Xây dựng Hòa Bình lỗ gần 2.600 tỷ đồng sau kiểm toán

Trần Anh - 13:40, 19/06/2023

TheLEADERLợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ sau kiểm toán âm gần 2.600 tỷ đồng, tăng thêm gần 1.500 tỷ đồng so với báo cáo tài chính Hòa Bình tự lập trước đó. Đây cũng là số lỗ lớn nhất của doanh nghiệp kể từ khi niêm yết.

Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Hòa Bình) vừa công bố tờ trình ĐHCĐ thường niên năm 2023, dự kiến diễn ra vào ngày 27/6 tại TP.HCM. Tài liệu này cho biết, sau khi kiểm toán, doanh thu thuần năm 2022 của Hòa Bình đạt 14.149 đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm gần 2.600 tỷ đồng. 

Khoản lỗ của Hòa Bình đã tăng thêm gần 1.500 tỷ đồng so với báo cáo tài chính 2022 tự lập trước đó, công ty chỉ ghi nhận lỗ sau thuế của công ty mẹ 1.138 tỷ đồng. Đây cũng là số lỗ lớn nhất của doanh nghiệp kể từ khi niêm yết.

Tổng tài sản của công ty tính tới cuối năm 2022 là 15.573 tỷ đồng, giảm 1.353 tỷ đồng so với trước kiểm toán và giảm 6% so với năm 2021. Vốn chủ sở hữu 1.196 tỷ đồng, giảm 1.447 tỷ đồng so với trước kiểm toán và giảm 70% so với năm 2021.

Cũng trong tài liệu ĐHCĐ, Hòa Bình đặt mục tiêu tổng doanh thu 7.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng trong năm 2023. Tuy nhiên báo cáo tài chính quý I mới công bố, công ty đã lỗ thêm 445 tỷ đồng. Lũy kế đến 31/3, công ty lỗ 1.137 tỷ đồng theo báo cáo tự lập.

Đối mặt với thua lỗ và suy giảm vốn chủ sở hữu, Hòa Bình lên kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Cụ thể, công ty dự kiến phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu, giá tối thiểu 12.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi giá giao dịch trên thị trường của cổ phiếu HBC trong 3 tháng qua chỉ dao động từ 8.000 đến 9.500 đồng.

Nếu phát hành thành công, số tiền thu về tối thiểu là 3.288 tỷ đồng. Công ty cho biết, toàn bộ số tiền thu được từ các đợt chào bán được sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với đối tác (nhà thầu phụ, nhà cung cấp, nhà sản xuất), thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án.

Khoản lỗ kỷ lục của Hòa Bình diễn ra trong một năm ngành xây dựng gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản. Công ty đã phải mạnh tay trích lập dự phòng các khoản phải thu khách hàng hướng đến việc làm sạch tình hình tài chính.

Ngoài ra, bản thân Hòa Bình cũng vướng nhiều vấn đề nội bộ, làm ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Đầu năm nay, Hòa Bình trải qua nhiều tuần “tranh chấp quyền lực” giữa nhà sáng lập Lê Viết Hải và cổ đông lớn Nguyễn Công Phú. Nội bộ của Hòa Bình chỉ mới được ổn định trong thời gian ngắn gần đây sau khi nhóm cổ đông lớn của ông Phú chấp nhận rút lui.

ĐHCĐ sắp diễn ra cũng có biến động lớn về mặt nhân sự khi dự kiến bỏ phiếu miễn nhệm 5 thành viên gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Albert Antoine, ông David Martin Ruiz, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng.

Công ty dự kiến bầu bổ sung 2 thành viên mới, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng là ông Lê Văn Nam (hiện là Tổng giám đốc Xây dựng Hòa Bình) và ông Mai Hữu Thung (Chủ tịch Công ty Bất động sản Thành Ngân, Thành viên Ban kiểm soát Công ty Tư ván xây dựng Điện 1).