Bất chấp Covid-19, kiều hối về Việt Nam tăng 10%

Hoài An - 16:48, 30/12/2021

TheLEADERMặc dù Covid-19 gây khó khăn cho các nền kinh tế trên thế giới, lượng kiều hối Việt Nam nhận được vẫn ghi nhận tăng trưởng tích cực, đạt hơn 12 tỷ USD.

Tại họp báo thường kỳ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú thông tin cho biết năm 2021, lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2020. Trong đó, dòng tiền được kiều bào gửi về thông qua các tổ chức tín dụng, các công ty kiều hối, bưu điện.

Ông Tú cho biết thêm năm 2019, kiều hối về Việt Nam bị ảnh hưởng, nhưng đã ghi nhận tăng trưởng từ năm ngoái tới năm nay. Đây là nguồn cung quan trọng giúp ổn định thị trường ngoại hối và dự trữ ngoại hối, cũng là nguồn vốn rất quan trọng trong điều kiện khó khăn cần vốn đầu tư.

Con số 12,5 tỷ USD được công bố mới nhất thấp hơn đáng kể mức 18 tỷ USD ước tính bởi Ngân hàng Thế giới và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư.

Theo hai tổ chức này dự báo, Việt Nam đứng thứ tám thế giới, và thứ ba trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương về lượng kiều hối năm 2021, với tổng giá trị 18,1 tỷ USD. Năm ngoái, Việt Nam xếp thứ 11 thế giới với 17,2 tỷ USD.

Không chỉ tại Việt Nam, lượng kiều hối gửi về các nước thu nhập thấp và trung bình cũng gia tăng, với tốc độ hơn 7%, đạt quy mô gần 590 tỷ USD trong năm nay. Theo chuyên gia của Ngân hàng Thế giới về an sinh xã hội và việc làm, nguyên nhân gia tăng giữa bối cảnh khó khăn chung vì Covid-19 là bởi những người dân ở nước ngoài mong muốn, quyết tâm giúp đỡ gia đình. Cùng với đó, khu vực châu Âu, Mỹ đã dần phục hồi nhờ các gói kích thích tài khóa, chương trình hỗ trợ việc làm.

Tại họp báo, ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, thông tin thêm năm nay, người dân giảm rút tiền mặt, một phần là bởi dịch bệnh ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của người dân.

Cùng với đó, thói quen dịch chuyển mạnh mẽ từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử, từ hệ thống ATM sang các hệ thống thanh toán khác như thanh toán 24/7, điểm thanh toán chấp nhận thẻ, thanh toán bằng di động.

Ông cũng cho biết hiện CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) có thể thực hiện khối lượng giao dịch rất lớn, mỗi ngày có thể lên tới 7 triệu giao dịch chuyển mạch bảo đảm an toàn, thông suốt; các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng tương đối tốt.

Trong giai đoạn tháng 1 – 10/2021, giao dịch qua POS tăng tương ứng 14,3% và 12,6% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ; qua kênh Internet tăng hơn 49% và 29%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 72,7% và 85%.

Đáng chú ý, thanh toán qua kênh QR code tăng tới hơn 120% về giá trị giao dịch, 54% về số giao dịch, với hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR code.