Hai nút thắt của nông nghiệp Bến Tre

Quỳnh Như - 14:54, 19/09/2018

TheLEADERTheo Chủ tịch tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng, thiếu những vùng nguyên liệu rộng lớn chuyên canh chính là điểm yếu lớn nhất của ngành nông nghiệp Bến Tre, muốn giải quyết căn cơ của vấn đề này, tỉnh không nên tiếp tục để người dân ở phân tán.

Hai nút thắt của nông nghiệp Bến Tre
Việc người dân ở phân tán do những con đường nông thôn chia cắt các khu dân cư là nguyên nhân khiến Bến Tre không có những vùng chuyên canh lớn. Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

Ngày 18/9, lần đầu tiên tỉnh Bến Tre tổ chức Diễn đàn thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Bến Tre - đối thoại trực tiếp với gần 200 đại diện doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại tỉnh, nhận diện những tồn tại, vướng mắc để hợp tác tháo gỡ. 

Những đánh giá tại diễn đàn cho thấy, sản xuất nông nghiệp tại Bến Tre đã có nhiều thay đổi và từng bước phát triển theo hướng nâng cao chất lượng – giá trị sản phẩm, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nhiều vùng chuyên canh các loại trái cây đặc sản của tỉnh như bưởi da xanh, chôm chôm…

Phát biểu tại diễn đàn này, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Lãnh đạo tỉnh và địa phương luôn quan tâm sâu sắc và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh ổn định, phát triển thịnh vượng cũng như tạo ra các hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp, khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp có thể triển khai trong thực tế, tạo ra các sản phẩm mới thể hiện được sự sáng tạo của người Việt Nam.

Phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên sâu, theo quy mô và nâng cao giá trị nông sản, gia tăng thu nhập cho nông dân là định hướng phát triển nông nghiệp của Bến Tre.

Bước đầu đã có 421 doanh nghiệp đầu tư vào các phân khúc quan trọng trong nông nghiệp, chiếm 17% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp đó chủ yếu tập trung ở khâu dịch vụ đầu vào như giống, phân bón, thức ăn… và khâu dịch vụ đầu ra như thu mua, chế biến phân phối sản phẩm.

Năng lực hoạt động của doanh nghiệp nhờ đó ngày càng nâng cao, với doanh thu chiếm trên 26% tổng số doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. 

Trong đó, có một số doanh nghiệp hoạt động khá thành công, tạo được uy tín thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước như Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty TNHH sản xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty CP Xuất nhập khẩu dừa Bến Tre…

Tuy nhiên, Bến Tre vẫn chưa hài lòng với những thành quả trên, ông Trọng cho biết, lãnh đạo tỉnh muốn ngành nông nghiệp phải lớn mạnh hơn nữa.

Theo ông Trọng, để ngành nông nghiệp Bến Tre bật lên được phải khai thông những điểm nghẽn sau: Sản xuất manh mún chủ yếu theo quy mô hộ gia đình; trình độ ứng dụng khoa học và kỹ thuật vào sản xuất còn thấp; chưa có sự gắn kết chặt chẽ theo chiều ngang lẫn chiều dọc, chưa đáp ứng được nhu cầu của việc sản xuất hiện đại, quy mô lớn; hoạt động chế biến, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm vẫn thiếu ổn định, yếu ớt khi gặp biến cố, bấp bênh.

“Quan trọng nhất trong nền nông nghiệp Bến Tre là khâu tổ chức sản xuất để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo lợi thế của tỉnh. Đến nay, ngoại trừ lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản là có doanh nghiệp đầu tư trực tiếp, còn lại, đặc biệt lĩnh vực trồng trọt thì hầu như không có nhà đầu tư hay doanh nghiệp nào tham gia, gây cản trở cho nền nông nghiệp Bến Tre”, ông Trọng cho biết.

