Làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn?

Đặng Hoa - 14:13, 07/08/2018

TheLEADER"Khi tôi cùng bố mẹ và một số gia đình khác ở Hà Nội đi du lịch theo tour ở Hàn Quốc, chúng tôi gần như không còn một đồng nào khi trở về". Đó là tình trạng của anh Tùng cũng như hầu hết du khách Việt Nam khi đi nước ngoài. Còn khách nước ngoài đến Việt Nam thì sao?

Làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn?
Du lịch Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên sẵn có

Năm ngoái, anh Tùng (Hà Nội) cùng gia đình và bạn bè đặt một tour du lịch đi Seoul, Hàn Quốc. Anh cho biết, trong suốt chuyến đi, tất cả mọi người đều tiêu tiền ở mọi điểm đến và gần như tiêu hết sạch tiền, không còn một đồng nào cho tới khi ra đến sân bay để về nước.

"Ngày đầu tiên, chúng tôi được dẫn đi mua sâm ở Hàn Quốc; đây là một sản phẩm gần như không thể bỏ qua đối với du khách. Nhiều người còn dành hẳn 2/3 số tiền mang theo cho món đồ này vì lúc đầu nghĩ rằng sẽ chẳng tốn nhiều tiền cho những thứ khác", anh Tùng kể lại.

Sau đó, họ được dẫn đến các quầy bán mỹ phẩm; mỹ phẩm Hàn Quốc thường rẻ hơn và du khách thường mua về để làm quà; còn đối với các chị, các mẹ thì có lẽ đây là món đồ luôn có trong danh sách "phải mua" khi sang Hàn. Sau khi đã mua mỹ phẩm xong, họ được đưa đi tham quan và mua sắm các siêu thị hoa quả, bánh trái... 

Cho tới sát hôm về nước, hướng dẫn viên đưa đoàn của anh đến một nơi bán tinh dầu thông đỏ, một loại thuốc chức năng khá nổi tiếng ở Hàn Quốc mà dân mạng thường kháo nhau rằng đi Hàn nhất định phải tìm mua. Anh Tùng cho biết, ở đây, họ cho du khách làm thí nghiệm, lọc máu và khám bệnh; tất cả mọi thứ được làm rất chuyên nghiệp, theo quy trình và thuyết phục đến nỗi ai cũng sẵn sàng bỏ tiền để mua cho được ít nhất một lọ.

"Có những người khi đến đây đã tiêu hết sạch tiền, không còn tiền để mua thì họ sẵn sàng cho vay tiền; hướng dẫn viên thậm chí còn đưa theo tiền để cho vay", anh Tùng kể lại.

"Nhiều người còn trách hướng dẫn viên là tại sao không dẫn đi mua tinh dầu thông đỏ sớm hơn nhưng thực ra họ có bài hết cả rồi; nếu du khách mua hết tiền ngay từ ngày đầu tiên thì sẽ chẳng thể trải nghiệm những thứ khác trong các ngày tiếp theo", anh Tùng nói. 

Công cuộc "móc túi" khách của du lịch Hàn Quốc vẫn chưa dừng lại ở đó. Khi anh Tùng cùng những người trong đoàn chỉ còn mấy đồng tiền lẻ sót lại, trên đường ra sân bay, họ còn được đưa vào một siêu thị để mua bánh trái về làm quà. 

Trên thực tế, không chỉ ở Hàn Quốc mà ở một số nước khác trong khu vực như Thái Lan, ngành du lịch rất phát triển và có sự liên kết mạnh mẽ với các ngành dịch vụ khác; khiến du khách sẵn sàng chi tiêu rất nhiều tiền để thoã mãn nhu cầu của mình.

Số liệu thống kê cho thấy, ở các quốc gia khác trong khu vực, mỗi một khách của họ đóng góp trung bình trên 1.000USD; đặc biệt ở Thái Lan là 1.500USD trong khi Việt Nam chỉ có 800 - 900USD/khách.

