Leader talk
Chủ tịch Vinamit Nguyễn Lâm Viên: Doanh nhân ngành nông nghiệp phải là 'địa chủ' hùng mạnh
Trong nông nghiệp, vấn đề bàn cãi nhất là … đất.
Từ lâu, nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam đã lạm dụng quá nhiều hóa chất, dẫn tới hệ lụy nghiêm trọng cho nhiều thế hệ, bệnh ung thư bùng phát dữ dội và ngày một tăng. Thị trường quốc tế đã nhiều lần cảnh giác và có biện pháp chế tài gạo, tôm, cá tra, rau quả xuất khẩu của Việt Nam vì dính hóa chất nhiều hơn mức cho phép… Làm thế nào để giải bài toán này? TheLEADER có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốcVinamit.
Là người đi đầu trong nông nghiệp hữu cơ, và luôn nỗ lực truyền thông đến toàn xã hội về triết lý canh tác hữu cơ, vì sao khi chính phủ đề xuất ông tham gia phó ban nông nghiệp của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ Tướng, ông lại từ chối?
Ông Nguyễn Lâm Viên: Tôi là người làm thực tế, đóng góp bao nhiêu năm nay rồi, họp từ cuộc họp này lê la sang cuộc họp khác, mà có thay đổi được gì đâu. Vấn đề là cục diện, Chính phủ phải tự thay đổi chính sách, đi vào doanh nghiệp chứ không phải đi vào nhóm lợi ích…
Việc Chính phủ bổ sung các doanh nhân vào tổ tư vấn kinh tế cho Thủ Tướng thể hiện thông điệp quan trọng của Chính phủ hướng kinh tế tư nhân, coi đây là mũi nhọn của kinh tế. Gióng lên tiếng chuông như thế để các bộ, ngành hiểu phải ủng hộ nền kinh tế tư nhân. Nếu không coi đó là mũi nhọn thì không thể nhìn ra vấn đề. Tất nhiên sau đó thực hiện thế nào là vai trò của chính phủ.
Theo ông, làm thế nào để hiện thực hóa chiến lược mũi nhọn phát triển nông nghiệp và du lịch?
Ông Nguyễn Lâm Viên: Đất nước mình từ xưa giờ muốn phát triển, đi ra thế giới đều nhờ khai thác thế mạnh cốt lõi là nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, đó là cơ hội để chúng ta theo kịp thế giới. Còn nói chúng ta làm công nghiệp nặng được thì chẳng ai tin.
Tất nhiên để có nền nông nghiệp bền vững và du lịch bền vững thì còn nhiều chuyện phải làm.
Trong nông nghiệp, vấn đề bàn cãi nhất là … đất đâu mà làm? Dòm tới dòm lui toàn của Nhà nước, đất tư nhân biến thành BĐS, sân golf hết trơn rồi, vì rủi ro làm nông nghiệp quá lớn. Chúng ta bị vướng vào chuyện đất đai nhiều năm nay rồi không có lời giải
Tôi vẫn nghĩ quan trọng Nhà nước có dám công nghiệp hóa nông nghiệp hay không? Việt Nam làm rất tốt những khu công nghiệp cho FDI thuê mướn, trong khi nhiều doanh nghiệp phát triển công nghiệp không bền vững. Tại sao Nhà nước không làm các khu nông nghiệp công nghệ cao cho người Việt Nam làm nông nghiệp, du lịch bền vững thuê mướn?
