‘Cho đi là nhận lại’ ở Alphanam

Nguyễn Cảnh - 10:26, 12/02/2024

TheLEADERTrong mắt doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải, tạo việc làm và thu nhập tốt cho người khuyết tật đã vượt lên trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trở thành việc được làm để cống hiến cho xã hội.

‘Cho đi là nhận lại’ ở Alphanam
Alphanam Group vinh dự là doanh nghiệp đạt chứng chỉ EDGE cấp độ MOVE năm 2021 (ảnh: NVCC)

Là đại điện cho các doanh nhân Sao Đỏ tiên phong triển khai sáng kiến kết nối tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Alphanam Group nhìn nhận thực hành ESG trong doanh nghiệp là hành trình nhiều trăn trở và đong đầy cảm xúc.

Từ kinh nghiệm trong chính doanh nghiệp của mình, ông Hải cho biết việc tạo điều kiện cho người khuyết tật có điều kiện và cơ hội tiếp cận cũng như thăng tiến trong công việc là một quá trình thay đổi từ nhận thức dẫn đến thay đổi cách làm, cách triển khai.

Alphanam có gần ba thập kỷ hình thành, phát triển và trong việc vận hành hoạt động các nhà máy sản xuất trước đây cũng có người khuyết tật làm việc. “Nhưng nhận thức lúc đó của chúng tôi rất đơn giản, chỉ là cảm xúc cần làm việc tốt chứ chưa nâng lên trở thành ý thức”, ông Hải thừa nhận.

Tuy nhiên, cho đến khi làm việc với một số đối tác nước ngoài, ông Hải thấy họ có những khuyến khích về việc sử dụng lao động là người khuyết tật, thậm chí khi xây dựng khách sạn cũng có tiêu chí phục vụ người khuyết tật như thế nào. “Đó là bước ngoặt làm thay đổi nhận thức và hành động của cá nhân tôi và Alphanam”, ông Hải chia sẻ.

Các diễn giả tham gia Diễn đàn "ESG - Cơ hội và thách thức việc làm cho người khuyết tật" đã có những chia sẻ ý nghĩa và truyền cảm hứng. (ảnh: NVCC)
Các diễn giả tham gia Diễn đàn "ESG - Cơ hội và thách thức việc làm cho người khuyết tật" đã có những chia sẻ ý nghĩa và truyền cảm hứng. (ảnh: NVCC)

Từ sự thay đổi về nhận thức, lãnh đạo Alphanam đã thay đổi thiết kế văn phòng để sẵn sàng phù hợp người khuyết tật có thể làm việc. Sau đó, hành động này được nâng lên một bước sau khi ông Hải cùng trao đổi với các doanh nhân trong Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ và tìm được sự đồng cảm.

Có cùng tâm tư và nỗi trăn trở là những doanh nhân Sao Đỏ như ông Nguyễn Cảnh Hồng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Eurowindow Holding; ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Tập đoàn TTC, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng Phúc Khang, ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch Tập đoàn Kangaroo.

Họ đã đứng ra thành lập Công ty CP Nghị Lực Sống - Doanh nghiệp xã hội với triết lý là mang đến cho người khuyết tật “một chiếc cần câu chứ không phải là con cá”.

Cùng chung tay với ông Hải còn có bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận; ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sacombank.

Công ty CP Nghị Lực Sống có tiền thân là Trung tâm Nghị Lực Sống được thành lập từ 2008 do Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng (1982 – 2012) sáng lập.

Năm 2022, trung tâm phát triển thành doanh nghiệp xã hội theo mô hình công ty cổ phần với cổ đông là các thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ và bà Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị Lực Sống, hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ hòa nhập toàn diện cho người khuyết tật. 

Với sứ mệnh đặc biệt, Nghị Lực Sống là nơi khơi dậy niềm tin, nuôi dưỡng nghị lực, thắp sáng ước mơ, thay đổi tương lai người khuyết tật – người yếu thế. Cùng triết lý hoạt động “lợi nhuận có được là giá trị cho đi”, Nghị Lực Sống cam kết dùng lợi nhuận tái đầu tư các trung tâm đào tạo, hướng nghiệp nhằm tiếp tục nhân rộng mô hình hỗ trợ người khuyết tật.

