Bia Hà Nội lần đầu báo lỗ sau hơn 10 năm

Trần Anh - 08:22, 03/05/2020

TheLEADERLượng tiêu thụ bia sụt giảm mạnh trong đại dịch khiến Habeco báo cáo lỗ nặng trong quý đầu năm.

Tổng công ty bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 ghi nhận lỗ tới 98,33 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty lãi 64 tỷ đồng.

Dù không phải là doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam, song đây cũng là quý đầu tiên Habeco báo lỗ trong vòng hơn 10 năm qua. Habeco lỗ do chịu ảnh hưởng kép từ Nghị định 100 và đại dịch Covid-19.

Lượng tiêu thụ bia sụt giảm mạnh khiến doanh thu thuần của Habeco trong quý 1 chỉ đạt 774 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, các chi phí trong kỳ của Habeco không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước đã khiến công ty lỗ nặng.

Tính đến cuối quý 1, tổng tài sản hợp nhất của Habeco giảm 12% về gần 6.830 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm gần 70% về 427 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng gần 18% lên hơn 750 tỷ đồng.

Cùng với ngành hàng khôngdu lịch, ngành bia, rượu, nước giải khát nằm trong nhóm ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch Covid-19.

Trước Habeco, Công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 với doanh thu thuần đạt 4.909 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm 43% xuống còn 700 tỷ đồng.

Những tác động của dịch bệnh có thể ảnh hưởng tới ngành bia trong dài hạn. Theo tổ chức nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, trong dịch Covid-19, người tiêu dùng đã thay đổi hành vi mua sắm theo hướng giảm mua sản phẩm thời trang, mặt hàng mang tính giải trí, các loại đồ uống (có cồn lẫn không cồn)..., thay vào đó tăng mua sản phẩm chăm sóc cá nhân, nhu yếu phẩm, đồ gia dụng, hàng công nghệ.

Ghi nhận từ các sàn thương mại điện tử cho thấy, nhu cầu mua sắm đồ hộp, thực phẩm đóng gói, khẩu trang, chai xịt khử khuẩn… tăng từ 60 - 160%. Cụ thể, tại sàn Lazada Việt Nam, lượng tiêu thụ ngành hàng chai xịt phòng, chai khử khuẩn tăng 160%, ngành hàng tã giấy và giấy tăng hơn 60%, đồ hộp và thực phẩm đóng gói tăng hơn 50%