CEO của BOO: Giữ tinh thần doanh nghiệp luôn trẻ mãi

Hường Hoàng - 09:44, 13/10/2022

TheLEADERBắt đầu hoạt động từ năm 2003, có thể nói BOO là một trong những hãng thời trang dành cho giới trẻ có tầm ảnh hưởng nhất tại Việt Nam. Sắp bước sang tuổi 20, với sự phát triển nhanh và khó đoán định của thời cuộc, BOO đã làm gì để giữ được tinh thần luôn tươi mới khi phục vụ những khách hàng trẻ tuổi?

CEO của BOO: Giữ tinh thần doanh nghiệp luôn trẻ mãi

Tiếp phóng viên tại văn phòng co-working tại số 1 Lương Yên không phải là một CEO bệ vệ với sơ mi, cà vạt mà là một CEO Đỗ Việt Anh tóc nhuộm bạch kim, mặc áo phông in họa tiết và đi giày thể thao hầm hố.

Anh xuất hiện như một người bạn, một anh chàng đường phố và thoải mái chuyện trò: “Tôi vẫn trẻ mà. Tinh thần của tôi vẫn trẻ và đội ngũ lãnh đạo của BOO cũng luôn truyền tải xuống dưới team tinh thần trẻ của mình. Vì vậy, tôi luôn tự hào vì đã làm được một điều, đó là sau 20 năm, BOO vẫn có chỗ đứng trên thị trường, dù có lúc lên lúc xuống”.

Với niềm đam mê sâu sắc với bộ môn trượt ván (skateboard), anh Việt Anh và em trai sinh đôi Việt Hùng (đồng sáng lập BOO) đã quyết định mở cửa hàng kinh doanh quần áo vào năm 2003 với tên gọi BOO Skateshop, hướng đến những người yêu thích phong cách thời trang đường phố, đặc biệt là những người yêu thích trượt ván.

Từ cửa hàng đầu tiên với diện tích khiêm tốn chỉ 20 mét vuông ở gần Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, BOO đã phát triển thành một chuỗi hơn 30 cửa hàng trên khắp Việt Nam. Dù hoạt động kinh doanh đang phát triển mạnh mẽ nhưng anh Việt Anh và BOO luôn trung thành với những giá trị cốt lõi, nguyên bản của mình, đó là sự sáng tạo và một tinh thần tươi trẻ. Anh cho rằng đó là những điều khiến BOO vẫn đi lên bền bỉ cho đến ngày nay và những năm tháng sau này.

Hành trình cùng BOO đi qua những lúc thăng trầm mà vẫn giữ một tinh thần trẻ trung cùng với thời cuộc đã được anh Việt Anh chia sẻ cùng với TheLEADER qua câu chuyện dưới đây.

Trung thành với giá trị bản ngã

BOO là một hãng thời trang dành cho giới trẻ nhưng hãng cũng đã sắp… già, gần 20 tuổi rồi. Vậy làm sao để nguồn nhân sựvà tinh thần doanh nghiệp luôn luôn trẻ mãi để theo kịp được với thế thời?

Anh Việt Anh: Tôi nghĩ khi một tổ chức trở nên lớn mạnh, điều quan trọng nhất đó là giữ gìn văn hóa của doanh nghiệp. Khi đã có văn hóa riêng, có giá trị nền tảng vững chắc và truyền tải được rõ ràng những giá trị đó cho đội ngũ của mình thì doanh nghiệp đó sẽ giữ được mình, dù đó là doanh nghiệp 20 tuổi, 50 tuổi hay 100 tuổi.

Chẳng hạn như Vans, tôi không nhớ rằng Vans đã tồn tại bao nhiêu năm nhưng chắc chắn cũng lâu gấp đôi, gấp ba lần BOO. 30, 40 tuổi đấy nhưng họ vẫn rất phù hợp với giới trẻ. Vậy thì không phải là chủ doanh nghiệp già đi thì doanh nghiệp sẽ già đi, mà quan trọng là doanh nghiệp luôn có một tinh thần trẻ.

Ngày xưa BOO có một cái slogan nội bộ kiểu như thế này: “Tuổi tác không phải là giới hạn, quan trọng là tinh thần phải trẻ trung”. Tinh thần của tôi thì vẫn trẻ và đội ngũ lãnh đạo của BOO cũng luôn truyền tải xuống dưới team cái tinh thần trẻ của mình. Vì vậy, tôi luôn tự hào vì đã làm được một điều, đó là sau 20 năm, BOO vẫn có chỗ đứng trên thị trường, dù lúc lên lúc xuống. Giờ cũng hơi xuống tí mà rồi nó sẽ lên. Đó là cái giá trị cốt lõi mà BOO xây dựng.

