Điện gió trước ngưỡng cửa giá FIT

Nguyễn Cảnh - 10:29, 01/09/2021

TheLEADERPhương án tài chính, thu hồi vốn, cũng như trả nợ tại nhiều dự án điện gió có nguy cơ phá sản nếu lỡ thời hạn hưởng giá FIT (kịp vận hành thương mại trước 31/10/2021).

Điện gió trước ngưỡng cửa giá FIT
Các dự án điện gió không kịp vận hành thương mại trước 31/10/2021 sẽ không được hưởng biểu giá điện FIT ưu đãi trong 20 năm và có thể phải chuyển sang cơ chế đấu thầu giá.. Ảnh minh họa

Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/1/2019 của Bộ Công thương quy định: 90 ngày trước ngày vận hành thương mại, bên bán điện có trách nhiệm gửi bên mua điện dự thảo quy trình chạy thử nghiệm thu của nhà máy điện, chuẩn bị đề nghị công nhận ngày vận hành thương mại (COD).

Như vậy, để các dự án điện gió có thể đáp ứng điều kiện COD trước thời điểm 31/10/2021, chủ đầu tư các nhà máy điện gió phải gửi văn bản và hồ sơ theo quy định cho bên mua điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) muộn nhất vào 3/8/2021.

Theo số liệu cập nhật của EVN, đến hết 3/8, đã có tổng cộng 106 dự án điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận COD. Tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của các dự án này là 5.065,5MW. 

Tuy nhiên, tính đến ngày 22/7/2021 mới có 61 nhà máy điện gió với tổng công suất là 3487,8MW gửi công văn đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm theo đúng quy định trước 90 ngày. 25 nhà máy điện gió khác với tổng công suất là 1912,05MW không thể vận hành thương mại trước 31/10/2021.

Theo Quyết định 39/2018, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent/kWh (tương đương 2.223 đồng/kWh) và trên bờ là 8,5 cent/kWh (khoảng 1.927 đồng/kWh). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần/toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 31/10/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Các dự án không kịp vận hành thương mại trước ngày quy định sẽ không được hưởng biểu giá điện FIT ưu đãi trong 20 năm và có thể phải chuyển sang cơ chế đấu thầu giá điện. Hiện Bộ Công thương đang xây dựng cơ chế đấu thầu cho điện gió sau khi giá FIT hết hiệu lực. 

Được biết, trong hàng loạt bộ hồ sơ bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia của các dự án điện gió thời gian qua, yếu tố giá FIT đóng vai trò quyết định với phương án kinh doanh, lợi nhuận, thời gian trả nợ vay của chủ đầu tư.

Tâm thế thấp thỏm của giới phát triển điện gió đã từng xuất hiện từ cuối năm 2020 khi Bộ Công thương đề xuất Chính phủ giá FIT điện gió sau thời điểm 1/11/2021 có thể giảm từ 12-17% so với ban đầu.

Cụ thể, các dự án vận hành từ tháng 11/2021 đến hết năm 2022 sẽ áp dụng mức giá mua vào 7,02 cent/kWh cho điện gió mặt đất (giá FIT trước đó là 8,5 cent/kWh) và 8,47 cent/kWh cho điện gió ngoài khơi/gần bờ (giá FIT trước đó là 9,8 cent/kWh). Các dự án vận hành từ năm 2023 sẽ hưởng mức giá lần lượt 6,81 cent/kWh và 8,21 cent/kWh.

Trước nguy cơ lỡ hẹn hưởng biểu giá điện FIT, nhiều dự án điện gió ở các tỉnh Gia Lai, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Lâm Đồng đã đồng loạt cầu cứu tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương nhằm gia hạn thời gian áp dụng biểu giá FIT.

Đối chiếu với danh mục các dự án đã được phê duyệt vào quy hoạch điện quốc gia cũng như cấp chủ trương đầu tư, nhiều trường hợp có thể "lỡ hẹn" hưởng biểu giá điện FIT khi không xuất hiện trong 106 dự án gửi hồ sơ chạy thử nghiệm tới bên mua điện (EVN).

