Cạnh tranh gia tăng sẽ làm giảm lợi nhuận các hãng hàng không

Trần Anh - 13:31, 17/01/2019

TheLEADERCác hãng hàng không nhận định, doanh thu hoạt động vận tải hàng không năm 2019 sẽ khó tăng trưởng cao và lợi nhuận sẽ đến nhờ giá dầu giảm và phí dịch vụ từ khách quốc tế.

Hôm qua, Bamboo Airways đã có chuyến bay thương mại đầu tiên chỉ vài tháng sau khi được cấp phép kinh doanh hàng không. Đây là hãng hàng không thứ 5 tại Việt Nam sau Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO.

Việc tập đoàn FLC, công ty mẹ của Bamboo Airways kiên trì theo đuổi lĩnh vực hàng không thời gian qua cho thấy tiềm năng của thị trường hàng khôn trong nước. Trong vòng 5 năm trở lại đây, các công ty trong ngành đã hưởng lợi lớn nhờ nhu cầu đi lại của người dân ngày càng cao, đi cùng đà thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước. 

Ngay cả khi giá dầu tăng mạnh, kéo theo giá nhiên liệu và giá vé máy bay tăng theo trong năm 2018, các hãng hàng không trong nước vẫn phát triển rất nhanh và tiếp tục ghi nhận lợi nhuận lớn.

Dẫn đầu thị trường, hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airilines) đã có một năm kinh doanh tích cực khi tổng doanh thu năm 2018 đạt khoảng 102.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế khoảng 2.800 tỷ đồng, giảm 11%.

Với 2 thương hiệu là Vietnam Airlines cung cấp dịch vụ truyền thống và Jetstar Pacific cung cấp dịch vụ giá rẻ, công ty đang 58% thị phần nội địa và 35% thị phần quốc tế. Năm ngoái có 22 triệu lượt hành khách và 350.000 tấn hàng hóa được thực hiện qua Vietnam Airlines. 

Trong năm 2018, giá nhiên liệu đã tăng 32% so với năm 2017 khiến lợi nhuận của Vietnam Airlines có phần giảm sút. Ngoài ra, kết quả kinh doanh của công ty được cho là bị ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh của Jetstar Pacific.

Trước khi Bamboo Airways gia nhập, thị trường hàng không trong nước là cuộc đối đầu của Vietnam Airlines và Vietjet Air, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Việt Nam.

Doanh thu từ vận chuyển hành khách tiếp tục tăng đều đặn qua các năm nhờ mở rộng đội bay và tăng số đường bay. Riêng quý 3, doanh thu từ mảng này của công ty đạt 6.702 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ. 

Theo báo cáo tài chính, doanh thu 9 tháng đầu năm 2018 của Vietjet Air tăng trưởng 50% và lợi nhuận sau thuế tăng 15,5%. Số lượng hành khách vận chuyển là 16,88 triệu lượt, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý cuối năm 2018, nhờ giá dầu đã hạ nhiệt trong khi nhu cầu du lịch khách quốc tế tới Việt Nam vẫn tăng cao, Vietjet Air được kỳ vọng sẽ có lãi. Các năm trước, công ty đều bị lỗ hoạt động dịch vụ hàng không trong quý này do phải giảm mạnh giá vé trong mùa thấp điểm của ngành du lịch.

Dù các hãng hàng không đều có kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2018, nhưng nhu cầu đi lại bằng máy bay trong nước đã có dấu hiệu chậm lại và có thể mang đến triển vọng kém tích cực cho các công ty trong ngành.

Chính các hãng hàng không cũng nhận định, sang năm 2019, doanh thu từ hoạt động vận tải sẽ khó có thể tăng trưởng, mà chủ yếu cải thiện lợi nhuận nhờ giá dầu giảm và phí dịch vụ từ khách Quốc tế tới Việt Nam.

Vietnam Airlines dự kiến tập trung hơn nữa vào thị trường quốc tế bằng việc nâng số lượng máy bay thân rộng. Bắc Á là hiện là thị trường quốc tế lớn nhất của Vietnam Airlines, chiếm khoảng 54% công suất phục vụ thị trường quốc tế của công ty, tiếp đến là Nam Á (34%) và châu Âu (7%). 

So với các hãng hàng không nội địa, Vietnam Airlines có lợi thế và các tuyến bay đường dài nhờ hãng hàng không này cung cấp đầy đủ các dịch vụ. Công ty dự kiến mở đường bay sang Mỹ trong năm 2019.

Bên cạnh đó, kể từ năm 2016, Vietnam Airlines đã có sự chuyển đổi mô hình từ mua đứt sang bán và thuê lại máy bay để giảm bớt áp lực tài chính. Hiện tại, khoảng 40% số tàu bay của Vietnam Airlines là thuê hoạt động. Dự kiến, trong 3 năm tới, Vietnam Airlines sẽ nhận thêm 21 máy bay mới.

Chiến lược của Vietnam Airlines tiếp tục đụng độ với Vietjet Air. Hãng này cũng đang hướng sang thị trường hàng không nước ngoài và đang liên tục bổ sung chặng bay quốc tế. Một công ty phân tích ước tính, trong năm 2018, Vietnam Airlines tiếp tục mất thêm 2% thị phần trong nước và 6% thị phần quốc tế vào tay Vietjet Air.

Cạnh tranh gia tăng khiến sẽ các hãng hàng không giảm lãi
Tiếp viên của Bamboo Airways trong ngày cất cánh chuyến bay đầu tiên. Ảnh: Forty Media

Việc Bamboo Airways chính thức cất cánh sẽ khiến cạnh tranh thị trường thêm gay gắt. Định vị bản thân theo mô hình hybrid, Bamboo Airways sẽ “lấn sân” với cả mô hình truyền thống của Vietnam Airlines lẫn mô hình giá rẻ của Vietjet Air. 

Hãng hàng không Tre Việt cũng có kế hoạch mở các đường bay ra Quốc tế tương tự như những gì Vietnam Airlines và Vietjet Air đang làm. Giới phân tích nhận định, giá vé máy bay có thể chịu áp lực giảm trước sự gia nhập của người chơi mới này. Trong ngắn hạn, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận của các hãng hàng không.