Giới kinh doanh F&B 'tỉnh táo' hơn sau đại dịch

Tùng Anh - 14:45, 13/05/2022

TheLEADERTrải qua nhiều sóng gió do ảnh hưởng của hai năm đại dịch, những doanh nghiệp vẫn còn trụ vững và những người sắp bước vào giới kinh doanh ngành ẩm thực và đồ uống (F&B) đều rút ra được những bài học xương máu và cẩn trọng hơn khi đưa ra các quyết định kinh doanh.

Giới kinh doanh F&B 'tỉnh táo' hơn sau đại dịch
Các doanh nghiệp F&B đã tăng năng lực thích nghi sau hai năm đối mặt với khủng hoảng

Tăng năng lực thích nghi

Sau 25 năm kinh nghiệm kinh doanh và tư vấn trong ngành F&B, bà Nguyễn Trúc Chi, CEO Green F&B nhận định, ngành F&B bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 như một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu. 

Những doanh nghiệp có thể trụ vững qua hai năm khủng hoảng thì lại đối mặt với một khó khăn trong điều kiện bình thường mới là gần như cạn kiệt nguồn vốn để trụ vững và giữ được đội ngũ nhân sự.

Thương hiệu Lalina Kids Café do diễn viên Lan Phương làm tổng giám đốc cũng gặp nhiều thách thức hậu Covid-19, đặc biệt là thói quen ăn ngoài và nhu cầu tiêu dùng của khách hàng giảm trong thời gian qua. Lo ngại có thêm một biến chủng mới cũng luôn thường trực trong các kịch bản mà bà cùng các cộng sự phác thảo. 

Giới kinh doanh F&B 'tỉnh táo' hơn sau đại dịch
Diễn viên Lan Phương, CEO Lalina Kids Café

Dù vậy, những doanh nghiệp F&B với năng lực thích ứng linh hoạt đã nhanh chóng chuyển đổi lên các nền tảng trực tuyến với sự hỗ trợ của các giải pháp công nghệ để có thể có doanh thu đảm bảo duy trì hoạt động. 

Đứng trên góc độ của một doanh nghiệp công nghệ, CEO iPOS.vn Vũ Thanh Hùng nhận định, thói quen tiêu dùng có xu hướng dịch chuyển lên các kênh trực tuyến và các doanh nghiệp cũng phải thích ứng. 

Trong sự kiện “Bứt tốc ngành F&B hậu Covid-19” do iPOS.vn và ngân hàng KBank tổ chức, ông Hùng cho rằng, những doanh nghiệp chuyển đổi thành công nhất trong mùa dịch là những doanh nghiệp có thể khiến việc áp dụng công nghệ trở nên đơn giản và dễ dàng áp dụng với tất cả khách hàng. Bên cạnh đó, nguồn cung cũng được họ phân bổ hợp lý, từ việc chọn món đưa lên thực đơn cho kênh trực tuyến đến chọn kênh truyền thông.

Từ góc nhìn của một doanh nhân đã vượt qua khó khăn sau hai năm dịch bệnh hoành hành, bà Phương cho rằng, bất kỳ doanh nghiệp F&B nào mà doanh nghiệp của bà không là ngoại lệ cũng đã thích nghi tốt hơn và sẵn sàng đối mặt với bất kỳ khó khăn không lường trước sắp tới.

Hơn thế nữa, nhóm khách hàng thu nhập cao không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi đại dịch, và nhu cầu thậm chí còn có xu hướng tăng lên để bù đắp cho những ngày tháng “bó chân” tại nhà. Nhóm khách hàng thu nhập trung bình gặp nhiều ảnh hưởng hơn về tài chính cá nhân trong mùa dịch nhưng lại có xu hướng sử dụng dịch vụ giải trí mạnh hơn trong tương lai do khối lượng công việc sau dịch có phần quá tải. Đó sẽ là cơ hội bứt tốc cho ngành F&B hậu Covid. 