Theo đánh giá của Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), mặc dù có những phát triển ấn tượng trong thời gian qua, đặc biệt là số lượng khách đến; song nếu xét về giá trị xuất khẩu du lịch, Việt Nam vẫn chỉ đang nằm trong top 6 chứ chưa được xét vào top 5 trong khu vực ASEAN.

Lý giải thực trạng này, ông Phạm Mạnh Hà, người sáng lập Luxury Travel cho rằng, sự liên kết giữa ngành du lịch và các ngành nghề, dịch vụ khác ở Việt Nam còn quá kém; vẫn đang hoạt động quá rời rạc và theo kiểu "thân ai người nấy lo". 

"Khi các doanh nghiệp đầu tư xây khu nghỉ dưỡng thì cũng chỉ chăm chăm xây khu nghỉ dưỡng mà không nghiên cứu, đầu tư và liên kết với các dịch vụ trải nghiệm xung quanh điểm đến để khách hàng ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn", ông Hà nhìn nhận.

Có thâm niên nhiều năm trong lĩnh vực tư vấn bất động sản tại Việt Nam, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cũng phải thừa nhận du lịch của Việt Nam mặc dù phát triển rất mạnh trong thời gian qua với số lượng khách quốc tế đến đạt mức kỷ lục trong năm ngoái, nhưng vẫn còn ở quá xa so với các nước trong khu vực, mà một trong những yếu tố ảnh hưởng không hề nhỏ là hạ tầng và chất lượng dịch vụ còn kém.

"Khi gia đình tôi sang Phuket du lịch và nghỉ ở 1 khu resort, tất cả thành viên trong gia đình tôi có thể giành cả ngày trong khu resort đó vì có rất nhiều hoạt động cho từng thành viên tham gia", bà Dung kể lại.

Trong khi ở Việt Nam, đại diện CBRE đánh giá, các khu nghỉ dưỡng tích hợp như vậy mặc dù đã xuất hiện nhưng vẫn còn quá ít ỏi, chỉ đếm trên đầu ngón tay nên du khách dường như chỉ ở được khoảng 2 - 3 ngày là đã thấy chán. 

Bà Dung nhìn nhận, các dịch vụ ở các khu du lịch của Việt Nam hay trong các khu nghỉ dưỡng vẫn chỉ là nghỉ ngơi, ngắm cảnh và tắm biển. Các sản phẩm du lịch của Việt Nam còn nghèo nàn so với nhiều nước trong khu vực; còn phụ thuộc quá nhiều vào những bãi biển mang tính “hữu xạ tự nhiên hương”, phụ thuộc vào thời tiết trong khi những bãi biển đẹp thì các nước khác cũng có nên du lịch Việt Nam vẫn chưa có tính cạnh tranh. 

Làm thế nào để du khách tiêu nhiều tiền hơn ở Việt Nam? 1
Cần có nghiên cứu nhu cầu trải nghiệm của du khách để họ tiêu nhiều tiền hơn

Ngoài ra, ông Hà cũng thẳng thắn nhìn nhận, Việt Nam vẫn đang làm du lịch theo kiểu du lịch "cấm" nên du khách gần như không có chỗ để thoả mãn nhu cầu và tiêu tiền.

Theo ông Hà, muốn du khách tiêu nhiều tiền hơn, Việt Nam cần phải mở rộng và cung cấp thêm các hoạt động dịch vụ như quán bar, vũ trường, những khu mua sắm quy mô và chất lượng; những sản phẩm thủ công, mỹ nghệ mẫu mã đẹp, sản xuất theo nhu cầu của khách thay vì chỉ có những sản phẩm thuần tuý từ các làng nghề.

Ngoài ra, ở gần sân bay phải tạo ra các điểm bán quần áo, mỹ phẩm...để khách có thể tiêu đến đồng tiền cuối cùng; Ông Hà nhìn nhận, hiện nay, sân bay Nội Bài cách quá xa trung tâm, trong sân bay ít có hàng giá để mua. 