Khu U Minh Thượng, U Minh Hạ , những khu rừng ngập mặn đều là đất sạch của Chính phủ, những khu đất sạch ngay tại Bình Phước, Long An vẫn còn, cả những vùng đất phèn… tại sao Nhà nước không rửa phèn, cho nông dân thuê đất. Công việc hạ tầng đất đai chính phủ làm là tốt nhất, giống như ngày xưa ông địa chủ lo đất rất tốt để các tá điền thuê trả bằng lúa… Chính phủ làm y chang vậy đi…
Nếu nhà nước bãi bỏ chính sách hạn điền, doanh nhân phải là “địa chủ “hùng mạnh, còn không chẳng tài nào làm được. Nhưng rất tiếc bao nhiêu năm qua chúng ta không chịu thừa nhận những ưu điểm của người địa chủ ngày xưa, như lo đất, lo giống tốt cho tá điền. Nhà nước, chính quyền địa phương phải tiên phong như ông địa chủ, giống như chính quyền Đồng Tháp cho anh Võ Văn Tiếng thuê đất vậy. Thay vì cho một người, phải cho mọi người muốn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhào vô vùng đất này. Chính phủ không làm điều đó thì chẳng ai có thể làm được
Còn tư nhân nằm trong khu công nghệ cao thì bao giờ cũng ham lợi nhuận. KCN công nghệ cao ở Bình Dương dòm vô là thấy toàn Trung Quốc. Đau một cái là họ được miễn lợi tức, miễn thuế, lại được cấp hóa đơn đỏ luôn thì có sợ ai đâu…
Chính phủ đôi khi sai lầm về định nghĩa khu công nghiệp công nghệ cao (trong nông nghiệp). Các khu công nghiệp công nghệ cao hiện nay đang bị rối ren, tích tụ đất không hợp pháp, chủ là ông doanh nghiệp nào đó lấy đất cho mướn dưới danh nghĩa liên doanh. Ai là người được mướn? Người mang tiền cho họ thôi. Doanh nhân chưa chắc có cửa, vì cho nước ngoài thuê an toàn hơn, tiền bạc sòng phẳng hơn…
Sai cực kỳ nguy hiểm là họ hoàn toàn được miễn VAT, miễn lợi tức. Trong khi các doanh nghiệp bên ngoài thì vướng vào điều này, không được miễn gì cả.
Ông có lo ngại nhiều không khi xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện nay của nhiều đại gia nông nghiệp vẫn đề cao công nghệ Israel?
Ông Nguyễn Lâm Viên: Sai lầm, vì Israel không có đất, không có nước, nên phải sử dụng nông nghiệp hóa học. Kiểm soát trong điều kiện nhân tạo hoàn toàn, từ dinh dưỡng, đời sống, không thể xem là nông nghiệp bền vững được, chỉ là nông nghiệp an ninh lương thực thôi. Nếu thế thì Việt Nam mình làm giỏi gấp mấy lần.
Năm ngoái, con số tiêu dùng thực phẩm tốt cho sức khỏe chỉ vài chục tỷ đồng, năm nay lên trên 130 tỷ đồng/tháng, đó là sản phẩm chưa thực sự đúng hữu cơ, mặc dù không hẳn sản phẩm Việt Nam, nhưng người Việt Nam khao khát mua sắm, đó là thị trường các đại gia quan tâm thôi.
Chợ đang bị đẩy lùi vì truyền thông cho rằng thực phẩm ở chợ không tốt cho sức khỏe. Câu chuyện anh Huỳnh Văn Thòn ở Tập đoàn Lộc Trời hiện nay đang vướng là thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nên anh ấy phải kiếm người khác vô để tạo dựng hình ảnh nông nghiệp sạch, tạo thiện cảm hơn, nếu không sẽ bị tẩy chay, bị đẩy lùi.
Trong bối cảnh rau quả hóa học công nghệ cao vẫn được trồng và bán ngay trong các siêu thị, sản phẩm hữu cơ có chật vật để cạnh tranh?
Ông Nguyễn Lâm Viên: Bản thân organic không thể bùng phát theo quy mô lớn được. Nông nghiệp hữu cơ xuất phát từ những trang trại nhỏ kết nối thành trang trại lớn, gắn với các vùng nội ô, không thể quá xa đô thị. Ai chứng minh những thứ trên bàn ăn là làm thực làm đàng hoàng? Muốn thế người đó phải có quyết tâm rất cao, chứ không thể nói như Vinamilk là làm hữu cơ được. Vinamilk có thể nhập từ bên ngoài thì được, nhưng nói trong nước tạo nguồn sữa hữu cơ là sai rồi, vì môi trường làm nông nghiệp hữu cơ không dễ, phải có sự góp sức của người dân, của chính phủ mới có được nguồn sữa hữu cơ.
