Bước đi lùi của Lazada

Việt Hưng - 19:46, 06/01/2024

TheLEADERDù đã được rót vốn lên tới 1,8 tỷ USD trong năm ngoái, nhưng Lazada vẫn khó lòng duy trì ngôi vị số một trên thị trường thương mại điện tử trong nước, lẫn khu vực Đông Nam Á.

Theo nguồn tin từ TechInAsia, nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Lazada dự kiến sẽ sa thải 30% lao động tại nhiều thị trường.

Các bộ phận chăm sóc khách hàng, marketing và thương mại là những bộ phận bị cắt giảm nhiều nhất. Tuy nhiên, Lazada không tiết lộ số lượng cụ thể nhân viên bị sa thải cũng như tình hình của Lazada Việt Nam.

Động thái này diễn ra ngay sau khi Lazada nhận thêm 634 triệu USD vốn rót từ công ty mẹ Alibaba, nâng tổng số tiền mà tập đoàn Trung Quốc rót cho nền tảng TMĐT này trong năm 2023 lên hơn 1,8 tỷ USD.

Lazada hiện hoạt động trên quy mô rộng khắp các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Lazada và Alibaba đã trải qua nhiều thay đổi về lãnh đạo trong năm 2023. Vào tháng 6/2022, James Dong - người đứng đầu bộ phận kinh doanh Alibaba tại Thái Lan và là cựu trợ lý kinh doanh của Daniel Zhang - cựu CEO của Alibaba, đã thay thế Li Chun làm CEO của Lazada.

Có thông tin không chính thức rằng Lazada đang có kế hoạch niêm yết tại Mỹ trong năm nay.

Bước đi lùi của Lazada
Lazada đang bị Shopee vượt mặt về hiệu quả kinh doanh tại Việt Nam

Tại Việt Nam, Lazada là công ty TMĐT có doanh thu lớn thứ hai tại thị trường, chỉ xếp sau Shopee trong năm 2022.

Cụ thể, theo dữ liệu từ Vietdata, Lazada đã đạt doanh thu hơn 6.600 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với năm 2020. Tuy nhiên, Lazada cũng phải gánh chịu một khoản lỗ lớn lên đến hơn 225 tỷ đồng trong năm 2022.

Mặc dù trong giai đoạn từ năm 2020 - 2021, Lazada đã ghi nhận một bước tiến đáng kể khi doanh thu của họ vượt qua đối thủ cạnh tranh là Shopee. Thế nhưng, vào năm 2022, tốc độ tăng trưởng của Lazada đã chậm lại, không còn sánh kịp với mức tăng trưởng nhanh chóng của Shopee. 

Còn tại quê nhà Trung Quốc, Alibaba đã mất vị trí công ty TMĐT có giá trị nhất Trung Quốc vào tay PDD mới 8 năm tuổi. Đây là một bước ngoặt đối với ngành công nghiệp internet khi mà Alibaba của Jack Ma vốn đã thống trị trong hơn một thập kỷ.

PDD Holdings là công ty nổi tiếng với ứng dụng mua sắm đình đám Temu và là người tiên phong trong lĩnh vực mua bán hàng giá rẻ trong nước với ứng dụng Pinduoduo.

Trong khi PDD thành công rực rỡ ở thị trường nước ngoài với Temu thì Alibaba lại đang khá chậm chân. Dù tập đoàn này bắt đầu mở rộng ra nước ngoài bằng AliExpress và sau đó là các công ty con quốc tế như Lazada và Trendyol.

Cho đến nay, mảng kinh doanh ở Trung Quốc vẫn là đơn vị đóng góp doanh thu lớn nhất cho Lazada bất chấp nhiều năm nỗ lực mở rộng ra quốc tế.