Đối tượng nhắm đến của Nghị Lực Sống được chia làm ba nhóm. Nhóm đầu tiên là những người khuyết tật sau khi được đào tạo có thể trở về sinh sống với gia đình và khởi nghiệp tại địa phương. Nhóm thứ hai là đào tạo cơ bản để người khuyết tật có thể vào làm việc tại các doanh nghiệp. Và cuối cùng là nhóm đặt hàng từ các doanh nghiệp, làng nghề… để đào tạo ra học viên có thể làm việc được ngay. 

Nghị Lực Sống là nơi khơi dậy niềm tin, nuôi dưỡng nghị lực, thắp sáng ước mơ, thay đổi tương lai người khuyết tật – người yếu thế, để họ cảm thấy mình cũng là một điểm mạnh (ảnh: NVCC)
Nghị Lực Sống là nơi khơi dậy niềm tin, nuôi dưỡng nghị lực, thắp sáng ước mơ, thay đổi tương lai người khuyết tật – người yếu thế, để họ cảm thấy mình cũng là một điểm mạnh (ảnh: NVCC)

Mới đây, Nghị Lực Sống đã tổ chức lễ tốt nghiệp khóa thứ hai năm 2023 và đặc biệt, có tới 35 trong tổng số 58 học viên của khóa đã tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Các em còn lại sẽ tiếp tục thực tập tại công ty và sẽ được hỗ trợ kết nối với các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp phù hợp.

Những đóng góp và trái tim nhân ái của các doanh nhân Sao Đỏ đang dần được hiện thực hoá bằng các kết quả hết sức thiết thực, ý nghĩa. Những thành quả ban đầu của doanh nghiệp xã hội Nghị Lực Sống chính là những “trái ngọt” của những doanh nhân Sao Đỏ trên hành trình thực hiện và lan tỏa thông điệp nhân văn cao cả “cho đi là nhận lại” để nhiều người yếu thế trong xã hội được hỗ trợ, được yêu thương và tiếp tục vươn lên làm đẹp cho đời.

Ông Hải cho biết mong muốn của các doanh nhân Sao Đỏ bắt đầu từ suy nghĩ “đây là việc phải làm” được nâng lên một nấc thành “đây là việc nên làm” và hiện nay, họ đã cảm nhận được “đây là việc được hưởng, được làm” khi thấy công việc có ích, có ý nghĩa cho xã hội.

Đặc biệt, ông Hải và các doanh nhân Sao Đỏ còn mong muốn lan tỏa việc làm này đến các doanh nhân thành đạt, các doanh nghiệp để họ cảm thấy đây là việc được làm để cùng cống hiến cho xã hội. “Những người khuyết tật cũng sẽ thay đổi từ tự ti sang tự tin và tự hào về bản thân mình”, ông Hải tâm sự. Theo Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, trong đó chỉ có 31,7% người khuyết tật trung bình và 7,8% người khuyết tật nặng.

Mặc dù nhận được nhiều sự quan tâm, nhiều người khuyết tật vẫn chưa được tiếp cận các cơ hội giáo dục và việc làm một cách công bằng và đầy đủ. Chính vì thế, sự chung tay của các doanh nhân Sao Đỏ đã góp phần xây dựng hệ sinh thái đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề cho người khuyết tật, kết nối với doanh nghiệp có nhu cầu và khả năng sử dụng lao động khuyết tật, từ đó hỗ trợ người khuyết tật tham gia thị trường lao động.

Từ sự thay đổi về nhận thức của các doanh nhân Sao Đỏ trong việc hỗ trợ người khuyết tật cũng như những gì họ đã và đang làm để phụng sự xã hội, có thể thấy các doanh nghiệp ngày càng nhìn nhận đúng đắn về ESG trong chiến lược phát triển.