Vài trăm con bò mới chuyển đổi thì làm sao gọi là trang trại sữa hữu cơ từ nông trại? Nói thế là sai với người tiêu dùng. Nhưng có thể nhập sữa tươi của Mỹ, của Úc cũng được, chứ đừng lấy sữa hoàn nguyên pha rồi nói đó là sữa tươi hữu cơ!
Vậy thì tương lai người Việt được dùng sản phẩm hữu cơ… còn xa?
Ông Nguyễn Lâm Viên: Không xa đâu, nếu phương pháp hữu cơ được nhà nước hỗ trợ. Khi chính phủ quyết tâm nông nghiệp công nghệ cao là nông nghiệp hữu cơ, đặt chỉ tiêu phân bón, dinh dưỡng đều hữu cơ thì hai, ba năm sau chúng ta sẽ có sản phẩm hữu cơ. Còn đưa ra chỉ tiêu “giảm hóa học” thì làm sao phát triển hữu cơ? Một là quyết định hóa học, hai là hữu cơ, còn đứng hàng hai thì làm sao có được.
Cổ súy quyết liệt cho canh tác hữu cơ, có bao giờ ông bị làm khó?
Ông Nguyễn Lâm Viên: Không ai có thể cấm tôi nói thật được. Tôi làm trùn quế để bón cho cây, nguyên tắc khi thủy phân tốt nhưng đạm không thể cao được. Còn nếu đẩy lên 5% bằng phân urê thì làm sao nói phân hữu cơ? Khi tôi phản ứng điều này, cũng có bạn nói tôi đó là quy định của nhà nước. Làm vậy là trùn quế vứt đi rồi, vì vi sinh vật trong đó chết chắc, biến thành urê rồi còn đâu. Chuyện 50-50 đó rất nhiều.
Ngay chính tôi cũng đau đầu vì chuyện đó, mùa mưa xuống sâu bệnh tấn công ầm ầm thấy rau quả tang thương lắm, ai chẳng xót ruột, nhưng không thể dùng phân hóa học, mà phải trùm mền cho cây, hoặc chấp nhận mất sạch để mùa sau gầy lại, quan trọng là phải dũng cảm. Nhưng nhiều nông dân không chịu chấp nhận cả vườn cây sáng mai úa sạch vì sâu bệnh, nên họ lại phun thuốc. Chính phủ mình không khuyến khích, người dân thì thiếu dũng cảm, không như nông dân Nhật Bản, nên nông nghiệp hữu cơ khó phát triển được.
Với riêng Vinamit, anh giải bài toán này thế nào?
Ông Nguyễn Lâm Viên: Vinamit bền vững nhờ gắn việc vừa canh tác, vừa bảo quản chế biến, chứ không ảnh hưởng bởi thị trường. Ví dụ mùa mưa nhiều sâu bệnh, trái chuối bị đốm nhiều hơn thì mang vào chế biến, tới mùa khô trái đẹp thì mang ra bán thị trường.
Phương pháp canh tác hữu cơ rất cần sự đồng cảm của người tiêu dùng với người canh tác, trái cây có đốm đen, lá cây có lủng một chút cũng không sao. Nhưng khổ nỗi xu hướng người tiêu dùng vẫn thích ngoại hình đẹp, nhất là đồ tươi, đó là lý do trái cây ngoại vào đây bán rầm rầm, dù đó không phải hữu cơ. Canh tác hữa cơ mùa mưa bị bọ, ruồi từ trong đất ra, mưa xuống sinh sôi nảy nở, nếu không có chế biến bảo quan song hành để gồng gánh thì canh tác mùa mưa sẽ bị thất bại hoàn toàn, vì tránh không khỏi sâu bệnh. Còn phun thuốc là thua rồi.
