Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Những ‘chiêu thức’ ứng phó của Bắc Kinh

Quỳnh Như - 09:32, 09/11/2018

TheLEADERMặc dù chính người Trung Quốc thừa nhận nền kinh tế của mình đang tăng trưởng chậm lại do tác động từ môi trường bên ngoài, nhưng họ đã và đang cho thấy sự bình tĩnh và nỗ lực triển khai ứng phó mạnh mẽ.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Những ‘chiêu thức’ ứng phó của Bắc Kinh
Những công ty về dịch vụ thương mại như Alibaba sẽ là động lực phát triển mới của Trung Quốc chứ không phải sản xuất. Nguồn ảnh: Webinterpret.com

Sau hơn 4 tháng chịu sự “trừng phạt” thương mại của Mỹ, Trung Quốc dường như đang thấm đòn. Trong một báo cáo cuối tháng 10 vừa qua của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc thừa nhận, nền kinh tế Trung Quốc đang chịu những "áp lực suy giảm" ngày càng tăng do "những thay đổi sâu sắc" từ môi trường bên ngoài. Trong tất cả, 2 ngành sản xuất và dịch vụ tăng trưởng chậm nhất do sụt giảm mạnh về nhu cầu nhập khẩu.

Tuy nhiên, với những động thái gần đây cho thấy, dường như người Trung Quốc không hề nao núng trước những diễn biến bất lợi đó mà họ vẫn không ngừng tìm cách tháo gỡ; như bắt tay với Nga, tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác, chuyển hướng động lực tăng trưởng từ sản xuất qua dịch vụ…

"Kẻ thù của kẻ thù là đồng minh"

Đầu năm 2018, cái gai trong mắt người Mỹ không phải Trung Quốc mà là Nga. Hàng loạt sự việc đáng tiếc diễn ra cuối năm 2017 và đầu năm 2018 khiến mối quan hệ của cả hai xuống ở mức “thấp nguy hiểm” như lời nhận xét của Tổng thống Donald Trump: Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, can thiệp trực tiếp vào tình hình Ukraine, đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal tại Anh…

Theo đó, nước Mỹ đã áp nhiều lệnh trừng phạt dành cho Nga, như trục xuất và cấm nhập cảnh hàng trăm nhân viên ngoại giao của Nga, đánh thuế cao lên các sản phẩm nhôm thép, hàng kỹ thuật – công nghệ; tất nhiên, Nga cũng có những đáp trả tương xứng với những gì mà mình nhận.

Tháng 6/2018, sau khi biết mình là đối thủ mà người Mỹ sẽ chọn để ‘dằn mặt’ tiếp theo, Trung Quốc biết mình nên hợp tác với ai để có thể chiến thắng. Không phải lúc nào "kẻ thù của kẻ thù cũng là đồng minh", nhưng với Trung Quốc – Nga thì đúng là như thế! Hơn nữa, nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới này có thể cung cấp cho Trung Quốc những thứ mà họ từng cần từ Mỹ: thị trường lớn, công nghệ hiện đại tiên tiến.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Những ‘chiêu thức’ ứng phó của Bắc Kinh
Việc Mỹ gây chiến với Trung Quốc, khiến quan hệ giữa Trung Quốc và Nga thêm khắng khít. Nguồn ảnh: Businessinsider.com

Trong bối cảnh bị Mỹ gây sức ép, việc Trung Quốc rót vốn đầu tư và mua năng lượng giúp Nga dễ dàng vượt qua áp lực kinh tế trong vấn đề Ukraine. Đổi lại, Nga bán dầu, hệ thống phòng thủ tên lửa và chiến đấu cơ cho Trung Quốc, buộc Mỹ phải tính toán lại chiến lược ở Thái Bình Dương để đề phòng bất kỳ sự cạnh tranh nào với Bắc Kinh. Ngoài ra, Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất thế giới và Nga là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về năng lượng và vật liệu thô. Trung Quốc thiếu đất canh tác trong khi Nga thì thừa.