Hai nút thắt của nông nghiệp Bến Tre
Chủ tịch tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng

Hai nguyên do khiến Bến Tre không có vùng sản xuất mẫu lớn theo vị chủ tịch tỉnh này là bởi chính sách nông thôn mới và giá đất đang tăng cao.

Chính sách nông thôn mới đã đổ ra một lượng lớn tài lực làm đường tới tận ngõ ngách nông thôn, khiến người dân ở đây ngày càng di cư khuých tán ra khắp nơi, chết chôn tại nơi họ sống, kéo theo những mảnh ruộng lớn bị chia năm sẻ bảy. Bình quân mỗi hộ dân ở Bến Tre có không quá 4 đến 5 công đất (1 công đất = 1/10ha), số hộ dân có trên 1ha rất hiếm.

Bây giờ, các doanh nghiệp muốn tích tụ đủ đất để tạo ra vùng trồng lớn buộc phải mua lại những mảnh vườn nhỏ của người dân nhưng hiện tại, giá đất nông nghiệp tại Bến Tre cao ngang với đất thổ cư. Do đó, gom đủ đất tạo vùng chuyên canh lớn gần như là điều không thể với hầu hết doanh nghiệp.

Trước mắt, theo Chủ tịch tỉnh Bến Tre, có 2 phương án để giải quyết ngay vấn đề này. Thứ nhất, khuyến khích người dân và doanh nghiệp cùng vào hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp sẽ đóng vai trò đầu kéo của HTX, kết nối đầu ra, đầu vào cũng như điều hành sản xuất.

Thứ hai, nếu doanh nghiệp vẫn muốn tự tạo ra vùng trồng cho riêng mình bằng cách thuê quyền sử dụng đất của nông dân thì Bến Tre sẵn sàng hỗ trợ 20% chi phí thuê theo đúng Quy định 57 và hỗ trợ chi phí đầu tư cũng như phát triển hạ tầng cho vùng nguyên liệu đầu tư.

“Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ điểm nghẽn này, tỉnh phải tổ chức lại cuộc sống ở nông thôn, cố gắng làm sao xây dựng các khu tập trung, dồn lực thiết kế một cuộc sống đầy đủ tiện nghi để người dân thấy vào đó sống tốt hơn so với phân tán.

Vấn đề đặt ra là dồn nguồn lực xây dựng đường nông thôn để kiến tạo hệ thống cơ sở hạ tầng ở vài khu vực để người dân tập trung vào sinh sống, có như vậy mới tạo ra vùng nguyên liệu lớn; nơi sinh sống phải tách biệt với nơi sản xuất”, ông Trọng nhận định.

5 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới của tỉnh Bến Tre:

Thứ nhất, miễn giảm tiền sử dụng đất và thuê đất đối với doanh nghiệp có dự án nông nghiệp (đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư) được Nhà nước giao đất hoặc được chuyển mục đích đất để làm nhà ở cho người lao động tại dự án. Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư khi thuê đất/thuê mặt nước của Nhà nước được áp dụng mức giá đất ưu đãi do UBND tỉnh quy định và có thời hạn tối thiểu 5 năm.

Thứ hai, doanh nghiệp đầu tư vào dự án nông nghiệp nông thôn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất cho vay thương mại khi dự án hoàn thành.

Thứ ba, UBND tỉnh sẽ là nơi trực tiếp xét duyệt các dự án đầu tư, doanh nghiệp được miễn giấy phép xây dựng ở những khu vực nông thêm chưa có quy hoạch đô thị.

Thứ tư, khắc phục tình trạng dự án không khả thi, lợi dụng chính sách của nhà nước để hưởng hỗ trợ khi nhà nước thẩm định.

Thứ năm, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp được ưu đãi đầu tư, có thể trực tiếp đào tạo nghề bằng tiền hỗ trợ từ ngân sách địa phương. Đồng thời, doanh nghiệp được hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo thương hiệu chủ lực quốc gia của tỉnh…