So sánh danh mục gửi hồ sơ nghiệm thu về EVN, có thể kể tới một số dự án quy mô lớn như: Điện gió Ea H’leo Đắk Lắk (huyện Ea H’leo, Đắk Lắk), điện gió tại xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, Đắk Nông), điện gió Thạnh Phú (huyện Thạnh Phú, Bến Tre), điện gió Đắk N’Drung 1 (Đăk Song, tỉnh Đắk Nông). Đây đều là những dự án trong bộ sưu tập điện gió mang dấu ấn đậm nét của Công ty TNHH Tài Tâm và doanh nhân Đỗ Lê Quân.

Tương tự, một số dự án do Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) phát triển cũng lỡ hẹn hưởng biểu giá điện FIT. Các dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng do các pháp nhân thuộc hệ sinh thái TTC thực hiện tại tỉnh Tiền Giang đều không xuất hiện trong danh mục gửi hồ sơ cho EVN như: Điện gió Tân Thành 247MW (gồm nhà máy Tân Thành 1,2,3) và điện gió Tân Điền (99MW) có tổng mức đầu tư gần 16.000 tỷ đồng; điện gió Tân Phú Đông 1 trị giá khoảng 4.400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tùy theo từng trường hợp (không thể phát điện đúng hẹn và hưởng giá điện FIT), mức độ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của nhà đầu tư cũng khác nhau. 

Đặc biệt, trong số đó, có một số dự án chủ đầu tư đã nhường quyền kiểm soát cho đối tác ngoại. Đơn cử như tại Đắk Nông, như TheLEADER đã thông tin, 3 nhà máy điện gió Đắk N’Drung (1,2,3) tại huyện Đăk Song (mỗi nhà máy có công suất 100MW) đều do liên danh Công ty CP đầu tư năng lượng Hưng Bắc (ông Đỗ Lê Quân làm tổng giám đốc) và Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Phương Bắc đầu tư. Tổng mức đầu tư của cả 3 nhà máy là 10.500 tỷ đồng. Từ nhiều tháng trước, Công ty TNHH Sungrow Power (thuộc sở hữu của Sungrow Power - một tập đoàn lớn có trụ sở tại Trung Quốc) đã trở thành cổ đông chiếm giữ 70% tại doanh nghiệp chủ đầu tư của 3 dự án nêu trên.

Ở trạng thái khác, dù đã trình hồ sơ chạy thử, đề nghị công nhận vận hành COD tới EVN, nhưng chủ đầu tư lại rơi vào cảnh "dở khóc, dở cười" vì không thể vận chuyển thiết bị tới dự án để lắp đặt, triển khai thi công. Đây là trường hợp của điện gió Cầu Đất trị giá khoảng 2.440 tỷ đồng (giai đoạn 1 khoảng 69MW vận hành vào tháng 6/2021, giai đoạn 2 mở rộng tới 300MW từ năm 2022, đặt tại TP. Đà Lạt, do Công ty CP Năng lượng tái tạo Đại Dương làm chủ đầu tư) – vừa bị tỉnh Lâm Đồng ra văn bản tuýt còi việc vận chuyển các thiết bị siêu trường siêu trọng phục vụ dự án nhằm đảm bảo phòng chống dịch….

Cũng thời gian này, may mắn hơn, 4 dự án điện gió tại Quảng Trị đã được địa phương hoãn thi công tuyến đường Khe Van - tuyến đường giao thông quan trọng nối 2 huyện biên giới của tỉnh Quảng Trị - để nhường đường vận chuyển thiết bị phục vụ thi công, nhằm kịp lắp đặt, vận hành trước mốc 31/10/2021. Trong số này có 3 dự án (Hướng Linh 3, Hướng Linh 4 và Hướng Hiệp 1) đều do các pháp nhân là các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Công ty CP Tập đoàn Tân Hoàn Cầu (ông Mai Văn Huế làm chủ tịch HĐQT).

Thông tư 02/2019/TT-BCT ngày 15/1/2019 của Bộ Công thương về Quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho dự án điện gió: trước 90 ngày trước ngày vận hành thương mại, bên bán điện có trách nhiệm gửi bên mua điện dự thảo quy trình chạy thử nghiệm thu của nhà máy điện phù hợp với các quy định hiện hành và các tiêu chuẩn công nghệ của nhà máy điện gió để hai bên thống nhất xác định ngày vận hành thương mại và tính toán sản lượng điện chạy thử nghiệm của nhà máy điện.

>>> Danh sách 106 dự án điện gió đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới thử nghiệm - theo dõi TẠI ĐÂY