Yếu tố cản bước phát triển khu công nghiệp bền vững

Phương Anh - 14:19, 29/03/2024

TheLEADERThiếu nguồn tài chính, quy định chưa rõ ràng đang là hai vấn đề nổi bật khiến quá trình phát triển các khu công nghiệp bền vững còn chậm.

Bà Trần Thị Tố Loan, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Đình Vũ, mới đây cho biết, việc phát triển khu công nghiệp bền vững gặp nhiều khó khăn, trước hết đến từ vấn đề nguồn vốn, tài chính.

Các khu công nghiệp phần lớn được phát triển theo giai đoạn cuốn chiếu. Do đó, đầu tư hệ thống các phân khu chức năng, hệ thống xử lý nước thải và hệ thống hoàn thiện điện nước cần nguồn vốn lớn và phải đầu tư ngay từ đầu.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng vướng phải nhiều vấn đề liên quan đến các quy định pháp lý. Nguyên nhân là bởi hiện nay, nhiều quy định chưa rõ ràng, gây cản trở cho khu công nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình.

Những đánh giá trên được bà Loan đưa ra tại diễn đàn về thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp mới đây.

Cụ thể, bà cho biết, liên quan đến quy định khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, có một chỉ tiêu cụ thể là phải có 20% doanh nghiệp trong khu phải thực hiện các sản xuất sạch hơn.

Tuy nhiên, quy định này không cụ thể thế nào là "sạch hơn", hay như thế nào là "sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn".

Trong khi đó, để sử dụng tài nguyên sạch hơn, hiệu quả hơn, bản thân khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu cũng phải đầu tư một nguồn tài chính rất lớn để thay đổi toàn bộ công nghệ, dây chuyền.

“Không có quy định cụ thể thì rất khó để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi”, bà Loan nhấn mạnh.

Những yếu tố cản bước phát triển bền vững khu công nghiệp
Thiếu quy định cụ thể khiến doanh nghiệp trong khu công nghiệp loay hoay trong chuyển đổi hướng tới bền vững hơn. Ảnh: HA

Bên cạnh đó, tái sử dụng tài nguyên là một trong những cách giúp sử dụng tài nguyên hiệu quả.

Tuy nhiên, qua quá trình thu hút đầu tư, các khu công nghiệp gặp khó khăn khi thu hút các dự án tái chế khi chưa biết có được phép thu hút các ngành nghề đó hay không.

Trong trường hợp được phép, các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi toàn bộ hệ thống như báo cáo tác động tài nguyên, môi trường, giấy phép hệ thống quan trắc để phù hợp với việc thu hút những ngành nghề đó.

Đồng quan điểm với bà Loan, PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội, đánh giá, thể chế, chính sách về khu công nghiệp, khu kinh tế chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và chưa có sự đột phá.

Cụ thể, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế chưa có sự thay đổi căn bản, mới dừng lại ở loại hình văn bản dưới luật (ở cấp nghị định do Chính phủ ban hành).

Trong khi đó, hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như quy hoạch, đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, lao động ...

Pháp luật về đầu tư và pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng như môi trường, đất đai, kinh doanh bất động sản, dân sự còn một số quy định có nội dung chưa chi tiết.

Không chỉ vậy, theo ông Tuyến, chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu.

Cùng với đó, sự liên kết, hợp tác trong khu công nghiệp, khu kinh tế; giữa các khu với nhau và giữa khu công nghiệp, khu kinh tế với khu vực bên ngoài còn hạn chế.

Các địa phương và nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp vẫn tập trung phát triển theo chiều rộng, thu hút mạnh nhà đầu tư thứ cấp.

Các khu công nghiệp chưa thực sự được chú trọng phát triển theo chiều sâu, hướng tới cơ cấu ngành, nghề có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường.

Tháo gỡ những nút thắt

Liên quan đến những khó khăn về pháp lý, ông Tuyến cho rằng, trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm tạo khung pháp lý hoàn chỉnh, đầy đủ cho hoạt động đầu tư.

Chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu.
PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội

Bên cạnh đó, với những đặc điểm khác biệt, phân khúc bất động sản công nghiệp cần phải có những quy định mang tính chuyên biệt bên cạnh những quy định chung về kinh doanh bất động sản.

Vì vậy, ông khuyến nghị cần nghiên cứu, soạn thảo và ban hành các quy định về phân khúc bất động sản công nghiệp, góp phần đưa hoạt động của phân khúc này đi vào nề nếp và thúc đẩy sự vận hành thông suốt, lành mạnh.

Ngoài ra, cần xây dựng luật điều chỉnh hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế và mô hình khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế.

Không chỉ vậy, cần xây dựng các chính sách vượt trội về cơ sở hạ tầng, tiếp cận đất đai; thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng cũng như các thiết chế giải quyết tranh chấp và thực thi.

Bà Virginia Foote, thành viên Ban điều hành AmCham Hà Nội, CEO Bay Global Strategies, đề xuất, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trước hết cần tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo, không chỉ là điện mặt trời mái nhà mà còn đến từ nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo công suất lớn. 

Song song với đó là việc gia tăng khả năng tiếp cận nước sạch và công nghệ xử lý nước sạch hiệu quả.

Ở phía các cơ quan quản lý, cần có cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp thực thi nghiêm túc, đồng bộ các quy định được đặt ra trong khu công nghiệp để đạt hiệu quả cao. Cần tránh tình trạng trong cùng một cơ sở có doanh nghiệp làm nhưng doanh nghiệp thì không.

Các địa phương cũng cần cung cấp cơ sở hạ tầng mềm, có chính sách thu hút nhân lực có tay nghề, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện và hoàn thiện thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hải quan, thuế.

Để có thể thu hút vốn đầu tư chất lượng cao, các khu công nghiệp cần cung cấp chương trình phát triển bền vững theo xu hướng của thế giới mà các nhà đầu tư trên toàn cầu đang tìm kiếm, bà khuyến nghị.