Đừng bỏ lỡ cơ hội từ thị trường vốn ESG nghìn tỷ USD

Ngọc Anh - 10:42, 15/04/2023

TheLEADERESG dần trở thành một phần bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn nhận vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài và xuất khẩu sản phẩm của mình sang các quốc gia khác. Nguồn vốn ESG được dự báo sẽ tăng đến gần 40 nghìn tỷ USD vào năm 2026.

- - -

Đừng bỏ lỡ cơ hội từ thị trường vốn ESG nghìn tỷ USD... và hơn thế nữa (!)

ESG là thách thức hay cơ hội của doanh nghiệp?

Trong vài năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, thuật ngữ ‘ESG’ dần được biết đến nhiều hơn tại Việt Nam. “Phát triển bền vững’ hay ‘tích hợp ESG’ đang được xem là xu hướng của hiện tại và tương lai; là một yếu tố quan trọng trong quyết định ‘xuống tiền’ của nhiều quỹ đầu tư trên toàn cầu, hay mang lại cơ hội hợp tác với những doanh nghiệp và tập đoàn lớn đến từ các nước đi đầu trong triển khai các chuẩn mực ESG như châu Âu, Mỹ…

Theo báo cáo “Cuộc cách mạng quản lý tài sản 2022” của PwC, các công ty quản lý tài sản trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng giá trị tài sản liên quan đến ESG của họ lên 33,9 nghìn tỷ USD vào năm 2026, từ 18,4 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm dự kiến (CAGR) là 12,9%, tài sản ESG sẽ chiếm 21,5% tổng tài sản quản lý (AuM) của các công ty này.

Các công ty quản lý tài sản trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng giá trị tài sản liên quan đến ESG của họ lên 33,9 nghìn tỷ USD vào năm 2026, từ 18,4 nghìn tỷ USD vào năm 2021.

PwC đưa ra kịch bản tăng trưởng như sau: vào năm 2026, giá trị tài sản ESG trong các công ty quản lý tài sản của Mỹ (nơi có ngành quản lý tài sản lớn nhất thế giới) sẽ tăng gấp đôi từ 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2021 lên 10,5 nghìn tỷ USD; ở châu Âu (đã tăng 172% chỉ riêng trong năm 2021) sẽ tăng 53% lên 19,6 nghìn tỷ USD.

Ngoài Mỹ và châu Âu, các nhà đầu tư ở các khu vực khác cũng đang tăng phân bổ của họ vào tài sản ESG. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng tài sản ESG trong AuM nhanh nhất, dự kiến sẽ tăng 3 lần, đạt 3,3 nghìn tỷ USD vào năm 2026.

Thông tin trên cho thấy dòng tiền hiện tại và tương lai đổ vào ESG là rất lớn. Tuy nhiên, chưa tính đến chuyện thu hút dòng vốn dồi dào này, vấn đề lớn hơn mà doanh nghiệp phải đối mặt khi chậm triển khai ESG là tình trạng mất dần thị trường xuất khẩu tiềm năng, đồng thời bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh, hợp tác.

Thực tế hiện nay các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đưa ra ngày càng nhiều 'rào cản kỹ thuật' như các quy định mới về an toàn vệ sinh thực phẩm, hay áp các tiêu chuẩn liên quan đến bền vững cho các sản phẩm nhập khẩu.

Đơn cử như Trung Quốc (thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam), hoạch định chính sách vĩ mô của nước này đang theo hướng đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trên cơ sở ổn định và nâng cao chất lượng xuất nhập khẩu.

VinaCapital: Nhà đầu tư đang khó tiếp cận thông tin ESG của doanh nghiệp Việt
Doanh nghiệp cần đáp ứng được những yêu cầu ngày một nâng cao của thị trường. Ảnh Phùng Tuệ

Vì vậy, công tác quản lý, giám sát các nhóm hàng nhập khẩu (đặc biệt là hàng nông, thủy sản và thực phẩm) của hải quan Trung Quốc sẽ ngày càng siết chặt hơn nhằm tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, ông Nông Đức Lai, Tham tám thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết tại hội thảo giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài ngày 31/3.

Mới đây, với nông sản, Trung Quốc đã đưa ra 5 yêu cầu về vùng trồng xuất khẩu sang nước bạn như phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), giám sát đối tượng kiểm dịch thực vật; các cơ sở đóng gói cần phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc; sau khi đóng gói phải bảo quản ở khu vực riêng biệt không để chung với hàng xuất khẩu sang các thị trường khác và áp dụng các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại; vật liệu đóng gói bằng gỗ tuân thủ ISPM 15…

Theo ông Lai, nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc đang phục hồi dần kể từ khi mở cửa trở lại vào đầu năm nay. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội này, hàng hóa Việt Nam phải đủ sức cạnh tranh với các đối tác cùng xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là nhóm mặt hàng nông sản cùng loại, bên cạnh đó còn phải cạnh tranh với chính hàng hóa, sản phẩm được sản xuất ngay tại nội địa nước này.

Tốc độ đào thải khỏi thị trường Trung Quốc là tương đối cao nếu như doanh nghiệp không đáp ứng được những yêu cầu ngày một nâng cao của thị trường.

Trong khoảng thời gian trước, số lượng hàng Việt Nam bị Trung Quốc cảnh báo chất lượng ngày càng tăng. Năm 2021 Việt Nam xếp thứ 4, sang năm 2022 tỷ lệ lô hàng bị cảnh báo xếp thứ 2. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam và tác động xấu đến tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc đối với hàng hóa Việt.

