Vì sao Việt Nam trở thành đối tác tin cậy của thế giới?

Phạm Sơn - 08:50, 10/02/2024

TheLEADERChính sách ngoại giao “tâm công”, chủ trương làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, cùng với những tiềm lực và khát vọng vươn lên mạnh mẽ giúp Việt Nam trở thành đối tác tin cậy của quốc tế, trong bối cảnh thế giới đang ngày càng phân mảnh, cạnh tranh nước lớn, xung đột địa chính trị ngày càng gay gắt.

Vì sao Việt Nam trở thành đối tác tin cậy của thế giới?
Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

2023 tiếp tục là một năm chứng kiến những biến động khó lường trong quan hệ quốc tế. Các cuộc xung đột chưa đi đến hồi kết, cạnh tranh nước lớn tiếp tục trở nên gay gắt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn duy trì đường lối đối ngoại nhất quán, chủ trương làm bạn, hợp tác với tất cả các quốc gia trên nguyên tắc tôn trọng lợi ích chung và thượng tôn luật pháp quốc tế.

Ngành ngoại giao của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, đặc biệt phải kể đến sự kiện nâng tầm quan hệ với Mỹ và Nhật Bản, ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc, đồng thời tích cực tham gia đóng góp vào các vấn đề chung của quốc tế.

Có thể nói, trong bối cảnh quan hệ quốc tế diễn biến bất ổn, khó lường, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn, là đối tác đáng tin cậy của các quốc gia trên thế giới.

TheLEADER có buổi trò chuyện đầu xuân với ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, xoay quanh câu chuyện này.

Có thể nói 2023 là một năm thành công về mặt đối ngoại của Việt Nam. Ông có thể khái quát những thành tựu chúng ta đã đạt được về mặt đối ngoại trong năm vừa qua?

Ông Phạm Quang Vinh: 2023 thực sự là một năm có nhiều bất ổn, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, với những cuộc cạnh tranh nước lớn, các khủng hoảng địa chính trị và an ninh, tạo ra sức ép chọn bên rất nặng nề cho các quốc gia trên thế giới.

Vấn đề an ninh phi truyền thống vẫn căng thẳng, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng vì nhiều nguyên nhân khác nhau khiến các quốc gia phải điều chỉnh quá trình tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Những biến động đó khiến vấn đề an ninh kinh tế được đẩy lên rất cao.

Bên cạnh đó, câu chuyện đổi mới sáng tạo, những bước tiến trong lĩnh vực công nghệ như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn… đã tạo ra mô hình phát triển mới và mở ra mô hình quản trị mới cho các nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam nối lại các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại bị đình trệ do Covid-19. Chúng ta đã triển khai một loạt hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao, nhằm mục đích tạo ra cục diện đối ngoại mới thuận lợi cho Việt Nam cả về chính trị, kinh tế và các vấn đề an ninh.

Đơn cử, chúng ta đã có tổ chức và tiếp đón khoảng 50 đoàn đối ngoại cấp cao, tiếp đón hai vị lãnh đạo của hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, đẩy mạnh quan hệ hợp tác ở cả khu vực, trong châu lục và trên toàn thế giới.

Năm 2023, Việt Nam thu hút được 36,6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 683 tỷ USD. Những con số về thương mại, đầu tư tuy chưa bằng được thời điểm trước đại dịch nhưng cũng rất ấn tượng khi các đối tác lớn của Việt Nam đều đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế.

Thứ nữa, chúng ta đã bắt kịp và bước đầu trao đổi với các đối tác, đặt nền móng để tranh thủ cơ hội tham gia vào những xu thế mới của thế giới, chính là những câu chuyện ta nhắc đến rất nhiều trong năm qua là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng, kinh tế tuần hoàn.

Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với sáu trong top 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chính là vị thế chiến lược đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến cục diện phát triển trong tương lai.

Có thể nói, năm 2023 là năm dấu mốc của Việt Nam trong việc tạo dựng môi trường chiến lược mới, thắt chặt quan hệ với cả những đối tác láng giềng, trong khu vực và các nước lớn. 

Tính đến nay, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với sáu trong top 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chính là vị thế chiến lược đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến cục diện phát triển trong tương lai.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục đóng góp tích cực và đầy trách nhiệm các vấn đề chung của toàn cầu như đưa ra cam kết mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tham gia các hoạt động của Liên hợp quốc, tham gia sâu rộng, phát huy vai trò trung tâm của khu vực ASEAN trong vấn đề giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác khu vực.