CEO của BOO: Giữ tinh thần doanh nghiệp luôn trẻ mãi
Anh Đỗ Việt Anh trong trang phục "siêu xanh" tham dự lễ hội It's Boo Time 2021

BOO có 4 giá trị cốt lõi (core value). Thứ nhất là tinh thần trẻ. Thứ hai là Việt Nam DNA. BOO tự hào mình là một thương hiệu Việt Nam, luôn luôn muốn đưa giá trị bản sắc của Việt Nam ra ngoài thế giới. Thứ ba là sự sáng tạo, BOO luôn luôn thúc đẩy sự sáng tạo. Có lúc nhiều hơn, có lúc ít hơn, nhưng nó vẫn phải luôn luôn ở đó. Và thứ 4 là phát triển bền vững. Vì sao BOO làm về vấn đề môi trường? BOO luôn luôn làm bền bỉ về vấn đề môi trường vì nó đã nằm trong giá trị cốt lõi của thương hiệu rồi.

BOO vẫn luôn giữ 4 cái đấy, những giá trị đó đã xây dựng cho BOO những nền tảng và lợi thế cạnh tranh rất lớn. Dù các bạn mới có mạnh đến mấy thì rất là khó để mà xô đẩy cái nền tảng dựa trên 4 nền tảng đấy. Chỉ có khi BOO làm không tốt thì mới “tự mình cắt chân mình” mà thôi. Tôi luôn tin vào nền tảng của chúng tôi.

Nhưng cần “thay máu” để thích nghi

Anh nhận thấy những thuận lợi và khó khăn gì khi làm việc với các bạn trẻ gen Z (những bạn trẻ sinh ra trong khoảng từ 1996-2009) - một nguồn nhân sự đang rất khác?

Anh Việt Anh: Thực ra là để duy trì được cái sự trẻ trung ấy thì mình cần cái nguồn nhân sự trẻ, sự “thay máu”. Mặc dù đã có những giá trị cốt lõi tốt, mình vẫn cần phải thay máu. Có thể tôi và một vài người trong đội ngũ vẫn còn cái tinh thần trẻ, nhưng mà tinh thần trẻ đó của chúng tôi chắc chắn là sẽ khác các bạn gen Z bây giờ.

Chúng tôi là những người thuộc thế hệ millennials (những người sinh ra trong khoảng 1981-1995). Có thể nói hơi tự hào một chút, chúng tôi nằm trong nhóm những người tiên phong của thế hệ millennials, nhưng chúng tôi cũng chẳng là gì so với cả gen Z. Cần nhận thức được vấn đề đấy. BOO cần phải hiểu vị trí của mình nằm ở đâu. Chúng tôi đang phục vụ genZ nên chúng tôi không thể nào ốp cái tư duy của millennials để dành cho gen Z.

Đó là lí do vì sao chúng tôi lại chọn hướng đi cân bằng trong chiến lược nhân sự. Đối với tôi thì tất cả những gì mà đội ngũ thế hệ trước làm ra là di sản, là nền tảng. Và cái nền tảng đó cần được làm mới, và làm mới bằng chính một tỉ trọng những bạn gen Z mới vào đây.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, chúng tôi đã có những chiến lược mới về mặt nhân sự, là phải lấy gen Z vào. Trước đây thấy xung quanh toàn millennial, rồi toàn đặt cái tư duy của millennials để đánh giá sản phẩm của gen Z, bảo sao mình bị tụt lùi 3, 4 năm liền.

Cũng may là chúng tôi đã nhận ra điều đấy cách đây khoảng 2, 3 năm và mọi thứ đã trở nên tốt hơn, chứ không thì đã tụt sâu hơn nữa. Giờ thì đội ngũ BOO cũng đã có nhiều bạn gen Z hơn và dĩ nhiên là các bạn ấy làm việc với tư duy khác.

Tôi nghĩ rằng mỗi thế hệ nó có mỗi cái đặc thù riêng, chẳng có gì khiến mình phải quá phàn nàn. Thế hệ trước millennials thì cũng đánh giá thế hệ millennials rằng đây là thế hệ dở hơi, chả hiểu sao lại suy nghĩ và làm cái này, cái kia. Khi nhìn ngược lại như vậy thì chúng ta sẽ thấy mỗi thế hệ có một cá tính.

Và với các bạn gen Z thì các bạn sẽ muốn thể hiện cá tính hơn, muốn mình là một tâm điểm trong một nhóm nhất định nào đó, mình vẫn có sự ảnh hưởng với những người xung quanh mình. Thành ra, thế hệ của các bạn ấy sẽ có nhiều lựa chọn và cơ hội hơn rất nhiều so với các thế hệ trước. Điều này dẫn đến việc các bạn nhảy việc nhiều hơn.

Tôi nghĩ rằng khi các bạn có nhiều cơ hội hơn thì các bạn sẽ muốn nhảy việc, muốn khám phá nhiều thứ hơn, đó là lựa chọn của các bạn ý thôi. Và từ khía cạnh của công ty thì thay vì việc kêu ca, mình tập trung vào giải pháp.

Mình phải thích nghi với những hành vi mới của các bạn đấy, và thậm chí thích nghi đến độ mà mình phải thay đổi chính mình. Gần đây BOO đã thay đổi nhiều thứ mà trước đây không thể lung lay, liên quan đến giờ làm việc và cách thức để các bạn được làm việc một cách linh hoạt hơn. Trước đây thì không có chuyện đó đâu.

