Chuyên gia hiến kế cho du lịch Ninh Thuận

Quỳnh Như - 19:55, 07/09/2018

TheLEADERCác chuyên gia về du lịch cho rằng, Ninh Thuận nên phát triển du lịch từ từ theo 3 hướng chính: sản phẩm khác biệt, đa dạng nguồn khách và tập trung phân khúc hạng sang.

Chuyên gia hiến kế cho du lịch Ninh Thuận
Resort 6 sao Amanoi, niềm tự hào của tỉnh Ninh Thuận

Ninh Thuận có nhiều tiềm năng trở thành một vùng đất hứa mới đối với khách du lịch với nguồn tài nguyên du lịch biển, môi trường sinh thái độc đáo và chưa bị đô thị hoá nhiều nhất là trong bối cảnh các thủ phủ du lịch biển ở vùng Nam Trung Bộ như Nha Trang, Phan Thiết có dấu hiệu quá tải với sự gia tăng ào ạt của khách Nga và Trung Quốc. 

Nhận thấy cơ cơ hội để ngành du lịch cất cánh, Ninh Thuận đang ra sức xúc tiến quảng bá và đầu tư khắp trong ngoài nước, chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, Ninh Thuận đã liên tiếp tổ chức 2 Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch quy mô lớn ở Hà Nội và TP. HCM, thu hút sự quan tâm lớn. 

Trong Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Thuận ở TP. HCM ngày 7/9, các chuyên gia về du lịch cho rằng, có nhiều cách để đưa du lịch Ninh Thuận nhanh chóng bắt kịp khu vực và thế giới, tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh không được nóng vội, phát triển du lịch theo kiểu “bầy đàn”. 

Chìa khóa là sản phẩm khác biệt

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nhìn nhận: “Ninh Thuận có tự nhiên hấp dẫn, môi trường trong lành, văn hóa đặc sắc, xã hội thân thiện và an toàn nhưng chỉ cần xét trong bình diện Việt Nam, những đặc điểm trên nhiều địa phương cũng có. 

Muốn có thể cạnh tranh với Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt… Ninh Thuận phải biết biến tài nguyên thành những sản phẩm khác biệt. Điều này không chỉ bản thân tôi nghiệm ra sau 20 năm nghiên cứu mà ngành du lịch Việt Nam cũng đã nêu lên, khi dựa vào sản phẩm đặc thù là một trong 3 tiêu chí cần có bên cạnh khả năng tiếp cận và độ an toàn”. 

Theo ông Lương, sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận có rất nhiều, không kể những thứ mà ai cũng biết như nho, cừu: Đó là hệ sinh thái khô hạn độc đáo nhất Việt Nam, trong 34 vườn quốc gia trên cả nước, duy nhất Núi Chúa có hệ sinh thái khô hạn; đó có thể là săn bắn động vật bán hoang dã, động vật được nuôi nhốt trong một khu vực nhất định để du khách có thể đi săn - đây là một dịch vụ đang rất được ưa chuộng trên thế giới. Ở Việt Nam, chỉ có 3 nơi có thể quan sát rùa biển đẻ tự nhiên trong đó có vườn quốc gia Núi Chúa.

Ninh Thuận là 1 trong 18 điểm trên thế giới có hiện tượng nước trồi - khi dòng nước lạnh, nhiều dinh dưỡng và đặc quánh di chuyển từ phía sâu lên vùng nước nông, thay thế cho dòng nước nóng hơn. 

Tỉnh có thể quy hoạch khu vực hải đăng Mũi Dinh trở thành một ngư trường đặc biệt, có thể cung cấp thủy hải sản ngon nhất cho du khách.

Ngoài ra, di sản văn hóa Chăm cũng là thứ có thể làm nên thành công của du lịch Ninh Thuận nếu biết cách khai thác hiệu quả. Trong các tỉnh thành, Ninh Thuận là vùng đất có nền văn hoá Chăm đậm đặc và sâu sắc nhất do người Chăm vẫn còn sinh hoạt hằng ngày bên cạnh công trình của cha ông. Văn hóa Chăm ở Ninh Thuận hiện có 2 di sản đã được khai thác: lễ hội Kate và gốm Bàu Trúc.

Nhắm đến phân khúc hạng sang từ nhiều nước khác nhau

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, Ninh Thuận nên hướng tới phân khách hạng sang và nên đa dạng hoá tệp quốc tịch khách quốc tế.

“Du lịch Việt Nam không nên chỉ tính thành tích bằng số lượng người đến mà phải bằng số tiền mỗi du khách tiêu dùng khi đi du lịch. Thế nên, Ninh Thuận không nên phát triển theo kiểu a dua chạy theo số lượng mà nên tập trung vào phân khúc cao cấp, vừa đỡ mệt mỏi khi phục vụ vừa thu được nhiều tiền.

Amanoi Resort là một ví dụ tiêu biểu, trong resort này phòng villa có giá trên 100 triệu đồng, như vậy, chỉ cần phục vụ cho vài người thì số tiền Amanoi thu được cũng bằng một khách sạn 3 sao phục vụ cả 100 người. Sắp tới, nếu các nhà đầu tư ở Ninh Thuận muốn xây resort, hãy xây hẳn resort cao cấp, yên bình, đẹp đẽ và sang trọng”, ông Bình đề nghị.

3 kim chỉ nam cho phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận: Khác biệt, đa dạng và đẳng cấp
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Theo ông Bình, Ninh Thuận cũng đừng quá chú trọng đến bất cứ thị trường nào kể cả Trung Quốc. Mỗi năm có 86 triệu người Mỹ đi du lịch, Nhật Bản khoảng 17 - 20 triệu, Hàn Quốc và Nga cũng rất nhiều, hãy đa dạng hóa tệp khách hàng quốc tế, cân bằng mới có thể phát triển bền vững.

Tách biệt để đầu tư phù hợp với dòng khách cũng rất quan trọng, khách nước ngoài đến Việt Nam thích ngắm biển, ngắm núi, khám phá văn hoá; du lịch theo chiều sâu. Còn du khách nội địa muốn nghỉ dưỡng, tắm biển, thưởng thức ăn uống và mua sắm.

“Sau 5 năm nữa, Việt Nam có thể không còn tài nguyên du lịch. Hiện tại, Ninh Thuận và Phú Yên là hai tỉnh duy nhất còn tài nguyên biển. Thế nên, tỉnh hãy cứ thư thả, phát triển từ từ, đừng quá vội vàng đầu tư ồ ạt ở biển. Là người đi sau, Ninh Thuận hãy biết tránh những vết xe đổ của người đi trước, cẩn thận trong việc quy hoạch và lựa chọn nhà đầu tư”, ông Bình khuyến nghị.

Đồng quan điểm với ông Bình, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng mong Ninh Thuận đừng phát triển cấp tập như Nha Trang hay Phú Quốc. “Ai làm gì tôi không biết nhưng để người dân không còn lối xuống biển là không thể chấp nhận được”, ông Lịch nói.