Bạc Liêu muốn trở thành trung tâm năng lượng sạch

Hứa Phương - 16:37, 27/11/2022

TheLEADERVới những lợi thế vốn có, Bạc Liêu đang đẩy mạnh đầu tư, xây dựng để trở thành trung tâm năng lượng sạch quốc gia.

Là tỉnh ven biển thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong vùng bán đảo Cà Mau, Bạc Liêu đang sở hữu ba lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo (gồm điện gió, điện mặt trời) và điện khí.

Thứ nhất, Bạc Liêu có bờ biển dài hơn 56km, vùng ven biển có gió mạnh, ổn định, tốc độ gió bình quân gần 7m/s. Thứ hai, thời tiết quanh năm có nắng với số giờ nắng bình quân đạt trên 2.518giờ/năm. Thứ ba, địa hình tương đối bằng phẳng, rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, động đất, sóng thần.

Bạc Liêu muốn trở thành trung tâm năng lượng sạch
Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã có 8 dự án điện gió đi vào hoạt động

Theo quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2030 tại Quyết định số 1403/QĐ-BCT ngày 11/4/2016, tổng công suất tiềm năng về điện gió của Bạc Liêu lên đến 3.500MW.

Hiện nay, Bạc Liêu đang từng bước xây dựng để trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. 

Trên địa bàn có 8 dự án điện gió đã đi vào hoạt động chính thức gồm: Nhà máy điện gió Bạc Liêu (99,2 MW); nhà máy điện gió Hòa Bình 1- Giai đoạn 1 (50MW); nhà máy điện gió Đông Hải 1 - Giai đoạn 1 (50MW); nhà máy điện gió Hòa Bình 1- Giai đoạn 2 (50MW)

Nhà máy điện gió Hòa Bình 2 (50MW); nhà máy điện gió Đông Hải 1 - Giai đoạn 2 (50MW); nhà máy điện gió KOSY - Giai đoạn 1 (40MW); nhà máy điện gió Hòa Bình 5 - Giai đoạn 1 (80MW).

Các dự án này có tổng công suất 469MW (đứng thứ 3 trên cả nước) gồm 176 trụ turbine, với tổng mức đầu tư hơn 23.841 tỷ đồng. Đã phát điện lên lưới quốc gia với tổng sản lượng điện gió đạt trên 2 tỷ kWh, giúp giảm phát thải khoảng gần 1,7 triệu tấn CO2, làm tăng nguồn điện sạch, an toàn, thân thiện môi trường, thực hiện chủ trương tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững của Chính phủ, các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm thiểu khí CO2 ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Tám dự án điện gió đã đi vào hoạt động chính thức cũng giúp tăng nguồn thu cho ngân sách của Bạc Liêu hàng năm khoảng 450 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bạc Liêu cũng đang đẩy nhanh tiến độ một số dự án gồm điện gió Bạc Liêu - Giai đoạn III (141MW), điện gió Đông Hải 2 (50MW) và dự án điện khí LNG Bạc Liêu với tổng công suất gần 3.200MW, cùng với 17 dự án điện gió khác với tổng công suất gần 3.000MW đang trình bổ sung quy hoạch.

Bạc Liêu đã đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, chọn năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển hàng đầu.

Đặc biệt, Bạc Liêu đã thu hút được dự án điện khí LNG Bạc Liêu với quy mô công suất 3.200MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch điện VII của quốc gia. Hiện nhà đầu tư đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án.

Đây được xem là dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài lớn với công nghệ hiện đại, là kỳ vọng giúp Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước.

Bên cạnh đó, Bạc Liêu cũng đã tổng hợp trình Bộ Công thương đưa vào Quy hoạch điện VIII các dự án nguồn điện với tổng công suất là 9.340MW (trong đó: điện gió là 7.810MW; điện mặt trời là 1.500MW; điện sinh khối là 30MW) và lưới điện truyền tải 500kV, 220kV để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo khi được phê duyệt.