Diện tích canh tác của Vinamit khoảng 170 hecta. Tôi đang liên kết với rất nhiều các vườn mít, chuối, xoài, khoai lang, dứa… của nông dân, chuyển giao canh tác, cung cấp phân bón vi sinh… Tập trung chủ lực vẫn là xuất khẩu, dự kiến Tết này có thể tham gia vào thị trường trong nước với thực phẩm tươi trước như chuối, dứa, mít organic. Hai nhà máy chế biến bảo quản ở Bình Dương và Kiên Giang đang chạy hết công suất, hiện đang xây dựng nhà máy mới ở Đắc Lắc.
Bên cạnh đó tôi còn tấn công sang Lào, đất đai ở Lào rất tốt, không cần bón phân mà cây vẫn phát triển. Nếu triển khai thuận lợi thì dần dần Vinamit sẽ chuyển hết trồng mít sang Lào.
Theo ông, làm thế nào để khai thác tài nguyên bản địa?
Ông Nguyễn Lâm Viên: Xuất khẩu Việt Nam chủ yếu từ nông sản, thủy sản. Chúng ta có quyền tự hào về đặc sản bản địa, thế giới cũng rất quý sản phẩm bản địa Việt Nam như tiêu, gạo, điều, cà phê… hương vị rất độc đáo, thậm chí nước ngoài còn đặt nhà máy ở Việt Nam để sản xuất tiêu bột. Cà phê Robutsa Việt Nam đứng thứ hai thế giới. Thủy sản làm chấn động nước Mỹ nhờ cá basa, khám phá mới mà người nước ngoài rất thích là xoài Việt Nam, vị hoàn toàn khác so với xoài Thái. Các sản phẩm hải sản đông lạnh sau chế biến như chả giò, chả tôm, các loại rau củ quả cũng mang lại doanh số cao. Đó là nguồn tài nguyên phong phú, mang tính đại trà của đất nước nông nghiệp. Ngoài ra còn có những sản phẩm mang tính đặc thù như hạt ngọc trai. Mặc dù chúng ta chưa có quy hoạch canh tác đàng hoàng, nhưng chất lượng, sản lượng vẫn tốt.
Tuy nhiên, chúng ta chưa đưa vào sức mạnh công nghệ, nhất là công nghệ bảo quản, chế biến. Nếu chính phủ có động thái khuyến khích ưu đãi cho đầu tư chế biến thì nông nghiệp phát triển mạnh nhiều năm nay rồi. Hơn nữa, người kinh doanh khi bán ra thị trường phải được trả lại thuế VAT chứ, đằng này lại coi họ như một … lái buôn.
Tổng VAT phải đóng một năm của Vinamit là 800 tỷ, doanh nghiệp phải đóng thay cho nông dân 10% là 80 tỷ. Tôi nói điều này 20 năm nay rồi, doanh nghiệp làm sao có hóa đơn đầu vào để thanh toán vì mua của nông dân mà. Nội câu chuyện đó để thấy chính phủ phải ủng hộ nông nghiệp chế biến, ưu tiên cho doanh nghiệp chế biến thuế VAT.
Quan sát các bạn khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ ở các tỉnh ĐBSCL, ông đánh giá thế nào về lực lượng trẻ này?
Ông Nguyễn Lâm Viên: Các bạn ào ào tham gia, nhưng chưa hiểu đúng về nông nghiệp hữu cơ, phải có khả năng, sự dũng cảm, kiên định. Canh tác các loại trái cây bẩm sinh organic như chuối, mít thì được, còn chăn nuôi muốn làm hữu cơ rất khắc nghiệt, sinh sản tự nhiên phức tạp lắm, hiệu suất không cao, đầy rủi ro… mới khởi nghiệp sẽ không chịu nổi thách thức đó.
Nhưng nếu các bạn quyết tâm theo nó, đi từng bước nhỏ, có người hướng dẫn thì vài ba năm nữa câu chuyện hữu cơ sẽ diễn biến khác hẳn. Giống như trước đây năm năm, khi tôi nói hữu cơ, vi sinh, mọi người trố mắt nhìn, còn bây giờ thì ai cũng hiểu rồi. Năm năm sau tình hình sẽ khác, hy vọng mình làm thành công, người ta sẽ truyền miệng nhau, để tạo ra những thương hiệu hữu cơ Việt Nam.
