.

Để giải quyết vấn nạn nợ khó đòi, Hòa Bình phải tăng cường tìm tới nguồn vốn tín dụng làm "cứu cánh" và khiến áp lực về dòng tiền trả nợ liên tục đè nặng lên cơ cấu tài chính của doanh nghiệp trong nhiều năm trở lại đây.

Theo thông tin từ báo cáo kiểm toán, tính tới hết 30/6, Hòa Bình đã thanh toán được hơn 2.047 tỷ đồng nợ gốc và 170 tỷ đồng nợ lãi trong tổng số hơn 5.104 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và vay dài hạn đến hạn trả trong năm nay. Đối với số dư nợ còn lại, Hoà Bình đã làm việc với các ngân hàng về việc giãn, hoãn nợ và một số khoản vay đã được đồng ý bằng văn bản.

Cùng với việc cơ cấu nợ vay, Hòa Bình cũng đã và đang thực hiện các kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, thanh lý tài sản (dự kiến thu về hơn 1.000 tỷ đồng) nhằm có thêm nguồn lực giúp tập đoàn này có thể vượt qua được những thách thức lớn về vốn tài chính trong thời điểm hiện tại.

Với những động thái tích cực trên, trong tâm thư mới công bố, Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải cho biết Hòa Bình sẽ có đủ nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh và có dòng tiền đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính trong vòng 12 tháng tới.