85 triệu việc làm sẽ bị robot thay thế trong 5 năm tới

Việt Hưng - 18:31, 23/10/2020

TheLEADERTrong khi đó, lĩnh vực chăm sóc y tế và các ngành công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) hay các ngành sáng tạo nội dung sẽ được "bổ sung" hơn 97 triệu lao động.

Một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy robot sẽ thay thế 85 triệu việc làm ở các doanh nghiệp có quy mô hoạt động vừa và lớn trong vòng 5 năm tới, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm thay đổi địa điểm làm việc.

Khảo sát với 300 công ty trên toàn cầu cho thấy, 4/5 giám đốc điều hành doanh nghiệp đang đẩy nhanh kế hoạch số hóa công việc và triển khai công nghệ mới, làm phá vỡ những thành quả đã đạt được kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008.

Giám đốc Điều hành của WEF Saadia Zahidi cho biết, Covid-19 đã thúc đẩy sự xuất hiện của nhiều loại công việc, cũng như việc làm trong tương lai.

Để người lao động tiếp tục giữ vai trò của họ trong năm năm tới, gần một nửa lực lượng lao động sẽ cần học các kỹ năng mới và đến năm 2025, người sử dụng lao động sẽ phải phân chia công việc giữa con người và máy móc một cách bình đẳng.

Nhìn chung, việc tạo ra việc làm đang chậm lại và việc phá hủy việc làm đang gia tăng nhanh hơn do các công ty trên thế giới sử dụng công nghệ hiện đại thay cho con người trong các nhiệm vụ, như nhập dữ liệu, kế toán và quản trị.

Tuy nhiên, WEF lạc quan cho rằng lĩnh vực chăm sóc y tế trên thế giới và các ngành công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) hay các ngành sáng tạo nội dung sẽ được “bổ sung” hơn 97 triệu lao động.

85 triệu việc làm sẽ bị robot thay thế trong 5 năm tới
85 triệu việc làm sẽ bị robot thay thế trong 5 năm tới

WEF cho biết, các nhiệm vụ mà con người được giao để duy trì lợi thế của mình so máy móc bao gồm quản lý, tư vấn, ra quyết định, định hướng, giao tiếp và tương tác. Nhu cầu sẽ tăng lên đối với những người lao động có thể làm việc trong nền kinh tế xanh, dữ liệu tiên tiến và các chức năng AI cũng như các vai trò mới trong kỹ thuật, điện toán đám mây và phát triển sản phẩm.

Còn theo các chuyên gia về nguồn nhân lực của EuroCham, áp lực thất nghiệp hiện đang gia tăng với hơn 46 triệu công nhân hiện chưa được đào tạo chuyên sâu, họ đang phải đối mặt với một mối đe dọa trực tiếp bị thay thế bởi robot và công nghệ thông minh.

Ông Khuất Văn Trung, Phó chủ tịch Tiểu ban nguồn nhân lực và đào tạo của EuroCham nhận định, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào việc dự báo nhu cầu lao động dựa trên yêu cầu về chuyên môn và năng lực nhằm thay đổi tương lai.

Trên thực tế, học sinh trung học vẫn được khuyên nên chọn trường đại học và cao đẳng để dễ tiếp cận do điểm tuyển sinh thấp hơn thay vì được tư vấn chọn những trường hoặc cơ sở giáo dục, đào tạo sẽ định hướng họ đến một con đường sự nghiệp tươi sáng.

Các doanh nghiệp cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng lao động bằng việc thường xuyên tổ chức các hội thảo đào tạo nhân viên, tích cực khen ngợi để nhân viên thấy rõ tầm quan trong của sự đóng góp của mình, khuyến khích nhân viên trau dồi các kỹ năng mới để thích ứng với những thay đổi trong tương lai. 

Theo đó, cùng với việc dự báo nhu cầu lao động, Chính phủ và doanh nghiệp cần tiến hành thường xuyên các chiến dịch nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một thuật ngữ thường không được biết đến trong lực lượng lao động phổ thông, nỗ lực thay đổi thái độ của người lao động để họ chủ động và hợp tác với người sử dụng lao động trong việc học hỏi, nâng cao tay nghề và kỹ năng.