Du lịch Quảng Ngãi, vì sao chậm chân?

07:56, 26/08/2022
Nguyễn Văn Mỹ
Chủ tịch Lửa Việt Tours

Du lịch Quảng Ngãi chậm chân do cách nghĩ và cách làm từ nhiều năm nay.

Quảng Ngãi thuộc vùng trọng điểm kinh tế Trung Trung bộ gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; vùng kinh tế lớn thứ 3 Việt Nam. Cả 5 tỉnh thành đều có bờ biển đẹp, các đường quốc lộ và xe lửa, 4 sân bay (mật độ sân bay lớn nhất nước).

Du lịch Trung Trung bộ thuộc nhóm đầu cả nước, Quảng Ngãi xếp hạng cuối. Tổng lượng khách, doanh thu, khách quốc tế đều tụt hậu khá xa. Doanh thu bình quân đầu khách đội sổ (965.000 đồng/người) nhưng bám sát các tỉnh xếp trên như Thừa Thiên Huế (1.030.000 đồng/người), Bình Định (1.250.000 đồng/người). Dù thấp hơn Đà Nẵng gần 4 lần (3.543.000 đồng/người); so với 13 tỉnh thành Tây Nam bộ, Quảng Ngãi xếp thứ 2.

Kiểm kê gia tài, Quảng Ngãi đâu tệ

Quảng Ngãi là vùng đất có bề dày lịch sử và nền văn hoá lâu đời với Sa Huỳnh, thành cổ Châu Sa, Gò Vàng; Trường Lũy Quảng Ngãi (Tĩnh Man)… Di tích cách mạng có Ba Tơ, Trà Bồng, Vạn Tường, chứng tích Sơn Mỹ, di tích Đặng Thùy Trâm... Danh thắng có Thiên Ấn Niêm Hà (núi Thiên Ấn với chùa cổ và sông Trà Khúc), Thiên Bút Phê Vân (núi Thiên Bút), Thạch Bích Tà Dương (núi Đá Vách), Cổ Luỹ Cô Thôn, Nước Trong – Cà Đam, hồ Nước Trong (Sơn Hà), làng cổ núi Dâu, suối khoáng nóng Nghĩa Thuận, bãi san hô Gành Yến...

Du lịch Quảng Ngãi, vì sao chậm chân?
San hô ở Gành Yến - Ảnh Bùi Thanh Trung

Nhiều bãi biển như Mỹ Khê, Khe Hai, Dung Quất, Sa Huỳnh, Lệ Thủy… Biển Khe Hai và Sa Huỳnh có thể đứng một chỗ tắm biển hai tỉnh (Quảng Ngãi với Quảng Nam và Bình Định). Dòng sông Trà Bồng nổi tiếng với bài thơ “Nhớ con sông quê hương” (Tế Hanh 1921 -2009). Lý Sơn, công viên địa chất, đảo tiền tiêu biển Đông với hải đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn (thế kỷ XVII). Thác Trắng (Minh Long) một trong “Tứ danh thác Việt”. Thác đẹp và hùng vĩ, xe chạy tới gần chân thác. Nhà máy lọc dầu Dung Quất là điểm hẹn kỳ thú của du khách…

Ẩm thực Quảng Ngãi trứ danh với cá bống kho tiêu. Đặc biệt món cá bống trứng, ăn là ghiền. Các món ngon từ don, rất Quảng Ngãi. Món bánh xèo vịt không đụng hàng, từ màu sắc đến hương vị. Lý Sơn là vương quốc tỏi lừng danh với tỏi cô đơn, gỏi tỏi, cháo nhum. Món ốc ruốc ăn chơi mà ghiền thiệt; các món gà…

Quảng Ngãi có đủ tiềm năng du lich từ biển, đảo, rừng, núi, thác, sông, hồ, suối khoáng nóng đến lịch sử, văn hóa, ẩm thực. Sau 1975, xuất phát điểm du lịch giống nhau nhưng vì sao du lịch Quảng Ngãi tụt hậu?

Du lịch Quảng Ngãi, vì sao chậm chân? 1
Cửa Sa Cần, nơi sông Trà Bồng đổ ra biển

Vì đâu đến nỗi?

Con người là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, cả thành công lẫn thất bại. Du lịch Quảng Ngãi chậm chân do cách nghĩ và cách làm từ nhiều năm nay.