Tại Hội chợ Hàng không Chu Hải ở Trung Quốc hôm 6/11, 2 công ty UAC của Nga và Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc đã cùng ra mắt mô hình máy bay CR929, có khả năng chở 280 hành khách và thực hiện hành trình lên đến 12.000km. Theo kế hoạch, CR9292 sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2023 với triển vọng có thể cạnh tranh được với Airbus A305 và Boeing 787.

Gần nhất, Trung Quốc tuyên bố đã sẵn sàng bắt tay với Nga về việc thiết lập một hệ thống thanh toán xuyên biên giới sử dụng đồng nội tệ của mỗi nước, nhằm giảm rủi ro trừng phạt và phụ thuộc vào đồng USD.

Tìm kiếm các đối tác tiềm năng khác

Trong những ngày này, hoạt động đáng chú ý nhất tại Trung Quốc chính là việc họ lần đầu tiên tổ chức Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc. Đây chính là nỗ lực của quốc gia đông dân nhất thế giới này nhằm chứng minh những chỉ trích của người Mỹ về ‘chính sách bảo hộ’ hay ‘cô lập’ là sai.

Trước đây, không chỉ doanh nghiệp Mỹ mà các doanh nghiệp của nhiều nước khác thường phàn nàn về hàng loạt chính sách kinh tế thiếu cởi mở, ví dụ như buộc các công ty nước ngoài phải liên doanh với một công ty trong nước, ép chuyển giao công nghệ, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, kiểm duyệt khắt khe với các thông tin trên các mạng xã hội…

Cánh cửa của Trung Quốc sẽ không bao giờ đóng lại mà sẽ ngày càng mở rộng hơn. Trung Quốc sẽ tạo ra môi trường kinh doanh đẳng cấp thế giới”, Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình phát biểu trong buổi lễ khai mạc triển lãm. Ngoài ra, Trung Quốc sẵn sàng giảm thâm hụt thương mại với các nước khác và nhà lãnh đạo này cũng dự báo kim ngạch hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ vượt 30.000 tỷ USD trong 15 năm tới.

Có một điều trớ trêu là, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhìn Trung Quốc không vừa mắt, thì các doanh nghiệp của Mỹ vẫn tìm cách o bế quốc gia này, bởi không ai có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của thị trường có cả tỷ khách hàng. Theo giới truyền thông, Mỹ là quốc gia có số lượng doanh nghiệp tham gia triển lãm nhiều nhất, chỉ sau Nhật Bản và Hàn Quốc; sự kiện có sự tham gia của 3.000 công ty nước ngoài từ 130 quốc gia khác nhau.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Những ‘chiêu thức’ ứng phó của Bắc Kinh 1
Bill Gates tham gia thuyết trình trong Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc 2018. Nguồn ảnh: Matthew Knight/Reuters

Cũng trong sự kiện này, nhà sáng lập Microsoft – Bill Gate thì bày tỏ lời ngợi ca nền thương mại tự do của Trung Quốc, còn ông chủ Startbuck - Kevin Johnson thì muốn đưa mô hình giao nhận hợp tác với Alibaba về áp dụng tại Mỹ cũng như nhiều nước khác.

Như trong trường hợp của Nga, “bánh ít cho đi, bánh quy biếu lại’, tương tự như nếu Trung Quốc nhập hàng của Nhật Bản hay Hàn Quốc, thì hai quốc gia này cũng phải nhập khẩu hàng hóa có số lượng hoặc giá trị tương ứng hoặc hơn. 

Đây sẽ là giải pháp tình thế giúp Trung Quốc giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt cho khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất trước khi chuyển sang động lực tăng trưởng khác: dịch vụ.

Động lực kinh tế mới của Trung Quốc sẽ là dịch vụ

Theo các chuyên gia kinh tế, triển lãm nói trên còn là cách mà Bắc Kinh truyền tải thông điệp: chuyển từ nền kinh tế dựa nhiều vào sản xuất sang dựa vào tiêu dùng nội địa. Bên lề triển lãm, Jack Ma – ông chủ của Alibaba cũng cho rằng: chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung là điều ngớ ngẩn, vì sắp tới, động cơ tăng trưởng việc làm của Trung Quốc là dịch vụ chứ không phải các ngành sản xuất truyền thống.

