2 bóng hồng Việt Nam lọt Top 500 nhân vật quyền lực nhất ngành thời trang thế giới

Việt Hưng - 12:48, 30/11/2018

TheLEADERDanh sách 500 người quyền lực nhất của làng thời trang thế giới năm 2018 có bà Hoài Anh - nhà sáng lập và Chủ tịch của GlobalLink Co. Ltd và vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn, bà Lê Hồng Thủy Tiên.

Tạp chí danh tiếng Business of Fashion mới đây công bố BoF500 - danh sách 500 người quyền lực nhất của làng thời trang thế giới năm 2018.

Đáng chú ý, danh sách này góp mặt 3 nhân vật quyền lực tới từ Việt Nam là vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn, bà Lê Hồng Thủy Tiên - Tập đoàn Liên Thái Bình Dương và bà Trần Thị Hoài Anh, nhà sáng lập và Chủ tịch của GlobalLink Co. Ltd.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, bà Lê Hồng Thủy Tiên - Chủ tịch và Tổng Giám Đốc IPPG, đơn vị phân phối các thương hiệu như Chanel, Burberry, Ralph Lauren, Rolex, Cartier và tất cả các thương hiệu LVMH hoạt động tại TP.HCM và Hà Nội, đã 4 lần liên tiếp lọt danh sách này.

Business of Fashion nhận định, IPPG đã thành công trong việc phát triển mạng lưới phân phối của mình để tận dụng sự thịnh vượng và sức mua của người tiêu dùng, tạo ra tốc độ tăng trưởng trung bình 15-20%.

"Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, bà Lê Hồng Thủy Tiên đều là những người đứng đầu các bộ phận riêng biệt của họ trong một công ty kinh doanh hàng xa xỉ, thông qua việc mở rộng sang bất động sản và phát triển thương mại, trung tâm mua sắm và hoạt động miễn thuế trên toàn quốc", tạp chí này đăng tải.

2 bóng hồng Việt Nam lọt Top 500 nhân vật quyền lực nhất ngành thời trang thế giới
3 doanh nhân tới từ Việt Nam lọt Top 500 nhân vật quyền lực nhất ngành thời trang thế giới

Trong khi với bà Trần Thị Hoài Anh, đây là lần thứ 5 liên tiếp - nữ doanh nhân này lọt top 500 người quyền lực nhất của làng thời trang thế giới.

Bà Trần Thị Hoài Anh là người sáng lập và Chủ tịch của GlobalLink Co. Ltd, nhà phân phối độc quyền các nhãn hiệu thời trang đẳng cấp như Alexander McQueen, Balenciaga, Celiné, Givenchy, The Row, Saint Laurent và Loewe. 

Trước khi thành lập doanh nghiệp phân phối bán lẻ xa xỉ của mình, bà Hoài Anh đã làm việc trong lĩnh vực tiếp thị và phát triển kinh doanh cho các công ty như Vietnam Airlines và Swiss Airlines. Cơ hội đầu tiên của bà trong ngành bán lẻ hàng xa xỉ bắt đầu với việc mở cửa hàng đầu tiên, một cửa hàng độc quyền Sergio Rossi vào năm 2006, tại khách sạn Metropole ở trung tâm thành phố Hà Nội.

Nhờ đó, bà Hoài Anh đã nhanh chóng mở rộng mối quan hệ của mình với các thương hiệu cao cấp khác ở châu Âu. Bà trở thành nhà tiên phong tại Việt Nam với các cửa hàng đa thương hiệu của mình mang tên Runway. Bà từng nói với Business of Fashion: "Việt Nam đã thay đổi quá nhanh, thậm chí bạn không thể nhận ra sự thay đổi đó. Điều này đồng nghĩa, thị trường thời trang Việt Nam rất có tiềm năng, nhưng để chiếm lĩnh thì không dễ dàng".

BoF 500 là danh sách tập hợp lại 500 người có có ảnh hưởng đến nền công nghiệp thời trang đến từ khắp nơi trên thế giới. BoF 500 được cập nhật mỗi năm do tạp chí danh tiếng The Business of Fashion thực hiện.

Danh sách này được cập nhật thường xuyên bằng phương thức biểu quyết và chọn lọc từ chính những thành viên đang có ở trong danh sách, họ là những người vô cùng quyền lực hoặc mang tầm ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp thời trang quốc tế.

Các nhân vật trong danh sách này được phân chia thành 8 nhánh gồm: Nhà thiết kế, Những người tạo chất xúc tác, Chuyên viên thời trang, Người mẫu, Người tạo dựng xu hướng, Chuyên gia sáng tạo, Nhà bán lẻ và Những người làm truyền thông.