Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Tôi tin chắc chắn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ đảm bảo tiến độ'

Minh Anh - 16:00, 01/11/2018

TheLEADERBộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ cán đích đúng hạn trước năm 2020 nếu được tháo gỡ khó khăn về lãi suất.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Tôi tin chắc chắn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ đảm bảo tiến độ'
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) trong phiên họp Quốc hội sáng 1/11 về tiến độ thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm quốc gia, đã được thảo luận nhiều lần tại Quốc hội. 

Ông Thể cho biết, dự án vẫn đang được triển khai, tổng mức đầu tư được duyệt của dự án là 9.600 tỷ đồng, trong đó 4 nhà đầu tư có vốn khoảng 1.500 tỷ đồng, khi triển khai dự án, nhà đầu tư có thỏa thuận với VietinBank cung cấp tín dụng 6.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai dự án, ngân hàng khó khăn về cung cấp tín dụng, vì vậy, VietinBank đã cùng với nhà đầu tư vận động thêm một số ngân hàng. Đến tháng 6/2018, liên doanh 4 ngân hàng trong đó VietinBank là chủ yếu đã có thỏa thuận cung cấp tín dụng 6.800 tỷ đồng cho dự án đầu tư. 

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, theo quy định Thông tư 75 của Bộ Tài chính, ngân hàng, các khoản vay được tính lãi suất 7,5%/năm nhưng hiện nay mức các ngân hàng cho vay các công trình tương tự là 10,5%, đây là sự chênh lệnh lớn. Nhà đầu tư không thể lỗ 3%, các ngân hàng cũng không cáng đáng nổi.

Việc này Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng đã có chỉ đạo họp để giải quyết chênh lệch tín dụng, lãi suất cho dự án. 

"Tôi tin chắc chắn dự án sẽ đảm bảo tiến độ. Hiện nay, mặc dù vốn nhà đầu tư 1.500 tỷ nhưng nhà đầu tư đã giải ngân 2.300 tỷ đồng, gồm 1.450 tỷ đồng là giải phóng mặt bằng, công tác xây lắp giải ngân 850 tỷ đồng. Nhà đầu tư quyết tâm rất cao, về mặt bằng đã được bàn giao 49/51 km. Nếu giải quyết được vấn đề về vốn tín dụng chắc chắn dự án hoàn thành trong nhiệm kỳ này", ông Thể khẳng định.

Với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé chưa hài lòng và tiếp tục đặt câu hỏi: "Nếu không kêu gọi được nhà đầu tư thì Nhà nước có làm đường cho dân hay không? Người dân đồng bằng sông Cửu Long chờ đợi đến bao giờ mới có được con đường này? Trách nhiệm của ngành giao thông trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư cho con đường này trong giai đoạn tới ra sao?".

Về tranh luận của đại biểu đoàn Kiên Giang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay: "Bộ trưởng chưa trả lời, nhưng rất khó trả lời".

Được biết, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một trong những dự án trọng điểm quốc gia nằm trong quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự kiến hoàn thành vào năm 2020 do Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận làm chủ đầu tư.

Mọi khúc mắc đều phát sinh từ phần vốn vay ngân hàng của nhà đầu tư dự án . Trong khi lãi vay được ghi trong hợp đồng BOT 9,17%/năm, Công ty Trung Lương - Mỹ Thuận phải vay vốn trung và dài hạn tại ngân hàng với lãi vay thực tế cao hơn lãi vay cam kết trong hợp đồng BOT. 

Theo tính toán, trong suốt vòng đời dự án, tức bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng dự án 1.086 tỷ đồng và lãi vay cộng dồn trong suốt thời gian vận hành, khai thác dự án lên tới 6.516 tỷ đồng, tăng 3.082 tỷ đồng so với lãi vay trong phương án tài chính. 

Sự vênh nhau giữa lãi vay thực tế tại các ngân hàng và lãi vay cam kết trong hợp đồng BOT đã làm phương án tài chính ban đầu của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bị phá sản, đẩy dự án rơi vào đình trệ trong thời gian qua. Công ty Trung Lương - Mỹ Thuận cũng thi công cầm chừng để xin điều chỉnh lãi vay cam kết trong hợp đồng. 

Trước đó, tại buổi kiểm tra tình hình dự án vào ngày 23/9 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đề nghị UBND các địa phương trong khu vực tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ về nguồn cung cấp vật liệu cát cho dự án này và các dự án trọng điểm ngành GTVT khác trên địa bàn vùng Tây Nam Bộ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND Tiền Giang phối hợp với doanh nghiệp dự án đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 10/2018, đáp ứng tiến độ thi công các hạng mục công trình.

Về vấn đề lãi suất, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải tìm cách tháo gỡ khó khăn về lãi suất cho phù hợp với thực tế, tính toán chính xác, đầy đủ, trình Chính phủ xử lý.

Đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang gồm Châu Thành, Tân Phước, Cai Lậy, Cái Bè và Thị xã Cai Lậy. Điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc TPHCM-Trung Lương). Điểm cuối tại nút giao với QL30.

Tuyến cao tốc được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian lưu thông từ TP.HCM đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của khu vực Tây Nam bộ, giảm tải cho QL1.