Cơ hội nào cho Thủ đô trong ngành công nghiệp bán dẫn
Hoàng Đông
Thứ sáu, 02/08/2024 - 11:22
Hà Nội sở hữu nhiều thế mạnh để thu hút các ông lớn bán dẫn toàn cầu nhưng chưa thực sự biến những tiềm năng trở thành cơ hội.
Là Thủ đô, trung tâm văn hóa, chính trị và là một trong những đầu tàu kinh tế của đất nước, thành phố Hà Nội sở hữu nhiều thế mạnh trong thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghệ, chẳng hạn như vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng phát triển, sở hữu lực lượng lao động có tay nghề, trình độ cao.
Tuy nhiên, bán dẫn không phải là cơ hội dành riêng cho Việt Nam mà dần trở thành một cuộc đua toàn cầu. PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận xét, nếu Hà Nội không có những chính sách riêng mang tính đột phá, rất khó để có thể tận dụng được tiềm năng và cơ hội trong cuộc đua bán dẫn.
Tính đến hiện tại, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng thông tin, thành phố vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, dù đang rất tích cực triển khai các hoạt động nhằm định hình khuôn khổ chính sách, khung pháp lý thúc đẩy ngành công nghiệp này trên địa bàn.
GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đánh giá, Hà Nội vẫn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, xuất phát từ một số nguyên nhân như chậm trong tư duy và hành động, chậm đổi mới mô hình tăng trưởng, chưa có sự cải thiện hiệu quả tính phối hợp giữa chính quyền với các bộ, ngành trung ương và các đơn vị nghiên cứu.
Hệ quả, tăng trưởng kinh tế của thành phố thấp hơn bình quân cả nước, chỉ đạt 6% trong nửa đầu năm 2024, thu hút vốn FDI cũng bắt đầu có dấu hiệu giảm tốc.
Để hóa giải những thách thức, tận dụng thời cơ, tại tọa đàm Tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư nước ngoài công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội, ông Mại đề xuất bốn giải pháp cho Thủ đô.
Thứ nhất, Hà Nội cần chủ động xây dựng danh mục các dự án và chính sách đầu tư, bao gồm nhưng không giới hạn ở lĩnh vực bán dẫn mà mở rộng ra những lĩnh vực bổ sung và có liên quan mật thiết như trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối (blockchain), giáo dục đào tạo chất lượng cao.
Điều này giúp Hà Nội có thể tận dụng một cách tối đa cơ hội ngành công nghiệp bán dẫn đem lại trong thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội.
Thứ hai, đề xuất cơ quan trung ương dành ưu tiên một số dự án phù hợp với điều kiện cũng như định hướng phát triển của Hà Nội để giúp thành phố tiếp cận nhanh, hiệu quả hơn với nhà đầu tư, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng cải tiến, nâng cao hiệu quả, đặc biệt chú ý đến mời gọi sự tham gia của lãnh đạo cấp cao các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, thay vì chỉ tổ chức những chương trình quảng bá, giới thiệu chính sách với thành phần là chuyên gia, nhân sự cấp dưới.
Theo ông Mại, Hà Nội có thể làm việc với các lãnh đạo cấp cao trực tiếp hoặc trực tuyến để nhanh chóng đạt được thỏa thuận cơ bản trước khi đàm phán chính thức. Có như vậy, các thủ tục thẩm định, cấp giấy phép, các giải pháp hỗ trợ sẽ được đẩy nhanh hơn.
Cuối cùng, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tích hợp các xu thế mới của toàn cầu bao gồm kinh tế tuần hoàn và kinh tế số.
Còn theo ông Thiên, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần phải trao quyền, tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn. Trong đó, cần lưu tâm đến những lĩnh vực còn thiếu trong hệ sinh thái bán dẫn toàn diện.
Chẳng hạn, trong trung hạn, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm về thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn tầm cỡ khu vực nhưng còn thiếu một số khâu cơ bản như công nghệ, nhân lực, dữ liệu, năng lượng… Đây là khoảng trống để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển, từ đó hình thành năng lực cạnh tranh cho cuộc chơi thu hút đầu tư ngành bán dẫn.
Việc áp dụng cơ chế đặc thù theo nghị quyết mới sẽ giúp Đà Nẵng trở thành điểm nóng thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, đưa thành phố trở thành trung tâm công nghệ cao mới của Việt Nam.
Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh bán dẫn đang là một điểm nghẽn lớn trong việc thu hút các tập đoàn công nghệ chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.
Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về trữ lượng đất hiếm phục vụ cho công nghiệp bán dẫn, chỉ sau Trung Quốc. Đây là một trong những lợi thế lớn của Việt Nam trong xu hướng mới của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Để đạt mục tiêu đào tạo 50-100 nghìn kỹ sư bán dẫn trong thời gian ngắn nhất, Thủ tướng cho rằng vừa cần giải pháp tiệm tiến, vừa cần các giải pháp đột phá.
Tuần làm việc bốn ngày giúp người lao động cân bằng công việc – cuộc sống, giúp tăng năng suất lao động nhưng cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi các chính sách.
Menas Vietnam vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với SVD-Group, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc đưa các sản phẩm cao cấp từ Nga đến tay người tiêu dùng Việt.
Diễn đàn được kỳ vọng là nơi kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia và nhà môi giới để đánh giá toàn diện thị trường năm 2024, dự báo xu hướng và chiến lược phát triển cho năm 2025.
Vietnam Airlines và chuỗi khách sạn Wink Hotels vừa ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm mang đến trải nghiệm du lịch toàn diện, kết nối các chuyến bay với dịch vụ lưu trú cao cấp tại Việt Nam và quốc tế.