Từ năm 2006, tôi đã đến Lý Sơn khảo sát. Năm 2011, Lửa Việt tổ chức Famtrip và hội thảo “Du lịch Lưỡng Quảng – những điều mới biết” tại Khu du lịch Thiên Đàng (Quảng Ngãi). Tham gia chủ trì hội thảo là Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du Lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Vũ Thế Bình và Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phụ trách phía Nam Phạm Quốc Toàn với gần trăm đại biểu báo chí và doanh nghiệp cả nước.

Đoàn Quảng Nam do phó chủ tịch tỉnh cùng giám đốc, phó giám đốc sở du lịch, trưởng ban quản lý khu kinh tế mở… mang phim tư liệu, tờ rơi, sản phẩm quảng bá. Quảng Ngãi là chủ nhà, chỉ cử phó giám đốc sở đến phát biểu chay. Toàn bộ chi phí do doanh nghiệp du lịch Chu Lai và Thiên Đàng tài trợ.

Quảng Ngãi có rất nhiều bãi tắm đẹp nhưng chưa tập trung mời gọi đầu tư, thiếu chính sách hấp đẫn. Chỉ chăm bẵm khai thác Lý Sơn đến kiệt quệ. Đảo nhỏ, chưa đến 10km2, toàn đá macma và miệng núi lửa, thiếu nước, mật độ dân cư đông. Tỉnh còn đề xuất làm sân bay và xây khu nghỉ dưỡng 5 sao. Thất bại của tuyến đường thủy Đà Nẵng – Lý Sơn là điển hình cho cách làm chủ quan.

Các bãi biển Quảng Ngãi vẫn tiếp tục ngủ đông, chưa biết bao giờ tỉnh giấc. Cao cấp nhất hiện nay là Cocoland 4 sao ở vùng đất dừa Tư Nghĩa. Khu nghỉ dưỡng chuẩn, khá đẹp nhưng chẳng có chút gì Quảng Ngãi. Đất dừa nhưng không có sản phẩm hay vật dụng nào từ dừa. Các khách sạn ở thành phố xuống cấp, có nơi phải đóng cửa. Chợ đêm Quảng Ngãi khá sầm uất nhưng vì không quản lý nổi và không có khách du lịch nên bị dẹp bỏ. Ẩm thực Quảng Ngãi, mỗi nơi nói một kiểu.

Du lịch Quảng Ngãi, vì sao chậm chân? 2
Nhà rông làng Ten (Người H’re quanh năm đóng cửa)

Chưa có chính sách giá hợp lý, khuyến khích các công ty lữ hành (nguồn khách chủ lực); thích làm ăn nhỏ, lẻ, mình ên. Hướng dẫn viên dẫn đoàn vẫn phải mua vé ra đảo Lý Sơn. Vé đoàn vào khu du lịch Suối Chí chỉ giảm 10% vé cổng (giá vé 100.000 đồng), tiền ăn tính như khách lẻ. Danh thắng Thác Trắng, buộc cả lái xe và doanh nghiệp khảo sát (theo lời mời của tỉnh) mua vé dù có thẻ hướng dẫn viên.

Đáng lo nhất là tình trạng bê tông hóa, giả cỏ, giả cây ở các danh thắng. Đặc biệt là bê tông và xi măng các nhà rông, nhà văn hóa từng tộc người thiểu số. Các kiểu nhà truyền thống gần như bị xóa sổ. Dệt thổ cẩm đưa vào bốn bức tường và chỉ để quay phim, chụp hình tuyên truyền. Trang phục và ẩm thực truyền thống có nguy cơ mai một.

Buồn nhất là tư duy du lịch của người Quảng Ngãi. Hội nghị sơ kết diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tại Quảng Ngãi từ 6 – 8/8. Quảng Ngãi giới thiệu 4 tuyến famtrip khảo sát gồm Lý Sơn, Ba Tơ - Nghĩa Hành, Sa Huỳnh – Mộ Đức, City Tour.

Các đại biểu đều đăng ký đi Lý Sơn. Duy nhất Lửa Việt đăng ký đi Ba Tơ – Nghĩa Hành. Ban tổ chức thông báo không thể thực hiện. Tôi phải nhờ Hiệp hội Du lịch Quảng Ngãi cho mượn xe và tự đi khảo sát khu di tích Ba Tơ (di tích quốc gia đặc biệt), làng Ten (huyện Ba Tơ), khu du lịch Suối Chí (huyện Nghĩa Hành).

