Doanh nhân cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật

07:35, 13/10/2022
Phan Anh Vũ
Luật sư thành viên Indochine Counsel

Doanh nghiệp không có sai phạm, hoặc ít sai phạm, là những doanh nghiệp có nền tảng phát triển tốt, cơ sở xây dựng yếu tố kinh tế nội tại bền vững và nhận được sự ủng hộ của nhà nước và xã hội. Uy tín doanh nghiệp được ghi nhận trong nước sẽ là cơ hội gây dựng danh tiếng và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp trên trường quốc tế.

Trong thời gian gần đây, dư luận liên tục dậy sóng với những trường hợp doanh nghiệp lớn, đầu ngành bị cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý sai phạm. Hầu hết trường hợp xuất phát từ các sai phạm trong quá trình vận hành và hoạt động kinh doanh. 

Cùng với đó, đối tượng chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm phạm luật của doanh nghiệp không chỉ giới hạn ở bản thân doanh nghiệp mà còn bao gồm cả chủ doanh nghiệp.

Tinh thần thượng tôn pháp luật là nội dung quan trọng nhất cần được đề cao. Doanh nghiệp cần nhận thức được rằng “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”, vì thế, việc luồn lách pháp luật sẽ luôn bị phát hiện và có hệ quả pháp lý đi kèm. 

Nhận diện rủi ro pháp lý

Rủi ro pháp lý được hiểu theo nghĩa rộng là một sự kiện hoặc một khả năng xảy ra sự kiện gây ra tổn thất, tổn hại về mặt tài chính, danh tiếng cho doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp.

Rủi ro pháp lý hiện diện trong nhiều lĩnh vực, mặt hoạt động khác nhau của doanh nghiệp như trong hoạt động tài chính, tổ chức và quản lý nội bộ, hợp đồng, tuân thủ pháp luật về điều kiện kinh doanh

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rủi ro pháp lý, trong đó có ba nguyên nhân chính có thể kể đến.

Thứ nhất, doanh nghiệp đánh giá sai mức độ nghiêm trọng của rủi ro pháp lý, từ đó chấp nhận rủi ro thấp để đạt mục đích kinh tế, thương mại lớn hơn.

Một số trường hợp, chủ doanh nghiệp toan tính, cố ý lách luật, coi thường hệ quả do rủi ro pháp lý gây ra. Các trường hợp này có nguyên do từ việc doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cậy nhờ sự quen biết với các mối quan hệ xung quanh.

Thứ hai, chủ doanh nghiệp có suy nghĩ tự tin, quan điểm cho rằng sẽ không có rủi ro pháp lý xảy ra. Nguyên nhân này chủ yếu xuất phát từ sự thiếu kiến thức, hiểu sai, thiếu thận trọng về cách áp dụng pháp luật trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; từ sự yếu kém về năng lực quản lý; hoặc thiếu ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và các nhân sự quản lý trong doanh nghiệp.

Thứ ba, vai trò của luật sư trong quá trình tư vấn, tham vấn đề phòng rủi ro pháp lý chưa được nhiều doanh nghiệp xem trọng và đề cao. Theo đó, sự hỗ trợ, tham vấn pháp lý từ luật sư thường chỉ xuất hiện khi đã có hệ quả phát sinh từ các rủi ro pháp lý.

Hệ quả, tác động tiêu cực từ rủi ro pháp lý

Trong nhiều trường hợp, các hệ quả phát sinh từ rủi ro pháp lý nhìn chung tạo ra trở ngại cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Trong đó, mục đích kinh tế mà doanh nghiệp đạt được từ việc chấp nhận rủi ro không mang lại ý nghĩa như mong muốn, khi hệ quả pháp lý mà doanh nghiệp gánh chịu lớn hơn lợi ích kinh tế thực tế đạt được.

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị gián đoạn. Doanh nghiệp cần phải dành nhiều thời gian, tiền bạc hơn để xử lý, khắc phục hệ quả là các tổn thất, thiệt hại mà rủi ro pháp lý gây ra.

Một số trường hợp chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm hình sự dẫn đến trường hợp doanh nghiệp rơi vào tình trạng vô chủ như “rắn mất đầu”, vì thế, hoạt động tổ chức và quản lý nội bộ bị xáo trộn, thiếu ổn định.

Rủi ro pháp lý có thể dẫn đến tổn hại về mặt uy tín, danh tiếng của doanh nghiệp. Trường hợp cá biệt, sai phạm của một vài doanh nghiệm đầu ngành có thể ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng của toàn bộ lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp đó.

Doanh nghiệp cũng như các chủ thể quản lý doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm pháp lý trước pháp luật bao gồm trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự.

Góc nhìn pháp lý, sự hoàn thiện của pháp luật trong và ngoài nước

Hệ thống pháp luật Việt Nam đã định ra những công cụ cơ bản với mục đích quản lý, điều chỉnh hoạt động kinh doanh, và xử lý sai phạm của doanh nghiệp.

Thứ nhất là công cụ quản lý và điều chỉnh. Nhìn chung, hệ thống pháp luật Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý dành cho mỗi lĩnh vực kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Mặc dù khung pháp lý có thể có sự thiếu hoàn thiện, tuy nhiên cần nhìn nhận các thiếu sót là không nhiều, và thường xuyên, liên tục được sửa đổi, hoàn thiện theo thời gian.

Thứ hai là công cụ xử lý sai phạm. Chế tài xử lý vi phạm của doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp không chỉ giới hạn ở phạm vi hành chính, mà còn mở rộng ra yếu tố hình sự thể hiện qua việc Bộ luật Hình sự 2015 đã ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trước pháp luật.

Thứ ba là giao thương, quan hệ thương mại quốc tế. Hệ thống pháp luật quốc tế từ lâu đã có yêu cầu ràng buộc về tính tuân thủ của doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giao thương, thương mại ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Đó là các điều ước quốc tế, các tập quán quốc tế được thừa nhận chung hay thỏa thuận ý chí các bên thông qua việc ký kết hợp đồng. Chính vì thế, khi tham gia quan hệ giao thương quốc tế, doanh nghiệp cần phải tuân thủ các chế định trên.

Cần nhìn nhận sự không hoàn hảo của khung pháp lý không phải là nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm, mà đây chỉ là yếu tố cộng hưởng. Thay vào đó, góc nhìn và cách vận dụng, áp dụng pháp luật, quy định của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp là nhân tố chính dẫn đến sai phạm.

Doanh nghiệp cần thường xuyên định vị rủi ro pháp lý trong hoạt động tổ chức và kinh doanh. Coi thượng tôn pháp luật là kim chỉ nam trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong cùng ngành cần thống nhất xây dựng và phát triển văn hóa, đạo đức trong kinh doanh.

Xây dựng hướng xử lý, giải quyết rủi ro pháp lý phát sinh nhằm đảm bảo sự ổn định trong quá trình vận hành. Trong quá trình đó, cần tận dụng vai trò, hiểu biết của luật sư trong hoạt động tư vấn, hỗ trợ trong quá trình “phòng và chống” rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.

Nhìn về dài hạn, doanh nghiệp không có sai phạm (hoặc ít sai phạm) là những doanh nghiệp có nền tảng phát triển tốt, cơ sở xây dựng yếu tố kinh tế nội tại bền vững và nhận được sự ủng hộ của Nhà nước và xã hội. Uy tín kinh doanh được ghi nhận trong nước sẽ là cơ hội gây dựng danh tiếng và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp trên trường quốc tế.