Tại sao trong bối cảnh thế giới trở nên ngày càng phân mảnh, Việt Nam vẫn là đối tác được các quốc gia tin tưởng và coi trọng?

Ông Phạm Quang Vinh: Khi các “ông lớn” tăng cường cạnh tranh về kinh tế, chính trị, chắc chắn không quốc gia nào không chịu ảnh hưởng từ “áp lực chọn bên”. Bởi lẽ, quốc gia nào cũng có mối quan hệ làm ăn, đối tác với nước lớn. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, thay vì “chọn” bên, Việt Nam lựa chọn chơi với tất cả các bên và rõ ràng là chúng ta đã làm được điều đó.

Để làm được điều này, đầu tiên phải nhắc đến quan điểm, chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là lợi ích quốc gia đi kèm với lợi ích quốc tế, trên cơ sở thượng tôn luật pháp quốc tế và cùng có lợi.

Chúng ta duy trì quan điểm giữ vững độc lập, tự chủ, bên cạnh việc tiếp tục đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối tác, “chơi” với bạn bè trên tinh thần đóng góp có trách nhiệm. Thế giới đang khó khăn, Việt Nam duy trì đường lối “ngoại giao tâm công”, lấy chính nghĩa, lẽ phải làm định hướng, là điểm cộng lớn trong việc duy trì lòng tin của đối tác.

Chính sách ngoại giao nhất quán cho phép chúng ta hợp tác được với tất cả các nước, dù có sự khác biệt về chế độ chính trị xã hội, dù trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn diễn ra càng ngày càng gay gắt.

Vì sao Việt Nam trở thành đối tác tin cậy của thế giới? 1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2023. Ảnh: Hoàng Anh

Tuy nhiên, chỉ như vậy là chưa đủ. Trong bối cảnh hiện nay, sự tin cậy còn phải được xem xét dựa trên việc chúng ta thực hiện những cam kết, thỏa thuận với đối tác như thế nào. Việt Nam có thể cam kết, thỏa thuận rất nhiều những vấn đề như biến đổi khí hậu, giảm phát thải, hợp tác biển… nhưng nếu không thực hiện được các cam kết thì lòng tin cũng sẽ bị suy giảm.

Thứ nữa, trong bối cảnh an ninh kinh tế được đặt lên hàng đầu, các quốc gia tích cực mở rộng chuỗi cung ứng để phòng ngừa sự đứt gãy do nhiều rủi ro có thể xảy đến. Trong bối cảnh đó, các nước sẽ định hướng dòng vốn đầu tư đến những nơi đem lại giá trị, những quốc gia có thể hấp thụ nguồn vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động hiệu quả.

Sự tin cậy của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam ở đây không chỉ là niềm tin chính trị mà còn là niềm tin để cùng nhau làm ăn, đi với nhau một chặng đường dài, đồng hành vì lợi ích chung và lợi ích riêng của mỗi bên.

Qua gần 40 năm Đổi mới, chúng ta đã nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam mới. Chúng ta cũng đã thể hiện quyết tâm vươn lên với khát vọng trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Đó là những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy khả năng và quyết tâm của Việt Nam trong việc tranh thủ hiệu quả những quan hệ hợp tác quốc tế.

Tựu trung, sự tin cậy của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam ở đây không chỉ là niềm tin chính trị mà còn là niềm tin để cùng nhau làm ăn, đi với nhau một chặng đường dài, đồng hành vì lợi ích chung và lợi ích riêng của mỗi bên.

Sự tin cậy đó, những thành tựu ngoại giao kinh tế đem lại cơ hội lớn cho phục hồi kinh tế. Chúng ta phải làm gì để tận dụng những cơ hội đó, thưa ông?

Ông Phạm Quang Vinh: Trong năm 2023 và 2024, phục hồi kinh tế là mục tiêu trọng tâm của đất nước cũng như của công tác đối ngoại, bởi nền kinh tế đã chịu những thiệt hại nặng nề kể từ đại dịch Covid-19.

Đây không phải là câu chuyện ngắn hạn mà còn được đặt trong bối cảnh chúng ta hoàn thành những mục tiêu của Đại hội Đảng XIII, hướng tới Đại hội Đảng XIV và xa hơn nữa là khát vọng đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Tuy nhiên, năm 2024, câu chuyện phục hồi kinh tế sẽ phải yêu cầu cao hơn. Việc nối lại hoạt động sản xuất, kinh doanh còn phải đi kèm với phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Năm vừa qua, Việt Nam đạt được không ít thành tựu đáng để ghi nhận. Tuy nhiên, thách thức, rủi ro vẫn còn đan xen, nhiều bài toán vẫn đang chờ lời giải.

