XanhNét thu gom rác nhựa giá trị thấp

Phạm Nhật - 16:38, 13/01/2024

TheLEADERTừ năm 2024, những người đồng nát, ve chai trong hệ sinh thái tuần hoàn XanhNét (thuộc Công ty CP VietCycle) sẽ thu gom cả những rác thải nhựa có giá trị thấp như vỏ nylon đựng thực phẩm, vỏ hộp sữa.

Rác nhựa giá trị thấp thường là bao bì hỗn hợp nhiều vật liệu hoặc có khối lượng nhỏ, dính nhiều tạp chất. Do đó, chúng thường bị những người thu gom phế liệu bỏ qua, thất thoát ra môi trường hoặc được xử lý bằng những cách truyền thống như đốt, chôn lấp.

Sở hữu công nghệ tái chế rác nhựa có giá trị thấp, Công ty CP VietCycle cho biết, từ năm 2024, người đồng nát, ve chai trong hệ sinh thái tuần hoàn XanhNét của công ty có thể thu gom cả những loại rác thải này.

Theo ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch VietCycle, việc mở rộng thu gom rác nhựa có giá trị thấp nhằm giúp người đồng nát, ve chai có thêm thu nhập, vừa giúp bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.

“Người làm ve chai, đồng nát có thể hợp tác với những công nhân vệ sinh môi trường để thu gom rác nhựa giá trị thấp hiệu quả hơn”, ông Vượng nói.

Thông tin trên được đưa ra tại Lễ tổng kết dự án Tuần hoàn rác thải nhựa (The Plastic cycle) do VietCycle tổ chức, dưới sự tài trợ của Liên minh chấm dứt rác thải nhựa (AEPW).

Dự án được thực hiện từ tháng 12/2022 đến tháng 8/2023 tại Hà Nội và TP.HCM, thu gom và tái chế thành công hơn 4.400 tấn rác thải nhựa, vượt qua mục tiêu 4.200 tấn được đặt ra khi bắt đầu triển khai.

Không chỉ thu gom rác để bảo vệ môi trường, dự án cũng thành công trong việc hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người đồng nát, ve chai, giúp họ cải thiện cuộc sống, tự tin với nghề nghiệp của mình và góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội.

“Dự án đã mở ra một cơ hội mới, mang lại điều kiện việc làm ổn định, công bằng và cải thiện thu nhập cho những lao động ve chai phi chính thức”, ông Nguyên Văn Tuấn, Giám đốc VietCycle nhận xét.

Ông Tuấn cho biết thêm, VietCycle và các đối tác trân trọng gọi những người đồng nát, ve chai là những “chiến binh xanh”. Đối với VietCycle, những “chiến binh xanh” này là người cùng một nhà, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau để sống tốt với nghề và thực hiện sứ mệnh bảo vệ môi trường.