Adidas thua kiện trước thương hiệu thời trang Thom Browne

Hường Hoàng - 08:31, 22/01/2023

TheLEADERMới đây, Adidas đã thua trong một vụ kiện với hãng thời trang Thom Browne. Thương hiệu đồ thể thao khổng lồ cáo buộc rằng thiết kế bốn vạch của thương hiệu thời trang xa xỉ Thom Browne quá giống với thiết kế ba vạch đen đặc trưng của Adidas.

Adidas thua kiện trước thương hiệu thời trang Thom Browne
Adidas vừa thua kiện trước thương hiệu thời trang xa xỉ Thom Browne (Ảnh: NSS Magazine)

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ

Sau khi sử dụng logo “ba hình tứ giác” trên giày dép lần đầu tiên vào năm 1952, Adidas đã liên tục thực thi quyền nhãn hiệu của mình một cách mạnh mẽ. Hiện tại, hãng đã sở hữu 24 đăng ký nhãn hiệu liên bang đối với các biến thể khác nhau của logo này.

Trong khi đó, thương hiệu Thom Browne bắt đầu bán những chiếc áo jacket với thiết kế ba vạch thẳng chạy song song với nhau từ khoảng năm 2005. Hai năm sau, Adidas đã liên hệ với Thom Browne về thiết kế này và hãng đã đồng ý ngừng sử dụng nó.

Tuy nhiên, năm 2008, 2009, Browne đã thêm một vạch thứ tư thay vì sử dụng 3 vạch trên quần áo. Mãi sau này, Adidas mới biết về nguy cơ bị vi phạm nhãn hiệu khi Thom Browne nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đối với thiết kế 4 vạch ruy băng vào năm 2018.

Adidas cho rằng việc sử dụng thiết kế các đường vạch song song của Thom Browne trên các loại quần áo thể thao "có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và đánh lừa công chúng."

Adidas cũng đưa ra bằng chứng cho thấy gần 30% số người được khảo sát tin rằng các sản phẩm gây tranh cãi của Thom Browne có liên quan đến Adidas. Luật sư Charlie Henn của Adidas cho biết: “Một cuộc khảo sát thực nghiệm đã chỉ ra rằng rất nhiều người nghĩ những sản phẩm của Thom Browne là của Adidas”.

Về phía ngược lại, Thom Browne cho rằng mình là bên yếu thế trong vụ kiện khi phải đối đầu với một tập đoàn lớn. Thom Browne cũng cho rằng hai thương hiệu đang phục vụ những phân khúc khác nhau, vì vậy khách hàng sẽ rất khó bị nhầm lẫn.

Cụ thể, Thom Browne hướng đến những thiết kế dành riêng cho khách hàng cao cấp và không tập trung vào việc thiết kế và bán trang phục thể thao. Ví dụ, hãng có những chiếc quần bó dành cho nữ có giá lên đến 680 bảng Anh và một chiếc áo sơ mi polo có giá 270 bảng Anh – cao gấp nhiều lần so với quần áo của Adidas.

Thêm vào đó, luật sư của Thom Browne cũng nhận định rằng khách hàng hoàn toàn có thể phân biệt được hai hãng bởi số lượng và màu sắc của các vạch ngang. Logo của Adidas thường là ba vạch song song, trong khi đó, logo của Thom Browne có 4 vạch song song.

Cuối cùng, luật sư của Thom Browne lập luận rằng thiết kế dạng sọc rất phổ biến trong ngành thời trang và rõ ràng Adidas không phải là bên duy nhất độc quyền sử dụng họa tiết đó. “Đây không phải là một sự nhầm lẫn, cũng không phải là vấn đề cạnh tranh. Vấn đề là liệu Adidas có thể sở hữu tất cả những thiết kế dạng sọc hay không?”, luật sư Robert Maldonado nhấn mạnh.

Luật sư Maldonado cho biết ông Thom Browne, Giám đốc của hãng, cảm thấy bị xúc phạm với quan điểm cho rằng hãng thời trang của ông muốn kinh doanh dựa trên nhãn hiệu của Adidas. “Quan điểm cho rằng Thom Browne muốn trở thành một công ty sản xuất trang phục thể thao là không đúng sự thật”, luật sư Maldonado khẳng định.

Nhãn hiệu độc quyền hay họa tiết phổ biến ngành thời trang?

Adidas dự định sẽ yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 7,8 triệu đô la, tuy nhiên bồi thẩm đoàn ở New York đã đứng về phía Thom Browne.

Luật sư Maldonado cho rằng phán quyết của vụ án là một chiến thắng quan trọng đối với các nhà thiết kế thời trang. Trong khi đó, theo Forbes, người phát ngôn của Adidas cho biết, họ “thất vọng với phán quyết” và sẽ tiếp tục “thận trọng thực thi” những tài sản trí tuệ của mình. Có khả năng, Adidas sẽ tiếp tục nộp đơn kháng cáo trong thời gian tới.

Trước đó, vào thàng 10 vừa rồi, thẩm phán Jed S. Rakoff cũng đã bác bỏ yêu cầu phản tố của Thom Browne lập luận rằng nhãn hiệu của Adidas nên bị hủy bỏ vì đây là một nhãn hiệu "có chức năng thẩm mỹ" và "làm suy yếu" khả năng thâm nhập thị trường của các đối thủ cạnh tranh khác.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2001, Thom Browne đã mở rộng nhanh chóng. Hiện, hãng đã có mặt tại 300 thành phố trên toàn thế giới. Thom Browne đã hợp tác với câu lạc bộ bóng đá châu Âu FC Barcelona bắt đầu từ mùa giải 2018 và sản xuất nhiều trang phục thể thao hơn trong những năm gần đây. Và đó chính là một trong những điểm khiến Adidas nghi ngại về khả năng vi phạm nhãn hiệu của hãng trong suốt thời gian vừa qua.