World Bank dự báo kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm tốc

Phương Anh - 18:45, 10/01/2024

TheLEADERWorld Bank đánh giá, kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong năm nay nhưng đã ở vị thế tốt hơn năm ngoái khi nguy cơ suy thoái giảm bớt.

World Bank dự báo kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm tốc
Công nhân làm việc trong một xưởng may gia công. Ảnh: Hoàng Anh

Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong báo cáo mới nhất nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chậm hơn nữa trong năm nay do những tác động chậm trễ và liên tục của chính sách tiền tệ thắt chặt, điều kiện tài chính hạn chế cũng như thương mại và đầu tư yếu kém diễn ra.

Tăng trưởng của thế giới được dự đoán sẽ chậm lại năm thứ ba liên tiếp, từ mức 2,6% năm ngoái xuống chỉ còn 2,4% trong năm nay.

Dù vậy, tổ chức này cũng lưu ý rằng, nền kinh tế toàn cầu đang ở trạng thái tốt hơn so với một năm trước khi nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đã giảm bớt, phần lớn đến từ sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.

Tuy vậy, căng thẳng địa chính trị gia tăng có thể tạo ra những mối nguy hiểm mới trong ngắn hạn cho nền kinh tế thế giới.

Cụ thể, rủi ro đối với triển vọng bao gồm sự leo thang của cuộc xung đột gần đây tại Trung Đông đi kèm là sự gián đoạn thị trường hàng hóa liên quan, căng thẳng tài chính trong bối cảnh nợ tăng và chi phí vay cao, lạm phát kéo dài, hoạt động yếu hơn dự kiến tại Trung Quốc, phân mảnh thương mại và các thiên tai liên quan tới biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, triển vọng trung hạn đang trở nên u ám đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển khi hầu hết nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, tương mại toàn cầu chậm lại và các điều kiện tài chính thắt chặt nhất trong nhiều thập kỷ.

World Bank đánh giá, tăng trưởng thương mại toàn cầu vào năm nay dự kiến chỉ bằng một nửa mức trung bình của thập kỷ trước đại dịch.

Trong khi đó, chi phí đi vay đối với các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là những nền kinh tế có xếp hạng tín dụng kém, có thể vẫn ở mức cao do lãi suất toàn cầu đang cao nhất trong bốn thập kỷ sau khi điều chỉnh lạm phát.

Giữa những điều kiện như vậy, các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn.

Trong khi đầu tư vào các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển có thể vẫn ở mức thấp, bài học rút ra từ các giai đoạn tăng tốc đầu tư trong bảy thập kỷ qua nhấn mạnh tầm quan trọng của các hành động chính sách và kinh tế vĩ mô cũng như sự tương tác của những hành động này với các thể chế khác trong việc thúc đẩy đầu tư. Điều này có thể tăng triển vọng tăng trưởng dài hạn.

Tại các nền kinh tế đang phát triển, xuất khẩu hàng hóa phải đối mặt với loạt thách thức đặc biệt trong bối cảnh chính sách tài khóa có tính chu kỳ và biến động.

Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải có một khuôn khổ tài chính được thiết kế phù hợp, kết hợp với môi trường thể chế mạnh mẽ, có thể giúp xây dựng các vùng đệm trong thời kỳ bùng nổ giá hàng hóa.

Ở cấp độ toàn cầu, World Bank cho rằng cần tăng cường hợp tác để giảm nợ, tạo điều kiện hội nhập thương mại, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và giảm bớt tình trạng mất an ninh lương thực.