Chiến lược phát triển bền vững của Quảng Ninh

Tùng Anh - 11:31, 22/11/2022

TheLEADERChiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Quảng Ninh được đánh giá cao, đặc biệt là việc không đánh đổi môi trường trong thu hút đầu tư.

Trong quá trình tập trung dịch chuyển từ nền kinh tế “nâu” phụ thuộc vào khai thác than sang một nền kinh tế “xanh” tập trung vào các ngành dịch vụ, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. 

Trong buổi làm việc mới đây với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình, dự án bảo vệ môi trường như: đầu tư dự án nâng cấp hệ thống đê Quan Lạn, huyện Vân Đồn; dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020...

Tỉnh đã triển khai một số mô hình thí điểm nhằm giảm tải ô nhiễm vịnh Hạ Long theo tinh thần Nghị quyết 12- NQ/TU về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018 - 2020. Cụ thể là hạn chế tối đa và tiến tới chấm dứt hoạt động các nhóm ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao. 

Tỉnh Quảng Ninh đặt ra lộ trình phấn đấu đến năm 2025 sẽ chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường.

Toàn bộ dự án trước khi cấp phép hoạt động đều phải đảm bảo thủ tục pháp lý về môi trường theo đúng quy định; không chấp thuận các dự án đầu tư với công nghệ lạc hậu và các loại hình sản xuất phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Quảng Ninh đã đầu tư 40 máy móc, 3 thiết bị xử lý nước thải, 10 thùng rác nổi cỡ lớn, 117 thùng rác tại các điểm thăm quan ở vịnh Hạ Long. 

Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng ESCO, thúc đẩy du lịch xanh… Quảng Ninh là một trong số ít địa phương ban hành quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng, bè, giàn có sử dụng phao nổi.

Tất cả khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo thu gom toàn bộ nước thải phát sinh, đã có phương án ứng phó và khắc phục sự cố của hệ thống xử lý nước thải tập trung. 

Chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và liên tục được quan trắc tự động, liên tục kết nối, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và môi trường. 80% cụm công nghiệp có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung trước khi đưa vào hoạt động.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, tổng kinh phí ngân sách tỉnh Quảng Ninh bố trí cho bảo vệ môi trường đạt trên 2.000 tỷ đồng, chiếm 4,59% kinh phí chi thường xuyên ngân sách địa phương.

Trong thời gian tới, việc VCCI lồng ghép chỉ số xanh PGI trong khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022 sẽ là một công cụ mới để Quảng Ninh nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, góp phần thu hút các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường và các dự án “xanh”, chất lượng.

Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh khẳng định tỉnh sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thu hút các dự án ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. 

Lãnh đạo Quảng Ninh mong muốn tiếp tục nhận được sự tư vấn từ VCCI để cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn nữa, thu hút được thêm nhiều dự án đầu tư vào địa bàn, đặc biệt là những dự án xanh.

Quảng Ninh dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 ước đạt 10,21%, là năm thứ 7 liên tiếp (2016 - 2022) tỉnh đạt mức tăng trưởng 2 con số. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 56.500 tỷ đồng, tăng 24% dự toán Trung ương giao, tăng 7% dự toán giao đầu năm, tăng 8% so với cùng kỳ.

Định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.