Góc nhìn của quỹ đầu tư

Không chỉ xuất khẩu, việc nắm bắt các cơ hội hợp tác, kinh doanh với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới đang bị doanh nghiệp Việt bỏ lỡ.

Theo ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG của Quỹ đầu tư VinaCapital, thực tế các doanh nghiệp và nhà đầu tư châu Âu sẽ thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác địa phương có cùng tầm nhìn về các giá trị bền vững lâu dài, có mức độ công bố thông tin cùng với tính minh bạch cao hơn.

VinaCapital: Nhà đầu tư đang khó tiếp cận thông tin ESG của doanh nghiệp Việt 1
LEGO đã khởi công nhà máy hơn 1 tỷ USD tại khu công nghiệp VSIP III ở Bình Dương vào tháng 11/2022. Nguồn ảnh: Engadget

Đơn cử như Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) vừa khởi công nhà máy hơn 1 tỷ USD tại khu công nghiệp VSIP III ở Bình Dương. Lãnh đạo tập đoàn này có chia sẻ với VinaCapital, một trong những lý do chính để quyết định đầu tư tại đây đến từ cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam trong COP26.

Là một đơn vị có trách nhiệm xã hội cao, LEGO yêu cầu nhà cung cấp, đối tác phải triển khai thực hành ESG ở mức độ nhất định. Do đó, lợi thế sẽ nghiêng về doanh nghiệp Việt nào đang tích hợp các yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh, ông Công cho biết tại hội thảo “Kinh doanh bền vững, chìa khóa tạo lợi thế cạnh tranh”.

Theo ông, thực tế nhiều doanh nghiệp Việt đã đưa ra cam kết ESG và có kế hoạch triển khai sớm. Tuy nhiên, khoảng cách giữa việc lập kế hoạch và thực hiện là vấn đề cần phải được giải quyết.

Bên cạnh đó, hiện tại có một thách thức của nhà đầu tư là việc tiếp cận thông tin ESG của doanh nghiệp. Bởi các đối tác nước ngoài lần đầu đến Việt Nam đều thông qua bên tư vấn (như ngân hàng, quỹ đầu tư) và tìm kiếm thông tin mà doanh nghiệp đã công bố.

ESG sẽ trở thành một phần bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn nhận vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài và xuất khẩu sản phẩm của mình sang các quốc gia khác.

Do đó nếu doanh nghiệp không công bố thì các ngân hàng, quỹ đầu tư rất khó đánh giá đầy đủ về doanh nghiệp, và dễ dẫn tới lỡ mất cơ hội.

Theo VinaCapital, tính minh bạch và công khai sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh và củng cố hình ảnh của các doanh nghiệp với tư cách là đối tác đáng tin cậy. ESG sẽ trở thành một phần bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn nhận vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài và xuất khẩu sản phẩm của mình sang các quốc gia khác.

Đồng thời, quỹ đầu tư này tin rằng bằng cách tích cực truyền thông tầm nhìn và hành động của doanh nghiệp hướng tới các thực hành ESG tốt hơn, đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp sẽ củng cố cam kết của họ và hình ảnh của doanh nghiệp trong việc tạo ra giá trị bền vững. Những hoạt động truyền thông như vậy cần phải bắt đầu ngay từ bây giờ.

Bước đầu tiên mà doanh nghiệp có thể làm là công bố các thông tin về ESG. Doanh nghiệp có thể công bố những kết quả đạt được cũng như các kế hoạch để đáp ứng các tiêu chuẩn ESG cao hơn. Xây dựng các mục tiêu và cho thấy các mục tiêu này đã được doanh nghiệp hiện thực hóa là một trong những cách tốt nhất chứng minh sự tin cậy và cam kết của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nhận thức tốt về bản thân, có kế hoạch hành động rõ ràng sẽ được nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao. Chuyên gia VinaCapital cho rằng doanh nghiệp không nên lo lắng về những hạn chế này bởi nhà đầu tư sẽ chấp nhận mức độ rủi ro ESG của doanh nghiệp Việt cao hơn các doanh nghiệp ở các nước phát triển.

Còn nếu chưa triển khai ESG, doanh nghiệp nên chọn một vài yếu tố quan trọng nhất trong ESG đối với hoạt động kinh doanh hiện tại để triển khai trước và đưa ra lộ trình dài hạn, đồng thời công bố rộng rãi các thông tin này trên các phương tiện truyền thông, website và báo cáo của công ty.

VinaCapital cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên coi xu hướng ESG là cơ hội chứ không phải “mối đe dọa hay giải quyết các vấn đề ESG là chi phí bổ sung” để từ đó có thể thực hiện các thay đổi một cách chủ động.

Theo đó, triển khai thực hành ESG sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt những cơ hội chưa được khai thác như giảm chi phí vốn, giảm các rủi ro pháp lý, mở rộng cơ sở khách hàng, tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao hơn và nâng cao tính bền vững tổng thể của doanh nghiệp.

Đồng thời thu hút dòng vốn từ các quốc gia phát triển như các thành viên của châu Âu. Các quốc gia này tập trung hơn vào các vấn đề ESG và ưu tiên đầu tư vào các quốc gia/khu vực cam kết hướng tới tương lai bền vững.