Tranh thủ và tốc hành, tôi còn ghé Minh Long với danh thắng Thác Trắng, đẹp ngỡ ngàng nhung không được đưa vào chương trình. Bảo tàng Quảng Ngãi, nơi diễn ra nhiều hoạt động hội nghị sơ kết, xuống cấp, tường loang lổ, bong tróc. Ngành du lịch Quảng Ngãi cũng không có động thái nào quảng bá, thuyết phục đại biểu khảo sát các điểm mới, ngoài Lý Sơn.

Dân Quảng Ngãi vào TP.HCM lập nghiệp, không ít người thành đạt vẫn không dám tự hào về thác Trắng và quê mình. Chưa yêu quê mình đủ, làm sao rủ khách đến?

Mấy kiến giải chủ quan

Trước hết phải thay đổi tư duy du lịch, mình phải yêu quê mình đủ mới có thể rủ khách tới. Rất cần những chính sách ưu đãi đầu tư, đánh thức các công chúa biển Quảng Ngãi, ưu tiên dịch vụ cao cấp.

Thực hiện ngay chính sách giá cho các công ty lữ hành cả trong và ngoài tỉnh, ít nhất bằng hoặc hơn các địa phương khác để tăng sức cạnh tranh. Giá vé tham quan phải tính lại, hợp lý hơn theo mặt bằng chung cả nước.

Chặn đứng thảm họa bê tông hóa danh thắng, nhất là thác Trắng và nhà văn hóa các tộc người thiểu số. Có chính sách khuyến khích người dân giữ gìn, phục dựng văn hóa riêng; từ nhà ở, làng nghề, trang phục đến ẩm thực. Bảo tồn bãi san hô Gành Yến.

Xây dựng bộ sản phẩm tour đặc thù Quảng Ngãi chuyên nghiệp, từ điểm đến tới ẩm thực. Ngoài Lý Sơn và Mỹ Lai; tập trung đẩy mạnh các điểm mới như “Núi và chùa Thiên Ấn”, “Các làng cổ, làng nghề”, “Các bãi biển”, “Du thuyền trên sông Trà Khúc, Trà Bồng” theo mô hình công ty Thuyền Nhiêu Lộc (TP.HCM)… đặc biệt là “Thác Trắng”. Liên kết hiệu quả các doanh nghiệp du lich trong tỉnh, mở rộng các tỉnh Trung trung bộ và Tây Nguyên; nhất là Gia Lai với Măng Đen, Khu bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng…

Du lịch Quảng Ngãi, vì sao chậm chân? 3
Thác Trắng Minh Long

Phục hồi chợ đêm, trước tiên phục vụ nhu cầu dân Quảng Ngãi, rồi đến du khách như mô hình các chợ đêm Đài Loan mới bền vững. Đó là không gian văn hóa của người dân bản địa, đáp ứng nhu cầu khám phá của du khách nội địa lẫn quốc tế.

Kiên trì tổ chức tour vé lẻ định kỳ “Quảng Ngãi kỳ thú” 4 ngày 3 đêm cuối tuần, gom khách từ các đầu TP.HCM, Cần Thơ, Hà Nội, Đà Nẵng, Tây Nguyên bằng cả đường bay, đường bộ, xe lửa. Chú ý dòng khách chi tiêu khá trở lên. Chấm dứt tình trạng đầu tư tự phát kiểu “Nông dân nổi dậy” và “Gắp đồ ăn cho khách”.

Mở hướng phát triển du lịch cộng đồng đúng nghĩa, gắn nông thôn mới với các gardenstay, riverstay, fieldstay… Chọn tư vấn, phải có mô hình kiểm chứng, dám hỗ trợ tìm nguồn khách và bảo hành dự án. Thay đổi cách PR, từ việc trang trí hình ảnh, sản vật địa phương đến thông tin trên google và các mạng xã hội. Làm các bảng quảng bá, chỉ đường điểm đến từ xa.

Tận dụng tiềm năng của người Quảng Ngãi xa quê, thành đạt; từ việc đầu tư, tìm nguồn khách đến tiếp thị cho du lịch tỉnh nhà. Lâu dài, nối các tuyến xe buýt với từng điểm đến, xây dựng nhà lưu niệm Tả Quân Lê Văn Duyệt…

Rất nhiều việc phải làm. Cần có lộ trình hợp lý, trình tự ưu tiên. Nếu cả hệ thống chính trị và người dân đồng lòng, không gì là không thể. Bằng không, du lịch Quảng Ngãi cứ mãi chậm chân, không chỉ với Trung Trung bộ, mà với cả nước.