Dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy vào các startup Việt Nam

Việt Hưng - 10:18, 26/11/2021

TheLEADERĐại dịch Covid-19 khiến dòng vốn đầu tư vào startup bị chững lại, nhưng theo đánh giá của các quỹ đầu tư mạo hiểm, Việt Nam vẫn là thị trường ưu tiên hàng đầu tại Đông Nam Á trong năm 2021.

Bức tranh đầy triển vọng

Tại Việt Nam, kết quả khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) cho thấy, trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát, có đến 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa, các startup, dự án khởi nghiệp gặp khó khăn.

Trong đó, 40% số doanh nghiệp được hỏi cho biết thiếu vốn kinh doanh. Có đến 80% doanh nghiệp chia sẻ việc thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp. Ngoài ra, hơn một nửa số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động và 14% bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu.

Có thể nói, các startup đã gánh chịu những tác động nặng nề từ đại dịch. Thực trạng này được đại diện Quỹ đầu tư Vinacapital Ventures chỉ ra, trong năm vừa qua, lượng đầu tư mạo hiểm vào các startup Việt đã giảm khoảng một nửa.

"Tuy nhiên, trong khó khăn luôn có những cơ hội xuất hiện và doanh nghiệp nào nhanh nhạy, thay đổi kịp với thời cuộc có thể mang lại giá trị, đột phá mới", ông Trần Quang Hưng - đại diện Vinacapital Ventures nhấn mạnh.

Và cũng không thể phủ nhận có những startup tăng trưởng mạnh nhờ sản phẩm và công nghệ phù hợp với thời đại và bối cảnh chống dịch.

Thực tế, tác động của đại dịch Covid-19 khiến dòng vốn đầu tư vào startup mặc dù có bị chững lại nhưng theo đánh giá của các quỹ đầu tư mạo hiểm, Việt Nam vẫn là thị trường ưu tiên hàng đầu tại Đông Nam Á trong năm 2021.

Ông Tim Evans - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, các startup được kỳ vọng rất nhiều vào việc phát triển mạnh hơn sau thời kỳ Covid-19.

Theo HSBC, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, gần theo kịp các quốc gia như Indonesia và Singapore. Với nền dân số trí thức trẻ, độ phủ mạng Internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao cùng sự ủng hộ của Chính phủ, Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn với cả nhà đầu tư lẫn công ty công nghệ.

Dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy vào các startup Việt Nam
Dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy vào các startup Việt Nam

Fintech tiếp tục là điểm sáng

Báo cáo do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) công bố tháng 6/2021, phân tích triển vọng năm 2021 và đưa ra nhận định rằng, mặc dù thị trường đầu tư công nghệ Việt Nam có sự chững lại do tác động của dịch bệnh nhưng các startup Việt Nam đã tận dụng nguồn lực để trụ vững và sẽ tiếp tục phát triển. Đặc biệt là lĩnh vực fintech.

Điều này phù hợp với báo cáo của Ngân hàng UOB, Công ty Kiểm toán PwC Singapore và Hiệp hội Fintech Singapore vừa công bố cho thấy năm 2021, nguồn vốn đầu tư vào công nghệ tài chính (fintech) ở ASEAN tăng mạnh trở lại.

Chỉ riêng 9 tháng đầu năm nay, có 3,5 tỉ USD đổ vào lĩnh vực này, ở mức cao lịch sử và gấp hơn 3 lần so với cả năm ngoái. Sự phục hồi dòng đầu tư vào lĩnh vực fintech được thúc đẩy bởi 167 thương vụ, bao gồm 13 vòng gọi vốn lớn, ước đạt 2 tỉ USD.

Theo các chuyên gia, với việc áp dụng thanh toán kỹ thuật số ngày càng tăng ở ASEAN, nhiều nhà đầu tư đã đặt niềm tin và rót số tiền cao nhất vào các công ty fintech giai đoạn cuối (công ty thuộc vòng gọi vốn Series C trở lên).

Hiện Việt Nam đứng thứ 3 về vốn tài trợ fintech trong khu vực. Thị trường ghi nhận sự phục hồi nguồn vốn mạnh mẽ ở các công ty fintech có trụ sở tại Việt Nam khi thu hút số tiền tài trợ 388 triệu USD, tương đương gần 1/10 tổng số vốn của 167 thương vụ nói trên.

Chỉ từ năm 2015-2020, số lượng công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính) ở Việt Nam đã tăng 215%, theo Vietnam Fintech Report 2020. Trong đó, thanh toán vẫn là mảng thu hút DN nhiều nhất, chiếm 31% tổng số công ty khởi nghiệp fintech.