“Những người khuyết tật cũng sẽ thay đổi từ tự ti sang tự tin và tự hào về bản thân mình”
Ông Nguyễn Tuấn Hải
Chủ tịch HĐQT Alphanam Group

Rõ ràng việc mang đến cơ hội việc làm và thu nhập tốt cho người khuyết tật, hỗ trợ họ tham gia hệ sinh thái việc làm là hành động vượt lên trên trách nhiệm xã hội, trở thành giá trị mà doanh nghiệp mong muốn đóng góp, gắn với chữ S trong ESG.

Bên cạnh giá trị xã hội (S), các yếu tố như môi trường (E) và quản trị doanh nghiệp (G) cũng được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Tại Alphanam Group, một doanh nghiệp có hai thế hệ doanh nhân nhận danh hiệu Sao Đỏ, trong quản trị doanh nghiệp, tập đoàn luôn lấy triết lý “Nhân sự là tài sản quý giá nhất” làm giá trị cốt lõi, làm kim chỉ nam trong việc xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, hạnh phúc.

Alphanam Group vinh dự là doanh nghiệp đạt chứng chỉ EDGE cấp độ MOVE năm 2021 (ảnh: NVCC)
Alphanam Group vinh dự là doanh nghiệp đạt chứng chỉ EDGE cấp độ MOVE năm 2021 (ảnh: NVCC)

Năm 2021, Alphanam Group đã trở thành doanh nghiệp thứ 48 trên thế giới và là doanh nghiệp đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam hoàn thành được nhận chứng chỉ Bình đẳng giới toàn cầu EDGE (Economic Dividends for Gender Equality - Lợi ích Kinh tế từ Bình đẳng giới) cấp độ MOVE.

Thời điểm đó, trên thế giới, mới chỉ có 169 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ EDGE, trong đó hầu hết đạt cấp độ ASSESS. Alphanam Group vinh dự nằm trong danh sách 50 công ty trên toàn thế giới đạt được chứng chỉ EDGE cấp MOVE cùng với các doanh nghiệp toàn cầu khác như UNICEF, European Central Bank hay L’Oreal.

Đồng thời, Alphanam Group là đơn vị thứ 10 của ASEAN, thứ ba của Việt Nam được công nhận những nỗ lực trong quá trình thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc.

Đạt chứng chỉ EDGE ở cấp MOVE đồng nghĩa với việc Alphanam Group đã thực hiện một cách hiệu quả các chính sách về bình đẳng giới và đạt được một số cột mốc quan trọng liên quan đến bình đẳng giới trong tiền lương, trong tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực.

Tại Alphanam, chính sách tuyển dụng 100% công bằng với cả hai giới trong mọi ngành nghề. Người lao động có cơ hội thăng tiến đồng đều, không có sự ưu tiên, bởi vậy tỷ lệ nam giới và nữ giới cấp lãnh đạo tại Alphanam gần như ngang bằng nhau. Chế độ thai sản được áp dụng không chỉ đối với lao động nữ mà còn cả với lao động nam khi vợ sinh con.

Ngoài ra, cán bộ nhân viên tại Alphanam cũng được đào tạo và nắm bắt những thông điệp rõ ràng về tầm quan trọng của chứng chỉ EDGE đối với lợi ích kinh tế và văn hóa doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thông qua lộ trình truyền thông bài bản.

Về giá trị môi trường, thông qua Alphanam Green Foundation, Alphanam đã thực hiện các hoạt động nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mọi người, từ đó đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam như Chiến dịch “Vì một An Giang xanh - sạch - đẹp”; Quỹ sáng kiến An Giang xanh sạch đẹp… 

Bên cạnh đó, khi triển khai các dự án, Alphanam với định hướng của Sao Đỏ Nguyễn Ngọc Mỹ luôn thiết kế, xây dựng các dự án bất động sản theo hướng hài hòa với thiên nhiên và môi trường, tôn trọng và nâng tầm cảnh quan khu vực xung quanh dự án cũng như bảo tồn các di sản văn hóa địa phương.

Một số hoạt động tiêu biểu kể trên của Alphanam là minh chứng rõ nét cho thấy nhiều doanh nhân, doanh nghiệp Việt ngày càng thực hành ESG một cách sâu rộng, bài bản và có chiến lược cụ thể; đưa doanh nghiệp phát triển một cách bền vững, gắn với sự phát triển của đất nước.