Đầu tiên phải kể đến là môi trường kinh tế, thương mại, đầu tư vẫn rất khó khăn trên toàn cầu. Khi các đối tác của Việt Nam vẫn gặp khó, bài toán làm sao để tiếp tục thúc đẩy thương mại, đầu tư là một vấn đề nan giải.

Tiếp đó, trong năm 2023, chúng ta đã thu hút được nguồn lực mới cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh nhưng lại đặt ra vấn đề là năm 2024 và những năm tiếp theo, làm sao để nâng cao năng lực và tạo dựng điều kiện thuận lợi để tranh thủ những nguồn lực đó.

Thực tế, tôi nghe nhiều doanh nghiệp Âu, Mỹ nói rằng, Việt Nam tạo ra được một mặt bằng chung rất thuận lợi cho các dự án FDI nhưng thực tế, đi sâu vào lĩnh vực mới nào, từ chuyển đổi số, thương mại điện tử, an ninh mạng cho đến chuyển đổi xanh, năng lượng xanh… đều gặp khó khăn. Điều đó xuất phát từ đâu và để giải quyết gốc rễ vấn đề đó, chúng ta phải thay đổi như thế nào?

Một lĩnh vực đặc biệt phải nhấn mạnh là chuyển đổi xanh. Yếu tố “xanh” đang trở thành một thành tố rất quan trọng của thị trường, đòi hỏi Việt Nam phải đáp ứng để có thể giữ được các thị trường quan trọng.

Châu Âu đã đi một bước rất sớm là đưa hàm lượng phát thải vào nội hàm của hàng hóa. Các thị trường lớn khác cũng đang và sẽ có những chính sách tương tự. Điều này đặt ra câu hỏi là Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải thích ứng như thế nào?

Một vấn đề trọng tâm khác là chúng ta vẫn phải đề phòng những “cơn gió ngược”. Có nhiều dự báo cho thấy chiều hướng kinh tế được cải thiện trong năm 2024 nhưng sự cải thiện này vẫn chưa bền vững. Lạm phát có thể sẽ quay trở lại, kinh tế có thể tiếp tục suy yếu, chưa kể đến các cuộc bầu cử trong năm 2024 có thể sẽ tạo ra sự đảo chiều trong chính sách đối ngoại.

Nếu như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, nguy cơ tụt hậu so với thế giới là 10, 15 năm thì hiện tại, lơ là trong cuộc cách mạng 4.0 có thể khiến Việt Nam tụt hậu 50, 100 năm so với thế giới.

Để tận dụng cơ hội, phòng ngừa rủi ro, theo tôi, có một số giải pháp chính như sau.

Đầu tiên, Việt Nam vẫn là tâm điểm của nhà đầu tư quốc tế nhưng đâu đó vẫn còn những vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Điều này đòi hỏi cần cập nhật khung chính sách, năng lực của nền kinh tế, nâng cấp chất lượng lao động.

Chúng ta phải nâng cao và củng cố nội lực của mình mới có thể hấp thụ những dòng vốn đầu tư mới, những mô hình kinh tế mới.

Thứ hai, nhất quán ứng xử với quốc tế dựa trên chủ trương độc lập, tự chủ, làm bạn với tất cả các nước trên nguyên tắc cùng có lợi. Làm sao để Việt Nam vừa tranh thủ được những đối tác chủ chốt, vừa mở rộng quan hệ với những đối tác mới.

Thứ ba, không thể bỏ lỡ sự phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo. Nếu như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, nguy cơ tụt hậu so với thế giới là 10, 15 năm thì hiện tại, lơ là trong cuộc cách mạng 4.0 có thể khiến Việt Nam tụt hậu 50, 100 năm so với thế giới.

Năm 2023 đã đặt dấu mốc cho Việt Nam cơ hội hợp tác, tham gia những chuỗi cung ứng hàng đầu về công nghệ, tiêu biểu như chất bán dẫn. Tuy nhiên, nếu Chính phủ không cập nhật khung chính sách tạo điều kiện cho nhà đầu tư, nếu doanh nghiệp Việt không chủ động để làm ăn với doanh nghiệp nước ngoài thì chắc chắn cơ hội này sẽ bị bỏ lỡ.

Cuối cùng, phải tranh thủ mạnh mẽ hơn mạng lưới đối tác cũng như những hiệp định thương mại tự do đã có. Từ đó, chúng ta có thể kết hợp nội lực và ngoại lực để phát triển theo chiều sâu, bền vững, chất lượng cao.

Xin cảm ơn ông!