"Cần có nghiên cứu cụ thể về nhu cầu của khách hàng để đáp ứng trải nghiệm của họ; từ đó khiến họ sẵn sàng tiêu thật nhiều tiền, càng nhiều càng tốt, kể cả khách Trung Quốc", ông Hà nói.

Theo Tổng cục thống kê, gần một nửa trong tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là khách đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc; trong đó, khách Trung Quốc nhiều gấp đôi lượng khách Hàn. Mặc dù nhiều người vẫn cho rằng khách Trung Quốc nói riêng và khách châu Á nói chung tiêu ít tiền hơn khi đến Việt Nam so với khách châu Âu nhưng nếu nhìn nhận một cách thực tế, khách châu Âu có xu hướng chi tiêu vào các dịch vụ sang trọng hơn trong khi khách châu Á thường sử dụng nhiều dịch vụ ở mức bình dân hơn.

Như vậy, rõ ràng Việt Nam cần có chiến lược khai thác các đối tượng khách hàng khác nhau; thu hút thêm khách chi tiêu cao từ châu Âu, châu Mỹ để cân bằng với du khách Đông Bắc Á và tận dụng nguồn khách đến để tăng nguồn thu bằng việc cung cấp nhiều dịch vụ và tăng trải nghiệm cho họ. Theo ông Hà, nhu cầu là luôn có, quan trọng là có khai thác và đáp ứng được nhu cầu của họ hay không. 

Cần một "nhạc trưởng" có tiếng nói mạnh mẽ hơn

Bà Dung cho rằng để tạo được sự cạnh tranh, thu hút khách du lịch và thúc đẩy chi tiêu của khách, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn so với các nước khác bởi hiện nay, các thị trường khác có lượng sản phẩm rất đa dạng; ở Việt Nam mặc dù đã có các khu nghỉ dưỡng tích hợp nhưng vẫn còn quá ít ỏi.

Tại sao du khách chưa muốn tiêu tiền khi đến Việt Nam? 2
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam.

Ở tầm vĩ mô, bà Dung cho rằng, chính quyền cần một bài toán tổng thể phát triển du lịch; mặc dù đã nói nhiều lần nhưng chưa thấy những kết quả cụ thể.

Đối với các nhà đầu tư, đại diện CBRE nhấn mạnh, cần nỗ lực để có thể đưa ra các sản phẩm đặc biệt giữ chân du khách như các khu nghỉ dưỡng tích hợp. Mặc dù đã xuất hiện nhưng chưa nhiều. Các nhà đầu tư cần đi ra nước ngoài nhiều hơn để học hỏi; cần kết hợp với các nhà đầu tư quốc tế để có được các tiêu chuẩn quốc tế và da dạng hoá các sản phẩm trong chính khu nghỉ dưỡng của chủ đầu tư.

Còn đứng từ góc độ của nhà đầu tư quốc tế, ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, gìn giữ đường bờ biển sạch và đẹp; đồng thời đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng hàng không nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của du khách quốc tế.

"Khả năng tiếp cận là điều rất quan trọng đối với phát triển du lịch ở Việt Nam, thông qua giao thông hàng không, thị thực, cơ sở hạ tầng, văn hóa, khách sạn… Dù có đường bờ điểm đẹp nhưng nếu chúng ta có khả năng tiếp cận kém thì việc thu hút du khách cũng sẽ không tương xứng", ông Michael Piro nhìn nhận.

Theo ông Hà, sự liên kết giữa du lịch Việt Nam và các dịch vụ, ngành nghề khác vẫn chưa có; trong khi người nhạc trưởng là Tổng cục Du lịch cũng không có những chính sách, chiến lược cụ thể trong ngắn hạn và dài hạn. 

Theo đó, đại diện Luxury Travel cho rằng, cần phát triển một ngành kinh tế tổng hợp, là tổng hoà của nhiều lĩnh vực, dịch vụ; cần có một nhạc trưởng mạnh mẽ và có tiếng nói quyết định đối với chính quyền địa phương để dẫn dắt cả dàn nhạc đánh đúng bài, đi đúng hướng.