Về thời gian làm việc, sắp tới, BOO sẽ có CEO talk (buổi trò chuyện của CEO) về một chính sách mới, linh hoạt hơn và chưa bao giờ từng có ở BOO. Và điều đó không phải chỉ dành cho các bạn gen Z mà là dành cho toàn hệ thống. Tức là đã thay đổi thì cần phải thay đổi cả. Vậy đó, tôi nghĩ rằng thay vì mình kêu ca, đánh giá, thì mình nên thích nghi, đấy mới là giải pháp cho doanh nghiệp. Mình đang hòa nhập mà và mình cần thay đổi. Và sau gen Z còn alpha (những bạn trẻ sinh sau năm 2010) nữa.

Dám mạo hiểm và tạo ra sự trải nghiệm thú vị cho nhân sự

Vậy, ngoài thời gian và cách làm việc linh hoạt, anh và BOO sẽ làm những gì để giữ chân các bạn gen Z?

Anh Việt Anh: Theo góc nhìn còn hạn hẹp của tôi thì còn thêm 2 thứ nữa. Một là mình phải xây dựng được một môi trường luôn luôn tạo ra được động lực cho các bạn ý. Tức là giờ BOO đã bắt đầu phải quan tâm tới lộ trình sự nghiệp (career path) của nhân viên kỹ hơn so với trước đây.

Mình phải tạo thêm những dự án (project) khiến các bạn thấy hứng thú. Ở đây không phải là mình đi làm ra những cái này để phục vụ các bạn ý, mà công ty phải luôn luôn có những thứ mà khiến các bạn và chính công ty cần phải học thêm, phải thử nghiệm. Tôi thấy đối với các bạn gen Z thì các bạn mong muốn được thử nghiệm nhiều hơn. Ở một số mảng mình có thể mạo hiểm nhiều hơn một chút. Đấy là mình đang giữ chân các bạn và mình cũng giữ được sự thú vị, giữ được cái sự luôn đổi mới và đi lên của mình.

Có những thứ khó khăn hơn thì chúng ta cần dùng kĩ thuật, nhưng với những thứ nhẹ nhàng hơn thì chúng ta có thể dùng văn hóa nội bộ và truyền thông nội bộ. Và tôi nghĩ chúng tôi sẽ đầu tư nhiều hơn vào bên trong, vào mức độ L&D (learning and development – học tập và phát triển). Bên trong thì chúng tôi sẽ quan tâm nhiều đến văn hóa doanh nghiệp hơn, và bên ngoài sẽ tạo ra những dự án để các bạn được thử nghiệm và trải nghiệm.

Điều thứ hai mà tôi muốn nói đó là phải luôn chuẩn bị cho mình một phương án B. Bây giờ cái gì chúng tôi cũng phải đào tạo dư ra, nhất là những vị trí quan trọng luôn phải có những người kế cận chứ không chỉ phụ thuộc vào một người.

Thực tế, thế hệ trước các bạn trung thành hơn, cái lí tưởng của các bạn khi làm việc trong một công ty là rất khác. Kiểu tôi sẽ đi theo con đường này, và tôi sẽ tạo ra sự thay đổi cùng với sự phát triển của công ty. Nhưng với các bạn bây giờ sẽ là: hôm nay tôi làm cái này, sau này tôi muốn thay đổi sang một cái khác, một lĩnh vực khác, ở một công ty hoàn toàn khác.

Tôi nghĩ rằng cũng chỉ thích ứng ở những thứ đấy thôi, còn đâu mình vẫn phải là chính mình. Có một so sánh thế này, một công ty nó không khác gì một đội bóng, và một ngôi sao không thể làm nên đội bóng được. Vì thế tất cả điều chúng ta làm cũng phải vì đồng đội thôi.

Những người đứng ở vị trí như tôi hay những người trong đội ngũ top management thì chúng tôi vẫn cứ trung thành với những điều là định hướng của mình. Còn với những hành vi và những cách thể hiện khác hơn của một thế hệ nhân viên và nhân tài mới, chúng tôi sẽ có một số điều chỉnh, nhưng mà không phải điều chỉnh tất cả.

Dù có điều chỉnh cái gì thì cái mình không bao giờ nên điều chỉnh là giá trị cốt lõi. Đó là di sản và là cái đảm bảo cho tương lai dài hạn của mình. Tôi cảm thấy rất may mắn khi đã có tầm nhìn từ hồi ấy. Như việc chúng tôi tập trung vào vấn đề phát triển bền vững. Môi trường giờ cũng là vấn đề các bạn trẻ rất quan tâm, bên cạnh những cái vấn đề khác như bình đẳng giới, bình đẳng sắc tộc...

Tôi nghĩ vấn đề liên quan đến xã hội và môi trường ngày càng được nhận thức cao hơn, và người ta sẽ quan tâm đến nó nhiều hơn. Đó là một xu hướng không thế chối cãi, nó sẽ vượt qua cả gen Z mà truyền sang cả alpha.