Bảo hiểm nhân thọ tụt dốc sau khủng hoảng

Dũng Phạm - 06:42, 23/08/2023

TheLEADERNguyên nhân của sự sụt giảm được cho là do ảnh hưởng phần nào từ cuộc khủng hoảng niềm tin sau nhiều sự cố trên diễn ra thị trường trong thời gian qua cùng sự vào cuộc cùng những yêu cầu thanh tra các đơn vị bảo hiểm trong ngành của các cơ quan quản lý.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 112.740 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, ở lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, số lượng hợp đồng khai thác mới 6 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 1 triệu hợp đồng, giảm tới 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong đó, hai sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm 61,2% có mức giảm mạnh 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái và sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 30,7% ghi nhận giảm 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là lần đầu tiên số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của toàn thị trường sụt giảm kể từ năm 2014. Theo đó, nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng phần nào từ cuộc khủng hoảng niềm tin sau nhiều sự cố trên diễn ra thị trường trong thời gian qua. 

Thêm nữa, quá trình thanh tra các đơn vị bảo hiểm trong ngành của các cơ quan quản lý cũng gây trở ngại cho sự tăng trưởng quy mô của thị trường này.

Ngoài ra, tính đến hết tháng 6/2023, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 34.910 tỷ đồng, tăng 1,3%, bồi thường bảo hiểm gốc ước đạt gần 11.250 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 32,2%

Trong đó, bảo hiểm sức khỏe có doanh thu đạt 10.946 tỷ đồng chiếm tỷ trọng cao nhất 31,4%, giảm 1,7% so với cùng kỳ, bồi thường 3.790 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 34,6%.

Bảo hiểm tài sản thiệt hại doanh thu đạt 10.120 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 29%, tăng 10,9% so với cùng kỳ, bồi thường 1.510 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 14,9%. Bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện ghi nhận doanh thu lần lượt đạt 8.820 tỷ đồng và 6.622 tỷ đồng, qua đó cùng giảm 5,8% và 5,5 so với cùng kỳ,

Các nghiệp vụ bảo hiểm phi vật chất khác có duy trì mức doanh thu dưới 2.500 tỷ đồng và ghi nhận nhưng mức biến động trái chiều trong biên độ khoảng 10%-20%.

Về thị trường chung, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm ước đạt là 77.830 tỷ đồng, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường ước đạt 15.500 tỷ đồng, giảm 38,2 % so với cùng kỳ năm trước.

Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Prudential với 2.740 tỷ đồng và Dai-ichi Life với 2.050 tỷ đồng. Sau nhiều năm dẫn đầu, Manulife tụt lại vị trí ba với 1.980 tỷ đồng doanh thu phí sau sự cố tại SCB từ cuối tháng 10 năm ngoái khiến hàng loạt khách hàng mua bảo hiểm của Manulife đòi doanh nghiệp hoàn lại tiền. Bảo Việt Nhân thọ với 1.910 tỷ đồng và Sun Life với 1.180 tỷ đồng lần lượt đứng thứ 4 và 5 trong danh sách

Tính theo doanh thu phí bảo hiểm và thị phần, Bảo Việt Nhân Thọ đang dẫn đầu với 20,6% thị phần, tiếp theo là Manulife (17,2%), Prudential (16,5%), Dai-ichi Life (12,5%), AIA (10%), FWD (3,4%), Sun Life (3%), MB Ageas (3%), Generali (2,7%), Chubb Life (2,7%), Hanwha Life (2,5%), Cathay Life (1,8%), MVI (1,46%), BIDV Metlife (1%).