Chính phủ đã lắng nghe, chịu lập ra tổ kinh tế tư nhân, tôi cho đó là bước chuyển hóa tất cả bộ máy công quyền, nhất là Bộ Nông nghiệp sẽ thay đổi. Nông nghiệp sẽ có chuyển động tích cực hơn, còn nhóm lợi ích hay không tôi không quan tâm, vì tất nhiên là có nhóm lợi ích rồi.
Thay đổi đầu tiên mọi người mong chờ là thay đổi hạn điền. Người canh tác bền vững thì đất đai phải là của người ta để nhiều đời có thể canh tác bền vững. Nếu sợ rắc rối thì chính phủ phải là ông địa chủ lớn để nông dân có thể thuê lại đất, để nền nông nghiệp có thể sáng sủa hơn. Nếu Nhà nước gom được 5 ngàn hecta đất, ngàn hecta cho khởi nghiệp, ngàn hecta cho nước ngoài, còn lại ưu tiên cho canh tác hữu cơ, sẽ tạo ra một trường học thực tế ứng dụng liền, đâu cần gì phải suy nghĩ sâu xa.
Chỉ cần một tỉnh làm thí điểm thành công sẽ lan rộng sang các tỉnh khác, nhưng tỉnh phải quản chặt chẽ thì mới làm được, chứ không các thành phần khác nhảy vô chiếm đất thì doanh nghiệp cũng thua.
Chủ tịch Vinamit: Chúng ta đang hiểu sai về nông nghiệp công nghệ cao
Chủ tịch Vinamit: Chúng ta đang hiểu sai về nông nghiệp công nghệ cao
Đề cập đến những nghịch lý, hiểu lầm nghiêm trọng về nông nghiệp công nghệ cao, ông Viên cho biết, nông nghiệp Việt Nam đang có nhiều vấn đề.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nền giáo dục hạnh phúc tạo ra cộng đồng hạnh phúc
Trọng tâm của giáo dục đang thay đổi, theo Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo, hướng tới phát triển con người biết sống hạnh phúc, tạo ra hạnh phúc cho mình và cộng đồng.
Chúng ta đã đi bao xa trên con đường phát triển bền vững
Có lẽ đã đến lúc thay đổi góc nhìn về triển vọng và thực tiễn của sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Kiến tạo nền quản trị hiện đại: Nền móng vững chắc cho khát vọng vươn mình
Xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, linh hoạt chính là nền móng để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam.
Luật Nhà giáo: Chuyển đổi từ quản lý sang quản trị
Luật Nhà giáo được xây dựng với quan điểm mới chuyển từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực để phát triển toàn diện lực lượng nhà giáo.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội lớn hay thách thức vượt tầm doanh nghiệp Việt?
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Là đối tác chiến lược toàn diện: Thương mại Việt Nam - Malaysia có cất cánh?
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nền giáo dục hạnh phúc tạo ra cộng đồng hạnh phúc
Trọng tâm của giáo dục đang thay đổi, theo Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo, hướng tới phát triển con người biết sống hạnh phúc, tạo ra hạnh phúc cho mình và cộng đồng.
Gen Z: Làn gió mới của thị trường bất động sản và cách hoá giải thách thức quản trị
Thấu hiểu con người và tâm tư của nhân sự trẻ để tạo môi trường giúp họ phát huy tối đa tiềm năng là chìa khóa giúp doanh nghiệp vươn xa.
Bộ quy tắc đạo đức mới quyết định tương lai môi giới bất động sản
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản vừa được công bố đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng ngành môi giới chuyên nghiệp, bền vững.
Nhiều đổi mới ở Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII
Giải thưởng Sách Quốc gia, sự kiện văn hóa thường niên khởi xướng từ năm 2017, đã lan tỏa tri thức và giá trị văn hóa đến với độc giả.
Điểm mới của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung quy định thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế mới, tạo tác động lớn đến doanh nghiệp.
Vingroup và PV Power hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh
Vingroup và PV Power ký thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy hệ thống điện mặt trời áp mái.