Giới kinh doanh F&B 'tỉnh táo' hơn sau đại dịch 1
Bà Nguyễn Trúc Chi, CEO Green F&B

Bàn chiến lược hậu Covid

Đến nay, nhà hàng của diễn viên Lan Phương vẫn đặt tôn chỉ là giữ an toàn vệ sinh một cách tối đa, thường xuyên lau bằng dung dịch sát khuẩn và xịt khuẩn toàn bộ không gian vào cuối ngày. 

Điều này đặc biệt quan trọng khi mô hình Premium Kids Café (khu vui chơi trẻ em kết hợp nhà hàng và quán café) của bà đón nhận rất nhiều lượt tham quan từ các bạn nhỏ. Đây là nhóm độ tuổi dễ bị tổn thương do sức đề kháng còn yếu và chưa được tiêm vắc xin phòng chống dịch Covid-19. Coi đó là chiến lược một cách lâu dài, bà mong muốn mọi gia đình đều cảm thấy yên tâm khi đến với không gian của nhà hàng.

Bà Phương cho biết thấy được nhu cầu rất lớn của khách hàng khi càng ngày nhiều bố mẹ mong muốn con được vui chơi ở những nơi sạch sẽ và có thể trải nghiệm ẩm thực ngon nhất có thể. Trải nghiệm tại chỗ và sự gắn kết gia đình thì rất quan trọng, bà tin rằng lượng khách sẽ tăng trưởng trong thời gian tới.

Nhìn về tương lai, nhà sáng lập iPOS.vn cho rằng, một vài yếu tố chuyển đổi số đã trở thành tiêu chuẩn cho các nhà hàng mở mới, chẳng hạn như hệ thống máy tính tiền, kiểm tra báo cáo theo thời gian thực (real-time). 

Ông Hùng nhận định, công nghệ đang làm rất tốt nhiệm vụ đưa trải nghiệm tốt hơn tới khách hàng và giúp doanh nghiệp phát triển thêm nhiều nguồn doanh thu. Ông dự đoán nửa cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ là sự bùng nổ và phát triển rất mạnh mẽ trở lại của ngành F&B.

Giới kinh doanh F&B 'tỉnh táo' hơn sau đại dịch 1
Ông Vũ Thanh Hùng, CEO iPOS.vn

Trong khi đó,  thẳng thắn nhận định về điểm yếu lớn nhất của ngành F&B hiện nay, CEO Green F&B nhấn mạnh thực trạng không có một hiệp hội chính thức dành cho chủ nhà hàng, café trong khi vẫn có những hiệp hội nhỏ như hội Bartender Việt Nam, Hội Đầu bếp Việt Nam,… 

Bên cạnh đó, loại hình kinh doanh của doanh nghiệp ngành này cũng vô cùng đa dạng, từ hộ kinh doanh cá thể, công ty TNHH, công ty cổ phần, thậm chí nhiều người chủ còn không đăng ký kinh doanh, dẫn đến sự khó khăn trong quản lý và sự trợ giúp từ chính phủ.

Bà Chi cũng đánh giá, nhiều mô hình kinh doanh chưa có kế hoạch và hạch toán tài chính cụ thể nên khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng và các tổ chức tài chính mà chủ yếu vẫn dựa vào vốn huy động từ người thân, bạn bè hoặc vay ngân hàng theo hình thức tiêu dùng cá nhân.

Dù vậy, nhìn ở góc độ tích cực, bà Chi cho rằng, chưa bao giờ thị trường được chứng kiến sự cân bằng giữa các doanh nghiệp F&B Việt Nam và quốc tế như hiện nay. Người làm F&B tại Việt Nam bắt đầu có tư duy kinh doanh rõ ràng hơn thay vì theo cảm tính. Bà nhận định, giữa năm 2023, ngành F&B sẽ trở về với doanh số như đầu năm 2020.