Đối sách của Việt Nam trước nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Quỳnh Như - 11:30, 12/04/2018

TheLEADERChuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, những động thái của Mỹ, Trung Quốc chính là cách các bên phô trương sức mạnh, giúp họ có thể đạt được những lợi ích tốt nhất trên bàn đàm phán kinh tế sau này.

Mở đầu bài nói chuyện của mình trong chương trình Cafe Doanh nhân lần thứ 31 của Hiệp hội Doanh nhân TP. HCM, TS. Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ khuyến nghị mọi người đừng quá lo lắng về những thông tin như nguy cơ chiến tranh thương mại nổ ra giữa Trung Quốc - Mỹ, hay Nga và EU đang đấu nhau trên mặt trận gián điệp, cả chuyện Mỹ nhất định áp dụng biện pháp chống bán phá giá cá tra, basa của Việt Nam.

Tháng 3 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) biện pháp chống bán phá giá cá tra, basa của Việt Nam (giai đoạn rà soát từ 1/8/2015 tới 31/7/2016). 

Căn cứ kết luận này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg - 7,74 USD/kg cho giai đoạn rà soát nói trên.

Theo Bộ Công thương Việt Nam, đây là các mức thuế rất cao và sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam sang Mỹ. Còn theo các doanh nghiệp trong ngành, với mức thuế như thế này, gần như Chính phủ Mỹ đang gián tiếp cấm cửa cá tra, cá basa Việt Nam trong tương lai.

TS. Trần Du Lịch: Đừng quá lo lắng nguy cơ nổ ra chiến tranh thương mại
TS. Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ

Tuy nhiên, theo ông Lịch, tất cả những động thái kể trên chính là cách các bên đang phô trương sức mạnh, giúp họ có thể đạt được những lợi ích tốt nhất trên bàn đàm phán kinh tế sau này.

Việt Nam và Trung Quốc đang nằm trong danh sách nhập siêu mà Mỹ phải xử lý. Mỹ không hài lòng với việc cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều đang xuất siêu đến Mỹ, rất ít nhập hàng hóa từ họ… Mỗi năm, Mỹ nhập siêu từ Trung Quốc tầm khoảng 400 tỷ USD.

Muốn không bị Mỹ trừng phạt hay dùng các chính sách bảo hộ nhắm vào các mặt hàng nhập khẩu Việt Nam, chúng ta cần cân đối lại cán cân thương mại giữa hai bên, không thể xuất siêu 1 nơi (Mỹ), nhập siêu 1 nơi (Trung Quốc). 

Dự báo trong năm 2018, nền kinh tế các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, châu Âu…đều không có nhiều biến động, phát triển rất tốt, tiếp đà phát triển trong năm 2017. Năm 2017, lạm phát của Mỹ giảm xuống 4,1%, tỷ lệ thất nhiệp của châu Âu luôn cao cũng đã giảm xuống còn 8,6%...

Chính phủ ưu tiên tập trung cơ cấu lại nền kinh tế

Theo ông Trần Du Lịch, nền kinh tế Việt Nam có thể tự mình tăng trưởng từ 6,5% đến 6,7%, nên Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành hãy tập trung vào việc tái cơ cấu lại nền kinh tế và xem đây là mục tiêu tối thượng trong năm 2018.

Về lĩnh vực tài chính – tiền tệ, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Trung ương không được tăng lãi suất, nếu được, nên giảm lãi suất cho những đối tượng được ưu tiên như các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Trong năm 2018, Chính phủ cũng tính thu hồi khoảng 90.000 tỷ đồng vốn từ các doanh nghiệp Nhà nước. Chúng ta phải thu hút nhiều định chế tài chính khác nhau trong quá trình thoái vốn, mới mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Số tiền 90.000 tỷ đồng này sẽ được bỏ vào ngân sách để giảm bội chi.

Chính phủ cũng đang cơ cấu lại các khoản nợ, khác với lo lắng của giới truyền thông, Việt Nam chúng ta sẽ không có khủng hoảng nợ công. Nợ công của Việt Nam đang ở ngưỡng an toàn, cơ cấu và giãn nợ tốt, cán cân tài khóa ổn định.

Chính phủ cũng đang nghiên cứu để nhanh chóng cho ra chính sách, cho phép các doanh nghiệp tự phát hành trái phiếu, giảm dần áp lực nguồn vốn trung dài hạn cho các ngân hàng thương mại. Theo nguyên tắc, ngân hàng thương mại là nơi cung cấp nguồn vốn ngắn hạn, còn thị trường mới là nơi cung cấp nguồn vốn trung – dài hạn.

Về chứng khoán, hiện tại, vốn hóa của thị trường chứng khoán đang tương đương 81% tổng GDP của Việt Nam, tuy nhiên, mọi giao dịch chủ yếu diễn ra ở thị trường thứ cấp. Trong tương lai, Chính phủ sẽ cơ cấu lại thị trường chứng khoán hợp lý hơn, ví dụ như bỏ từng loại cổ phiếu tương đồng với nhau vào từng 'rổ' riêng.

Đối với thị trường bất động sản, Chính phủ đang cố gắng thay đổi khung pháp lý để giải quyết vấn đề sổ đỏ của condotel, tuy nhiên, chúng ta phải thật sự cẩn thận, để làm sao phân khúc này có thể phát triển lành mạnh. Hiện tại, có vẻ thị trường bất động sản nói chung đang phát triển khá méo mó, cả trong từng phân khúc thị trường, các loại sản phẩm, cơ cấu…

Về vấn đề khởi nghiệp, Chính phủ đang chuẩn bị rất nhiều văn bản để biến khởi nghiệp trở thành một phong trào thực sự ở Việt Nam. Những thành phố khởi nghiệp sáng tạoInnovation City sẽ lần lượt ra mắt, đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

"Với tốc độ phát triển và điều kiện tốt, thời điểm này là cơ hội vàng để chúng ta tái cơ cấu các tổ chức và ngành kinh tế. Chúng ta phải quyết tâm chuyển nền kinh tế chỉ thuần xuất khẩu nguyên liệu thô sang sản xuất.

Nếu xuất khẩu chỉ dựa vào Samsung thì chúng ta chỉ đang tự sướng với những con số. Samsung vào mang các doanh nghiệp hỗ trợ của Hàn Quốc theo, doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam chỉ tham gia chuỗi giá trị ở cấp rất thấp", ông Lịch nhận xét.

Theo vị chuyên gia này, với Chính phủ, quan trọng nhất không phải là GDP tăng trưởng bao nhiêu mà là nền kinh tế Việt Nam đã cơ cấu lại tốt như thế nào.