Cơ chế đặc thù cho Đà Lạt không còn đặc thù

Nguyễn Cảnh - 16:57, 12/06/2022

TheLEADERSau 7 năm triển khai chính sách đặc thù phát triển Đà Lạt (theo Quyết định của Thủ tướng), tỉnh Lâm Đồng cho biết hầu hết các nội dung liên quan đã không còn tính chất… đặc thù.

Cơ chế đặc thù cho Đà Lạt không còn đặc thù
Tỉnh Lâm Đồng xin cơ chế ‘trao quyền’ cho tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng để thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh.

Trong quá trình thực hiện Quyết định 1528 ngày 3/9/2015 của Thủ tướng ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Lạt, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng nhận định hầu hết các cơ chế đến nay không còn tính chất đặc thù do bị chi phối bởi pháp luật hiện hành.

Mặt khác, các cơ chế đưa ra là chưa đủ mạnh, hiệu quả thực hiện còn rất thấp, ít phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Minh chứng cho điều này, là kết quả cụ thể khi áp dụng các cơ chế liên quan.

Thứ nhất, hiện tại ghi nhận 21 dự án bất động sản thuộc danh mục thực hiện theo cơ chế đặc thù (14 dự án đang triển khai thực hiện được phép chuyển nhượng, 7 dự án kêu gọi đầu tư mới). Tuy nhiên, cơ chế này chưa đủ sức thu hút để tạo đột phá đối với thị trường bất động sản tại TP. Đà Lạt và vùng phụ cận.

Nguyên nhân chủ yếu là nhiều dự án triển khai bị chậm tiến độ do vướng mắc trong chuẩn bị đầu tư (bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch…), dẫn đến không thể hoàn thành hạ tầng để chuyển nhượng cho đối tượng khác theo cơ chế đặc thù.

Đối với các dự án bất động sản mới, kêu gọi đầu tư, tình hình thu hút đầu tư cũng rất hạn chế. Lý do, theo Sở Kế hoạch và đầu tư, là việc xây dựng và công bố danh mục các dự án cũng chỉ ở bước công bố sơ bộ về thông tin dự án, chưa có quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Việc này dẫn đến chưa đủ cơ sở để lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư trước khi tiến hành tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Đến nay, trong danh mục dự án bất động sản mới, kêu gọi đầu tư chỉ thu hút được 1/7 trường hợp nhưng cũng không thể triển khai đầu tư hạ tầng do vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Về ưu đãi đối với nhà đầu tư tham gia đầu tư tại TP. Đà Lạt (quy định tại khoản 3, điều 1, quyết định 1528/QĐ-TTg), UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất xem xét, quyết định việc miễn tiền thuê đất đối với các dự án khu du lịch quốc gia và khu du lịch trọng điểm của thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế vẫn rất khiêm tốn.

Cụ thể, sau khi được công nhận là Khu du lịch quốc gia và tiếp nhận cơ chế miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của các dự án trong khu du lịch từ năm 2017, Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm hiện có 35 nhà đầu tư triển khai thực hiện 37 dự án. Tuy nhiên, từ 2017 đến nay, chưa có dự án nào trong Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm được hưởng ưu đãi theo cơ chế đặc thù này.

Theo cơ chế đặc thù, tỉnh Lâm Đồng được ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách trung ương để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm phát triển TP. Đà Lạt; được ưu tiên vay vốn ODA để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của TP. Đà Lạt.

Theo đó, tỉnh đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị bố trí vốn để thực hiện một số công trình trọng điểm phát triển thành phố Đà Lạt với tổng số vốn đề nghị khoảng 19.700 tỷ đồng cho 21 dự án. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 2 dự án được ưu tiên bố trí vốn để triển khai thực hiện và 2 dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, địa phương cho biết cũng gặp khó khăn về nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương.

Theo Quyết định 1528, tỉnh Lâm Đồng được “ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện các công trình dự án trọng điểm phát triển thành phố Đà Lạt; đề xuất cơ chế đầu tư để sớm triển khai một số dự án hạ tầng quan trọng có tính chất đối ngoại, liên kết với các vùng khác”.

Để được hưởng chính sách đặc thù nêu trên, tỉnh cho biết đã có nhiều văn bản đề nghị Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành Trung ương quan tâm, ưu tiên bố trí vốn để triển khai thực hiện công trình trọng điểm của của Đà Lạt và của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, đến nay hầu hết các dự án đầu tư vẫn chưa thực hiện được do chưa được Trung ương bố trí vốn.

Từ thực tế trên, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị với Thủ tướng cho phép xây dựng nội dung điều chỉnh một số cơ chế, chính sách đặc thù tại Quyết định 1528 cho thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng thời, bổ sung một số chính sách đặc thù đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP. Đà Lạt và vùng phụ cận. Xây dựng cơ chế ‘trao quyền’ cho tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng để thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh.

Một cơ chế đặc thù nêu tại Quyết định 1528 là ‘được Trung ương đầu tư hoặc đưa vào danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư của Trung ương; đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng được trực tiếp kêu gọi đầu tư đối với các công trình, dự án quan trọng thuộc lĩnh vực môi trường, các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, Khu du lịch quốc gia và Khu du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Khu công nghệ sinh học và nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt, Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Lạt’.

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, đến nay, tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa có dự án ‘được Trung ương đầu tư hoặc đưa vào danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư của Trung ương’; trong khi đó cơ chế cho phép “UBND tỉnh được trực tiếp kêu gọi đầu tư đối với các công trình, dự án quan trọng thuộc lĩnh vực môi trường, các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, Khu du lịch quốc gia và Khu du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Khu công nghệ sinh học và Nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt, Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Lạt” chưa thực hiện được do còn có cách hiểu khác nhau về cơ chế này.

Để tăng tính chủ động cho tỉnh Lâm Đồng trong kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư đi kèm với việc quyết định đầu tư thì cần thiết bổ sung cơ chế đặc thù về phân cấp, ủy quyền cho tỉnh quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.