Alibaba tuyên bố mua 200 tỷ USD hàng ngoại, JD cũng cho biết mình sẽ mua 14,5 tỷ USD hàng nước ngoài.

Còn bà Bà Tina Ju – Nhà sáng lập và điều hành Công ty KPCB China & TDF Capital cũng nhận xét trong một hội thảo gần đây tại Việt Nam: trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ không còn là nhà cung cấp yêu thích của các công ty hàng đầu thế giới do dân số trở nên già hơn – trung bình 27 tuổi, lao động không còn giá rẻ, các quy định pháp luật về môi trường cũng được siết chặt hơn…

Thế nên, có thể nói, việc các công ty trên khắp thế giới dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang nước khác chỉ là đi trước thời đại một bước và biết đâu có thể thúc đẩy quốc gia này đẩy nhanh sự chuyển đổi động lực tăng trưởng chính.

Về lĩnh vực dịch vụ, nhờ sự khắt khe trong pháp luật của Trung Quốc với các công ty công nghệ nước ngoài, nhất là các tập đoàn liên quan đến mạng xã hội – truyền thông thông tin cùng với thị trường 1 tỷ dân, đã có rất nhiều công ty về dịch vụ - công nghệ lớn mạnh giúp Trung Quốc đủ sức chèo chống nền kinh tế của quốc gia này trong tương lai, như Tencent, Alibaba, JD…

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Những ‘chiêu thức’ ứng phó của Bắc Kinh 2
Như Alibaba, JD và Tencent sẽ là hai trong những trụ cột kinh tế của Trung Quốc trong tương lai. Nguồn ảnh: advangent.com

Ông Đỗ Hoài Nam - Đồng sáng lập Up Co-working Space và Emotiv System giải thích thêm: Trung Quốc vẫn có thể phát triển tốt trong 10 đến 15 năm nữa; với dân số trên 1 tỷ người, họ có thể đóng cửa lại tự phát triển, vì thật ra, Google hay Facebook hùng mạnh như thế cũng chỉ có 1 tỷ người dùng. Nhờ thị trường lớn, Alibaba đã phát triển lên thành công ty Kỳ Lân mà không cần cạnh tranh với Amazon và không ai ngoài Trung Quốc có thể làm được điều đó.

Có thể xem, thị trường một tỷ dân với tiềm năng tiêu dùng rất lớn chính là vũ khí lợi hại nhất của người Trung Quốc trong cuộc chơi với thế giới! Nhờ hậu phương vững mạnh này, Alibaba, Tencent hay JD có thể tự tin vươn ra toàn cầu - bán hàng cho cả thế giới, bành trướng hệ sinh thái của mình sang các quốc gia lân cận.

Ví dụ như tại Việt Nam, Zalo đang xây dựng cho mình một hệ sinh thái ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống như WeChat của Tencent. Trong 3 sàn điện tử lớn nhất Việt Nam thời điểm hiện tại là Tiki – Lazada – Shopee đều in đậm hình bóng của 3 ông lớn Alibaba, Tencent hay JD: Alibaba đã mua lại Lazada, Tencent rót tiền vào công ty mẹ Shoppe là SEA, JD cũng cũng đã đầu tư vào Tiki không ít tiền.

Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên, khi mùa sale Ngày độc thân 11/11 mà Alibaba gầy dựng trên trang web bán hàng Taobao của mình trong vài năm gần đây đang lan toả mạnh mẽ tại Việt Nam: hầu hết sàn thương mại điện tử uy tín như Tiki, Lazada, Shopee, A đây rồi, Lotte, Robins… đều đang có những chương trình khuyến mãi ‘khủng’ khác nhau cho dịp 11/11, mặc dù, tại Việt Nam ngày đó chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt.