Gắn kết quan hệ ASEAN – Hàn Quốc qua chính sách Hướng Nam mới

Phạm Sơn - 10:00, 14/10/2020

TheLEADERMặc dù bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, giai đoạn 2 của chính sách Hướng Nam mới nhằm tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á vẫn là một trong những trọng tâm của chính sách đối ngoại, hợp tác đa lĩnh vực của Hàn Quốc.

Gắn kết quan hệ ASEAN – Hàn Quốc qua chính sách Hướng Nam mới

Chính sách Hướng Nam mới là một sáng kiến được tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đưa ra vào năm 2017 tại hội nghị APEC, với mục tiêu hướng trọng tâm xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ, sâu sắc với Ấn Độ các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Chiến lược này được triển khai trên 3 phương diện, bao gồm hòa bình (hợp tác về an ninh), thịnh vượng (hợp tác về kinh tế) và con người (hợp tác văn hóa, xã hội và giao lưu dân tộc).

Mong muốn cam kết hợp tác sâu rộng với khu vực ASEAN được thể hiện qua những động thái rõ ràng của chính quyền tổng thống Moon Jae-in, bắt đầu từ việc cử đặc phái viên thứ 5 tới ASEAN, sau 4 đặc phái viên được cử tới Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản theo như thông lệ, cho tới Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Hàn Quốc năm 2019.

Tiềm năng hợp tác Hàn Quốc – ASEAN

Theo các chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia Seoul, Đông Nam Á có đầy đủ những đặc điểm mà Hàn Quốc cần tìm ở một đối tác chiến lược mới, bao gồm nền kinh tế năng động, dân số dồi dào và những ưu thế nổi bật khác trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ngược lại, Hàn Quốc cũng là một nền kinh tế mới nổi, có khả năng cung cấp không chỉ về máy móc, trang thiết bị và kỹ thuật hiện đại mà còn cả kinh nghiệm trong công nghệ hóa, hiện đại hóa.

Thực tế, ASEAN và Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện vào năm 2005, tiếp đó là các hiệp định tự do về thương mại hàng hóa năm 2006, thương mại dịch vụ năm 2007 và đầu tư năm 2009.

Việt Nam và Hàn Quốc cũng ký kết hiệp định tự do thương mại riêng, có hiệu lực kể từ ngày 20/12/2015 (VKFTA). Ngoài ra, Hàn Quốc còn chú trọng ký kết hiệp định tự do thương mại với riêng từng thành viên như Indonesia, Thái Lan, Singapore…

Theo số liệu từ Bộ Công thương, năm 2019, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 5 và đối tác đầu tư ngoại khối lớn thứ 7 của ASEAN. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Hàn Quốc tại ASEAN.

Rào cản nâng tầm quan hệ ASEAN – Hàn Quốc

Theo các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), chính sách Hướng Nam mới đã và đang được thực hiện vô cùng thuận lợi về lĩnh vực thịnh vượng và con người, tuy nhiên chưa thực sự có được những kết quả khả quan về lĩnh vực hòa bình.

Chuyên gia Termsak Chalermpalanupap của ISEAS nhận định, vấn đề an ninh hiện nay không chỉ là các mối gắn kết về quân sự, quốc phòng mà còn để giải quyết các vấn nạn phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng, đói nghèo, ô nhiễm môi trường…

Như vậy, hợp tác an ninh trong thời đại mới có gắn kết chặt chẽ tới mục tiêu về sự thịnh vượng khi đều hướng tới các hạng mục phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia ISEAS, tiến trình hợp tác an ninh giữa Hàn Quốc và ASEAN chưa được như kỳ vọng do chưa có sự tin tưởng và gắn kết đúng mức. Bên cạnh đó, các biến động gần đây ảnh hưởng tới khu vực như thương chiến Mỹ - Trung và tranh chấp Biển Đông cũng gây ra sự e ngại nhất định giữa hai bên.

Chính sách Hướng Nam mới giai đoạn 2 hậu đại dịch

Trước những căng thẳng leo thang từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và xu thế bảo hộ, song phương, khu vực hóa đang nổi lên, từ cuối năm 2019, chính phủ Hàn Quốc chủ trương thực hiện chính sách Hướng Nam mới giai đoạn 2, ngay sau Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc – ASEAN tại Busan.

Ông Joo Hyung-chul, Cố vấn kinh tế cấp cao của tổng thống Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc sẽ xem xét lại những hạng mục hợp tác một cách nghiêm túc nhằm xây dựng kế hoạch kết nối quan hệ với tầm nhìn lên tới 30 năm.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, việc triển khai kế hoạch kể trên đã bị gián đoạn, không thể thực hiện được từ đầu năm 2020.

Vừa qua, sau những thành công trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19 của Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN, 2 bên đã bắt tay vào hiện thực hóa tham vọng hợp tác đa lĩnh vực thông qua chính sách Hướng Nam mới giai đoạn 2, với mục tiêu mới đặt ra là hỗ trợ lẫn nhau để phục hồi và phát triển sau cơn khủng hoảng.

Gắn kết quan hệ ASEAN – Hàn Quốc qua chính sách Hướng Nam mới
TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam phát biểu tại Đối thoại chiến lược thường niên lần thứ hai giữa các cơ quan nghiên cứu ASEAN – Hàn Quốc.

Phát biểu tại Đối thoại chiến lược thường niên lần thứ hai giữa các cơ quan nghiên cứu ASEAN – Hàn Quốc, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết, bối cảnh Covid-19 đặt ra khiến việc tăng cường thắt chặt quan hệ giữa Hàn Quốc và ASEAN trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Các nhà ngoại giao Hàn Quốc cũng khẳng định, ASEAN sẽ là đối tác quan trọng hàng đầu của Hàn Quốc trong giai đoạn nhạy cảm và khó lường bởi những biến động trong nền kinh tế, chính trị và xã hội toàn cầu.

Đặc biệt, tới đây, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ hoàn tất ký kết và đi vào hiệu lực. RCEP là tham vọng xây dựng một khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN và các quốc gia ký kết hiệp định tự do thương mại với ASEAN, bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Úc và New Zealand (trừ Ấn Độ đã tuyên bố rút khỏi hiệp định).

RCEP dự kiến sẽ đưa quan hệ Hàn Quốc và ASEAN lên một tầm cao mới với mức độ cam kết sâu rộng hơn so với Hiệp định tự do thương mại ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA).