Chìa khóa hồi sinh hàng trăm dự án "chết lâm sàng"

Minh Anh - 13:31, 20/07/2017

TheLEADERXử lý nợ xấu, cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế chuyển nhượng dự án được kỳ vọng sẽ hồi sinh các dự án bất động sản gặp khó khăn kéo dài nhiều năm qua.

Chìa khóa hồi sinh hàng trăm dự án "chết lâm sàng"
Hàng trăm dự án bất động sản đang bất động nhiều năm do gặp khó trong vấn đề chuyển nhượng. Ảnh minh họa (nguồn internet)

Cởi trói cho các dự án “trùm mền”

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng đã trên 160.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được là 195.000 tỷ đồng, chiếm 3,39% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được trên 345.000 tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ.

Tính gộp tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu mà VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được và nợ có nguy cơ cao trở thành nợ xấu trên cơ sở tính toán thận trọng của Ngân hàng Nhà nước chiếm tỷ lệ khoảng 10,08% tổng dư nợ cho vay. Nợ xấu bao gồm cả hơn 90.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản trong nhiều năm qua

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), nợ xấu có liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản và các ngành có liên quan. Nợ xấu cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiều dự án bất động sản "trùm mền".

Cụ thể, riêng TP. HCM đã có khoảng 500 dự án ngừng triển khai; nợ xấu thường được bảo đảm bằng tài sản thế chấp là bất động sản, dự án bất động sản, nhà ở đã hoàn thành, nhà ở hình thành trong tương lai.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản TP. HCM 6 tháng đầu năm 2017 của HoREA, một trong 5 điểm nghẽn của thị trường bất động sản hiện nay nằm ở vấn đề chuyển nhượng dự án. 

Cụ thể, pháp luật hiện nay quy định chủ đầu tư phải giải phóng mặt bằng và phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được chuyển nhượng, chưa tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới thay thế để khởi động lại các dự án đã bị ngưng triển khai hiện nay.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM Lê Hoàng Châu

Quy định chủ đầu tư muốn chuyển nhượng dự án chỉ sau khi đã có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng là gây khó cho các bên. 

Theo ông Châu, việc chuyển nhượng dự án là hoạt động giữa các nhà đầu tư với nhau, chưa phải là bán nhà ở cho người mua nhà. Nếu bên chuyển nhượng chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng, thì bên nhận chuyển nhượng dự án sẽ tiếp tục hoàn tất các công việc này.

Do vậy, HoREA kiến nghị sửa đổi khoản (1.b) Điều 194 Luật Đất đai 2013 và sửa đối khoản 2 Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản, cho phép chủ đầu tư được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án kể từ thời điểm sau khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch của dự án; coi chuyển nhượng dự án, một phần dự án là hoạt động bình thường trong quá trình đầu tư kinh doanh theo nhu cầu của các doanh nghiệp.

“Việc cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế chuyển nhượng dự án bất động sản sẽ giúp khai thông thị trường mua bán, chuyển nhượng (M&A) dự án, khai thông nguồn vốn, tái khởi động các dự án đang bị ngừng triển khai, mà chủ thể thực hiện lại chính là các doanh nghiệp bất động sản, sử dụng nguồn vốn tư nhân, dòng tiền lớn sẽ trở lại thị trường mạnh mẽ thông qua hoạt động M&A dự án”.

“Nếu áp dụng cơ chế chuyển nhượng dự án bất động sản thông thoáng như Điều 10 của Nghị quyết sẽ không chỉ "cởi trói" được 500 dự án "trùm mền" mà còn tránh được tình trạng dự án rơi vào "nợ xấu", đồng thời nên xem đây là việc kinh doanh bình thường của doanh nghiệp” ông Châu nhận định.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, kiến nghị của HoREA được xem là giải pháp tích cực góp phần giảm nợ xấu (liên quan đến bất động sản), tạo điều kiện lưu thông vốn trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng chuyển nhượng dự án không hiệu quả, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ bên nhận chuyển nhượng (bên mua) về năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai dự án…

Cần bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà

Năm 2016, thị trường bất động sản xôn xao trước vụ Chung cư The Harmona (quận Tân Bình, TP. HCM) bị ngân hàng thông báo siết nợ. Tiếp đó là Chung cư RubyLand (quận Tân Phú) cũng bị chủ đầu tư cầm cố ngân hàng, khi doanh nghiệp này mất hoàn toàn khả năng trả nợ, ngân hàng đã bán khoản nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)… 

Hàng loạt những sự việc như trên liên tiếp xảy ra ở nhiều chung cư của cả nước khiến cư dân của các chung cư này cũng như người mua nhà trên thị trường bất động sản rất bức xúc vì quyền lợi của mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người mua nhà đã hoàn thành xong thủ tục mua bán, thậm chí đã dọn về ở nhiều năm mới “tá hỏa” khi phát hiện việc dự án vẫn bị chủ đầu tư cầm cố trong ngân hàng.

Trước thực trạng này, ông Châu cho rằng, nợ xấu nhưng tài sản bảo đảm không xấu vì thông thường bất động sản khi thế chấp để vay tín dụng chỉ được tổ chức tín dụng định giá phổ biến ở mức trên dưới 60% giá trị thực; tài sản bảo đảm của nợ xấu có thể là tài sản của người đi vay, có thể là tài sản của bên thứ ba (người bảo lãnh vay tín dụng), cũng có trường hợp là căn hộ của người mua nhà trong dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp cho tổ chức tín dụng... 

Do vậy, khi xử lý nợ xấu đề nghị cần xem xét bao quát các vấn đề, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người đi vay, người bảo lãnh vay, người mua nhà trong dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp cho tổ chức tín dụng.