Diễn biến ngược chiều của thị trường văn phòng TP. HCM và Hà Nội

Phương Linh - 08:00, 25/07/2020

TheLEADERTrong khi phân khúc văn phòng tại TP. HCM nửa đầu năm 2020 vẫn hoạt động tốt với tỷ lệ trống thấp, giá thuê tăng theo năm thì tại Hà Nội, giá thuê văn phòng lại đang có xu hướng giảm.

Diễn biến ngược chiều của thị trường văn phòng TP. HCM và Hà Nội
Giá thuê văn phòng tại Hà Nội dự báo sẽ tiếp tục giảm

Theo bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại, Savills TP. HCM, phân khúc văn phòng tại thành phố này vẫn hoạt động tốt với tỷ lệ trống chỉ 5%.

Nguồn cung văn phòng cho thuê tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm bất chấp kinh tế trì trệ. Trong quý II/2020, thị trường có thêm 91.000m2 nguồn cung mới, tăng 15% theo năm, trong đó, 33% đến từ 4 dự án mới, một dự án hạng A gia nhập sau 3 năm, tổng nguồn cung đạt xấp xỉ 2,2 triệu m2.

Đến cuối 2022, thị trường văn phòng sẽ có 24 dự án mới với hơn 376.000m2. Nguồn cung tương lai tiếp tục khẳng định niềm tin của chủ đầu tư đối với thị trường này. Hơn 70% các dự án tương lai đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Cùng với nguồn cung tăng mạnh, tình hình hoạt động trên thị trường văn phòng TP. HCM vẫn duy trì sự tích cực trong nửa đầu năm với giá thuê tăng 4% theo năm và công suất trung bình cao ở mức 95%. Trong quý II, giá thuê tăng 1% theo quý và 4% theo năm, do nhiều diện tích thuộc phân khúc hạng B tăng giá sau thời gian dài lấp đầy. Hạng C trở thành phân khúc nhạy cảm nhất với trì trệ kinh tế, giá thuê giảm 0,4% theo quý.

Trong khi đó, tại thị trường văn phòng Hà Nội, giá thuê gộp trung bình giảm 1% theo quý và 1% theo năm. Phân khúc văn phòng hạng A duy trì ổn định trong khi hạng B và C ghi nhận sụt giảm chủ yếu tại các dự án có nhiều diện tích trống. Do các hợp đồng dài hạn đã được ký kết ở các quý trước, công suất thuê trung bình tăng nhẹ 1 điểm % theo quý và 1 điểm % theo năm.

Tổng nguồn cung đạt khoảng 1,8 triệu m2, ổn định theo quý và tăng 1% theo năm với hầu hết dự án nằm ở khu vực phía Tây. Hạng B chiếm thị phần lớn nhất với 47% và có tăng trưởng mạnh nhất với 2% theo năm và 6%/năm trong 5 năm qua. Hạng A chiếm thị phần lớn nhất với 25% và tăng trưởng yếu nhất với 1% theo năm và 2%/năm trong 5 năm qua.

Savills dự báo tỷ lệ trống tại phân khúc văn phòng sẽ gia tăng cùng giá thuê giảm do khách thuê tìm cách thắt chặt chi tiêu và xem xét lại cách thức làm việc tại văn phòng.

Theo đó, số liệu từ Savills cho biết, đến năm 2022, khoảng 258.000 m2 nguồn cung mới, chủ yếu thuộc hạng A, sẽ gia nhập thị trường. Nguồn cung ngày càng mở rộng ra ngoài trung tâm, còn khu vực trung tâm không ghi nhận dự án nào. 

Nguồn cung này cùng tâm lý thận trọng có thể khiến công suất thuê trung bình giảm trong hai năm tới. Giá thuê trung bình được dự báo sẽ giảm khoảng 2% trong năm 2020 nhưng hồi phục chậm vào năm 2021.

Bên cạnh đó, đại dịch đã định hình lại thị trường với các xu hướng mới. Khách thuê sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí văn phòng. Việc cho nhân viên làm việc từ xa đã được áp dụng nhiều hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ.

Lý giải nguyên nhân khiến phân khúc văn phòng tại TP. HCM vẫn phát triển tốt, bà Hồng Anh cho rằng, thị trường văn phòng chưa chịu tác động ngay lập tức bởi Covid-19. Với thời hạn thuê dài từ 3 - 5 năm, các dự án có công suất trên 90% có xu hướng duy trì chính sách thuê. Dự án sắp gia nhập thị trường với diện tích trống lớn sẽ áp dụng các ưu đãi để thu hút khách thuê. 

Suy thoái kinh tế sẽ tiếp tục tác động đến khách thuê và thách thức thị trường trong nửa cuối năm. Bên cạnh nguồn cung mới gia nhập, diện tích trống tăng lên sẽ thúc đẩy việc thương lượng các điều khoản thuê. 

Tuy nhiên, Savills cho rằng, Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Theo FocusEconomics, tăng trưởng GDP dự báo đạt 2,6% năm 2020, phục hồi ở mức 6,7%/năm giai đoạn 2021-2024. Với triển vọng tươi sáng trong dài hạn, Việt Nam vẫn là điểm đến tốt nhất khu vực Châu Á.

Tại Hà Nội, mặc dù hoạt động của phân khúc văn phòng gặp nhiều khó khăn trong quý II nhưng Savills vẫn dự báo triển vọng thị trường tốt trong thời gian tới. 

Theo đó, Hà Nội vẫn là điểm đến đầu tư an toàn và ổn định khi được chính phủ xác định là địa phương tiên phong trong hồi phục kinh tế sau dịch bệnh. Hà Nội đã thu hút 2,76 tỷ USD trong nửa đầu năm, 1,22 tỷ USD được cấp phép vào ngày 24 thángSáu năm 2020 trong khi 1,55 tỷ USD được cấp phép tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” được tổchức vào tháng Sáu.

Trong nửa đầu năm, Hà Nội ghi nhận khoảng 12.600 doanh nghiệp đăng ký mới, giảm 7% theo năm, với tổng vốn đăng ký đạt 175 nghìn tỷ VNĐ, hay 7,5 tỷ USD, tăng 5% theo năm.

Mặc dù GDP nửa đầu 2020 tăng trường khá thấp với mức 3,4% theo năm, triển vọng kinh tế duy trì tích cực. FocusEconomics dự báo tăng trưởng GDP đạt 2,6% trong năm 2020, cao hơn các quốc gia Đông Nam Á khác. Năm 2021- 2024 kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam hồi phục với mức 6,7%, tiếp tục dẫn trước các quốc gia trong khu vực với 3,3% - 6,5 phần trăm.