Y tế, chăm sóc sức khỏe hút vốn ngoại

Hoàng An - 09:46, 12/03/2024

TheLEADERMức độ quan tâm đến sức khỏe ngày càng cao, tốc độ già hóa dân số nhanh và sự phát triển của tầng lớp trung lưu khiến ngành y tế Việt ngày càng hấp dẫn đầu tư.

Y tế, chăm sóc sức khỏe hút vốn ngoại
Thomson Medical Group đã mua lại bệnh viện FV

Báo cáo thị trường mua bán sáp nhập (M&A) của Kirin Capital cho biết, y tế là một trong những ngành có hoạt động M&A sôi động nhất trong năm 2023, với 11 thương vụ có tổng giá trị 508 triệu USD, gấp đôi năm 2022.

Đỉnh điểm của xu hướng này diễn ra trong quý III/2023, khi một loạt thương vụ đầu tư vào lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe đã được ký kết. Nổi bật trong số đó là thương vụ Thomson Medical Group (TMG) mua bệnh viện FV và Dongwha Pharm thâu tóm hơn một nửa vốn chuỗi nhà thuốc Trung Sơn.

Theo phân tích của Kirin Capital, có bốn yếu tố khiến nhà đầu tư đẩy mạnh hoạt động M&A trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe.

Đầu tiên, chăm sóc sức khỏe là một trong những hoạt động thiết yếu, do đó ngành y tế luôn duy trì một sự ổn định vững chắc trước sóng gió của nền kinh tế. Ngay cả khi kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và sử dụng dịch vụ y tế của người dân cũng ít suy giảm.

Đặc biệt, tiềm năng của ngành này càng được các nhà đầu tư nhận thấy rõ ràng hơn thông qua đại dịch Covid-19 vừa qua.

Thứ hai, cơ cấu dân số đang làm gia tăng thêm sự hấp dẫn của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. 

Tính trung bình trong giai đoạn 2009 - 2019, trong khi tổng dân số tăng 1,14%/năm thì dân số cao tuổi tăng tới 4,35%/năm. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe được dự báo chắc chắn sẽ ngày một cao hơn. 

Thứ ba, tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu ở Việt Nam là 10,1% trong giai đoạn 2016 – 2021, mức cao nhất Đông Nam Á. Theo báo cáo của Statista, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam hiện chiếm 13% dân số, dự kiến đến năm 2026 sẽ chiếm 26%. Đến năm 2030, dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam có khả năng sẽ đạt mức 50 triệu người.

Sự chuyển dịch cơ cấu dân số này sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao, từ đó tạo tiền đề vững chắc cho các khoản đầu tư vào lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, kể từ sau đại dịch Covid-19, người dân ngày càng quan tâm đến vấn đề sức khoẻ. Sự bùng nổ dịch Covid-19 cùng những tác động của bệnh viêm phổi loại mới này lên sức khỏe con người khiến thói quen chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe của người dân có điều chỉnh tăng so với trước dịch.

Theo khảo sát người tiêu dùng Việt Nam mang tên “Kiên cường trước khó khăn” của Deloitte Vietnam vào tháng 2/2021, có tới 93% các hộ gia đình sẽ duy trì hoặc tăng chi tiêu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Cuối cùng, mặc dù nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam rất lớn nhưng hệ thống dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người dân. Trước đây dịch vụ này chủ yếu do các cơ sở y tế công lập cung cấp, dẫn đến tình trạng quá tải tại các thành phố lớn, tạo áp lực không nhỏ đối với đội ngũ nhân viên y tế.

Các cơ sở tư nhân đã và đang nổi lên như phương án bổ sung và hỗ trợ cho hệ thống y tế công, mang tới nhiều lựa chọn hơn cho người dân nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ được kỳ vọng tiếp tục là “điểm nóng” M&A tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới. 

Các thương vụ được thực hiện trong năm 2023 là ví dụ tiêu biểu thể hiện cơ hội thoái vốn thành công cho các nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư tài chính, từ đó càng củng cố sự tự tin của các nhà đầu tư, tạo lực hấp dẫn để thu hút thêm nhiều khoản đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực này.

Kirin Capital dự đoán rằng trong thời gian sắp tới, bối cảnh đầu tư trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều cơ hội đầu tư và đa dạng hóa trong các thương vụ.

"Sự đa dạng về cấu trúc giao dịch và số lượng cơ hội đầu tư đáng kể sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của các hoạt động M&A trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam", KirinCapital cho biết.