Du lịch Việt chưa thu hút khách nhà giàu

Thu Phương - 10:37, 06/05/2019

TheLEADERMức chi tiêu của khách du lịch nước ngoài ở Việt Nam vẫn còn thấp.

Du lịch Việt chưa thu hút khách nhà giàu
Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort có giá phòng lên đến hàng chục triệu đồng mỗi đêm.

Theo Tổng cục Du lịch, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam chi tiêu trung bình khoảng 900 USD cho mỗi chuyến đi trong khi mức chi tiêu tại Indonesia là 1.109 USD, Singapore là 1.105 USD và tại Thái Lan là 1.565 USD.

Mặc dù thời gian lưu trú ở Việt Nam trung bình 9,5 ngày, không chênh lệch nhiều so với con số 9,6 ngày của Thái Lan nhưng nhưng số tiền chi tiêu của du khách đến Việt Nam chỉ trung bình 96 USD mỗi ngày, trong khi ở Thái Lan là 163 USD và ở Indonesia và Singapore lần lượt là 132 USD và 325 USD.

Sở hữu nhiều bãi biển đẹp, tiềm năng du lịch đa dạng phong phú nhưng điều đáng tiếc là trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn được đánh giá là điểm đến "giá rẻ" của du khách quốc tế.

Doanh thu từ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2017 đạt 8,3 tỷ USD, trong khi con số này ở Indonesia là 12,6 tỷ USD, Singapore là 18,4 tỷ USD và Thái Lan là 52,5 tỷ USD.

Khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu đến từ thị trường châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Lào, còn lượng khách đến từ châu Âu vốn được xem là thị trường khách chi tiêu cao lại chiếm tỷ lệ khiêm tốn.

Lý giải thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ sở hạ tầng du lịch yếu, nghèo nàn về sản phẩm du lịch và thiếu vắng các dịch vụ vui chơi giải trí khiến du lịch Việt Nam chưa thu hút mạnh du khách, chưa nói đến việc có thể thể khiến họ chi tiêu nhiều hơn hay lưu trú dài ngày.

Nhiều du khách từng chia sẻ, đến các điểm du lịch của Việt Nam, họ muốn tiêu tiền cũng không biết đi đâu, làm gì. Trong khi đó, nhìn sang nước láng giềng Thái Lan, khách du lịch có vô vàn dịch vụ để trải nghiệm để vui chơi giải trí "chơi mãi không chán" khiến họ chi tiêu nhiều hơn.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Hanoi Redtours cho rằng, hiện nay những tài nguyên du lịch của Việt Nam thay vì được gọt giũa để gia tăng giá trị thì vẫn đang được khai thác một cách rất hoang sơ, đơn điệu. 

Mỗi khi tài nguyên du lịch được phát hiện, các doanh nghiệp đơn lẻ đều tự phát triển theo lối riêng mà chưa khai thác đúng giá trị. Điều này khiến các tài nguyên này nhanh chóng bị xâm hại và phá vỡ. Hệ quả là sản phẩm du lịch đơn điệu, kém hấp dẫn, thậm chí tạo ấn tượng không tốt đối với du khách, khiến du khách ít quay trở lại, ông Hoan nhận xét.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vietnam Travelmart, cho rằng, cơ sở hạ tầng du lịch có thể đáp ứng hầu hết nhu cầu cơ bản của khách chất lượng cao về hàng không, ăn ngon, ngủ tốt, nhưng vẫn chưa kéo dài thời gian lưu trú của khách.

Để tăng thu từ khách du lịch, ông Dũng cho rằng, ngành du lịch cần gia tăng tiện ích với những hoạt động như mua sắm, sân golf, chương trình biểu diễn âm nhạc, ẩm thực để tăng khả năng thu hút khách chất lượng cao. Đơn cử, doanh nghiệp muốn đặt sân golf cho khách cũng không được do sân hạn chế.

Bên cạnh đó, hiện Việt Nam chưa gắn nhu cầu của khách với giá trị văn hoá địa phương. Trong khi đó, nếu muốn khách lưu trú trên 10 ngày, cần khai thác các giá trị văn hoá cộng đồng, làng nghề, du lịch văn hoá gắn với các trải nghiệm mới lạ, thú vị.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần triển khai triệt để các sản phẩm du lịch gắn với văn hoá. Mỗi địa phương có một sản phẩm văn hoá riêng để hình thành một hệ thống các điểm đến du lịch hấp dẫn. Đồng thời, cũng cần xác định đâu là sản phẩm dành cho khách chất lượng cao khi tới làng nghề văn hoá truyền thống, ông Dũng kiến nghị.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng thừa nhận điểm hạn chế của du lịch Việt Nam trong giai đoạn vừa qua là khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu chỉ có nhu cầu tham quan, khám phá. 

Tỷ trọng khách du lịch nghỉ dưỡng dài ngày còn thấp, phổ phổ biến vẫn là loại hình du lịch biển, du lịch theo mùa, lễ hội, kỳ nghỉ ngắn và theo hội chứng đám đông. Số lượng khách có các nhu cầu chuyên biệt như nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm chưa rõ nét, chưa đa dạng,  dẫn đến doanh thu từ du lịch của Việt Nam còn thấp.

Để tăng thu từ khách du lịch, ông Siêu cho rằng, xu hướng của khách du lịch thời gian tới sẽ quan tâm nhiều hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến thay vì hình ảnh điểm đến đơn thuần; du khách sẽ lưu lại dài ngày hơn nếu điểm đến có nhiều trải nghiệm thú vị và ngược lại. 

Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư bất động sản du lịch cần cân đối quy mô, loại hình lưu trú cho phù hợp với tính chất và các hoạt động trải nghiệm du lịch. Các dự án bất động sản du lịch cần trở thành quần thể và gắn với nhiều tiện ích như casino, giải trí, thể thao, sự kiện, nghệ thuật, games và các hoạt động giao lưu văn hóa địa phương.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, điểm đến du lịch nhằm thu hút khách du lịch chất lượng cao, quay lại nhiều lần, lưu trú dài ngày, trải nghiệm nhiều, chi tiêu cao. 

Một yếu tố khác cũng là yếu tố tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời đảm bảo kỹ năng dịch vụ cơ bản, có tính sáng tạo và đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng, có giá trị gia tăng cao.

Nếu không cải thiện các sản phẩm du lịch và chất lượng của dịch vụ, Việt Nam sẽ không thể thu hút được khách du lịch chi tiêu cao hơn hay thôi thúc du khách quay trở lại. Đây là cơ sở để gia tăng giá trị cho sản phẩm du lịch, từ đó quyết định hiệu quả của các dự án.

Mặt khác, ông Siêu cũng cho rằng, để thu hút khách du lịch "nhà giàu" từ các nước phát triển, Việt Nam cần nới lỏng chính sách thị thực và tiếp tục đầu tư vào hạ tầng du lịch, kết nối nhiều đường bay mới cung như hệ thống sân bay, cảng biển, đường sắt, đường cao tốc, tăng cường khả năng kết nối thuận tiện các điểm đến của Việt Nam với thị trường thế giới để tiếp tục gia tăng lượng khách du lịch.