Hàng loạt ông lớn đổ về Lạng Sơn

Nguyễn Cảnh - 09:52, 03/02/2022

TheLEADERNăng lượng điện tái tạo, công nghiệp và nhà ở đô thị đang là 3 lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư lớn tìm về tỉnh Lạng Sơn trong những ngày đầu năm 2022.

Hàng loạt ông lớn đổ về Lạng Sơn
Cùng với Hữu Lũng, Chi Lăng, huyện Cao Lộc đang là một trong những địa bàn ‘nóng’ của tỉnh Lạng Sơn khi thu hút nhiều siêu dự án tìm về thời gian gần đây

Ở lĩnh vực phát triển nhà ở, Danko Group là cái tên đầu tiên tìm về Lạng Sơn từ tháng 1/2022. Tập đoàn này đề xuất được tài trợ kinh phí khảo sát, lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho 2 dự án (quy mô hơn 110ha) tại huyện Cao Lộc gồm: khu đô thị mới Cao Lộc (khoảng 26ha) và khu đô thị và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ Phai Luông (khoảng 98ha).

Sau khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt, Danko group đề xuất được tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định pháp luật.

Được biết, Cao Lộc là huyện cửa ngõ phía Đông Bắc của tỉnh Lạng Sơn với trên 74km đường biên giới với Trung Quốc, có 2 cửa khẩu quốc tế (Hữu Nghị và Ga Đồng Đăng), với các tuyến quốc lộ (1A, 1B, 4B, 4A) liên kết với tất cả các huyện của tỉnh, cũng như với Hà Nội.

Trong đó, cửa khẩu Hữu Nghị (thị trấn Đồng Đăng) nằm tại km0 của tuyến 1A huyết mạch, là điểm nối giữa tuyến cao tốc Nam Ninh – Bằng Tường (Trung Quốc) và Lạng Sơn – Hà Nội.

Được biết tới là một doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, Danko Group hiện đang là chủ đầu tư một số dự án như: Khu nhà ở Cao Ngạn tại tỉnh Thái Nguyên (diện tích gần 50ha, tổng mức đầu tư 1.750 tỷ đồng), khu nhà ở Bách Quang tại Thái Nguyên (17ha, 345 tỷ đồng), khu đô thị mới Định Trung tại Vĩnh Phúc (khoảng 25ha, 1.131 tỷ đồng), khu nhà ở đô thị phía Bắc tại Phú Thọ (khoảng 24ha, 1.300 tỷ đồng).

Sức hút đầu tư của lĩnh vực công nghiệp cũng thể hiện rõ ràng ngay từ trong năm 2021 lẫn những ngày đầu năm 2022, khi hàng loạt đề xuất của nhà đầu tư đều nhắm tới một địa bàn.

Điển hình, là trường hợp liên quan tới các cụm công nghiệp tại huyện Hữu Lũng. Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Trường An (gọi tắt là Công ty Trường An) đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch và làm chủ đầu tư dự án 2 cụm công nghiệp (Hồ Sơn 1, Hồ Sơn 2) quy mô khoảng 150ha (tại các xã Cai Kinh, Tân Thành và Hồ Sơn thuộc huyện Hữu Lũng).

Tại xã Tân Thành, cũng ghi nhận quan tâm của Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ khi đưa ra đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch và đầu tư dự án cụm công nghiệp số 1, số 2 (quy mô khoảng 149ha)

Trước đó ít lâu, cũng tại huyện Hữu Lũng, Công ty CP lương thực vật tư nông nghiệp Nghệ An (vốn điều lệ 60 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An nắm 97,27%) gửi văn bản đăng ký làm chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Minh Sơn (khoảng 55ha, tổng mức đầu tư 460 tỷ đồng).

Ngoài ra, như TheLEADER đã thông tin, Công ty CP Tập đoàn Gia Định cũng đánh tiếng đăng ký đầu tư tại tỉnh Lạng Sơn. Tập đoàn (do ông Nguyễn Chí Trung là Chủ tịch hội đồng quản trị) đề nghị khảo sát chi tiết tiến tới đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp: tại huyện Chi Lăng (khu công nghiệp Đồng Bành, quy mô 162ha), tại huyện Hữu Lũng (cụm công nghiệp Hồ Sơn 1 quy mô 74,9ha, Hồ Sơn 2 quy mô 74,9ha và Minh Sơn quy mô 55ha).

Đặt trụ sở chính tại TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương, Công ty CP tập đoàn Gia Định hoạt động với thế mạnh chủ yếu là: đầu tư, xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp, xây dựng nhà xưởng, đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo. Trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, công ty đã đầu tư thành công các cụm công nghiệp Tam Lập 1, Tam Lập 2, Nam Tân Uyên…

Liên quan tới năng lượng điện tái tạo, cùng với các tên tuổi lớn trong và ngoài nước như GE, BayWa r.e Wind Projects Việt Nam, Sovico, Trungnam Group, Sử Pán 1, Hà Đô, Công ty CP Công nghệ tài nguyên năng lượng, T&T Group, doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tài Tâm, lần lượt bước vào sân chơi này, tới lượt Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1 (EVNPECC1) cũng xuất hiện tại tỉnh Lạng Sơn.

EVNPECC1 đề xuất nghiên cứu quy hoạch điện lực của tỉnh (gồm các hợp phần: quy hoạch nguồn thủy điện, năng lượng tái tạo và quy hoạch lưới điện truyền tải). Theo PECC1, bàn quy hoạch điện lực tỉnh Lạng Sơn đồng thời sẽ phù hợp với định hướng của Quy hoạch điện lực quốc gia và quy hoạch tổng thế phát triển KT-XH tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030 và dài hạn.

Được biết, từ năm 2017 tới nay, ngoài hoạt động tư vấn thiết kế các nhà máy điện truyền thống, quy hoạch lưới điện và tính toán giải tỏa công suất nguồn điện các cấp, EVNPECC1 đã tư vấn xây dựng 103 dự án nguồn NLTT (điện gió, điện mặt trời, điện rác và điện sinh khối với tổng công suất lắp đặt lên tới 6.500MW).