Bác bỏ 4 siêu dự án tại Lạng Sơn "sử dụng" 1.086ha đất rừng

Nguyễn Cảnh - 09:50, 04/01/2022

TheLEADERTheo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, việc chuyển mục đích sử dụng 1.086ha rừng để thực hiện 4 dự án sẽ làm giảm cục bộ diện tích rừng lớn, từ đó có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái rừng trong khu vực, làm giảm vai trò phòng hộ của rừng.

Bác bỏ 4 siêu dự án tại Lạng Sơn "sử dụng" 1.086ha đất rừng
4 dự án quy mô lớn do Lạng Sơn đề xuất đã bị bác bỏ do ảnh hưởng đến phần diện tích rừng quá lớn. Ảnh minh họa

Cụ thể, tháng 12/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn gửi đề nghị thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhằm thực hiện các dự án: dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng), dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn (KCN Hữu Lũng), dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) và dự án mở rộng, nâng công suất mỏ Than Na Dương.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sau khi xem xét hồ sơ đã bác bỏ những đề xuất của các dự án nêu trên.

Thứ nhất, qua thẩm định hồ sơ, cho thấy UBND tỉnh Lạng Sơn chưa đánh giá cụ thể về sự tuân thủ của dự án với pháp luật về lâm nghiệp, đầu tư, đất đai, bảo vệ môi trường, quy hoạch và pháp luật có liên quan theo quy định.

Hồ sơ trình chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của 4 dự án không đảm bảo theo quy định tại Nghị định 83/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp).

Vì những lý do nêu trên, hồ sơ của 4 dự án không đủ điều kiện để Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thẩm định theo quy định.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thông tin, các dự án nêu trên có quy mô sử dụng đất lớn (khoảng 3.038ha), phạm vi rộng, sử dụng nhiều diện tích rừng (khoảng 1.086ha, trong đó có khoảng 100ha rừng tự nhiên, 986ha rừng trồng).

Khi thực hiện đồng thời chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện 4 dự án sẽ làm giảm cục bộ diện tích rừng lớn, từ đó có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái rừng trong khu vực, làm giảm vai trò phòng hộ của rừng.

Vì vậy, bộ đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chủ đầu tư rà soát, phân tích, đánh giá và lựa chọn các giải pháp thiết kế tối ưu trong thi công, các biện pháp quản lý, kỹ thuật phù hợp nhằm giảm thiểu tối đa diện tích tác động vào rừng, cân nhắc cẩn trọng khi đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là rừng tự nhiên.

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn bao gồm 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng, chiều dài 64km đã hoàn thành đi vào khai thác sử dụng, thu phí từ tháng 2/2020. 

Dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) có tổng mức đầu tư 7.609 tỷ đồng, chiều dài 43km triển khai từ năm 2018, đang thực hiện thủ tục trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư làm cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại dự án là UBND tỉnh Lạng Sơn.

Cuối tháng 11/2021, về một số kiến nghị của tỉnh đối với dự án thành phần 2, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn rà soát quy hoạch, làm việc với hội đồng thẩm định liên ngành (do Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì) để xem xét thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phần 2 với phạm vi bao gồm đoạn tuyến từ Hữu Nghị đi Tân Thanh - Cốc Nam (dài khoảng 19km) theo hình thức PPP theo quy định để đảm bảo việc kết nối với tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam.

Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất nguồn vốn hỗ trợ bổ sung từ ngân sách Trung ương cho tỉnh Lạng Sơn theo quy định của Luật PPP để tham gia thực hiện đoạn tuyến từ Hữu Nghị đi Tân Thanh - Cốc Nam; kịp thời trình cấp có thẩm quyền xem xét. 

UBND tỉnh Lạng Sơn bố trí vốn ngân sách địa phương, đảm bảo tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án thành phần 2 (bao gồm cả vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) theo đúng quy định của Luật PPP.

UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan và Nhà đầu tư để khẩn trương hoàn thành hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phần 2 trước ngày 30/11/2021; chịu trách nhiệm thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư tổ chức thi công, hoàn thành dự án trong thời hạn chậm nhất trong 2 năm, đưa vào sử dụng năm 2023.

Về một số dự án khác, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Lạng Sơn phối hợp chặt chẽ với tỉnh Cao Bằng trong việc triển khai dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); chịu trách nhiệm tổ chức công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư.

Hơn 1 năm trước, cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn từng bác đề nghị xem xét chuyển mục đích sử dụng đất lúa của Công ty Than Na Dương.

Theo Sở Tài nguyên và môi trường, Công ty Than Na Dương thực hiện các dự án gồm: Bồi thường giải phóng mặt bằng mở rộng khai trường sản xuất và bãi đổ thải giai đoạn I quy mô sử dụng đất khoảng 256ha, trong đó đất trồng lúa hơn 49ha; bồi thường giải phóng mặt bằng mở rộng bãi đổ thải giai đoạn II quy mô sử dụng đất hơn 167ha, trong đó đất trồng lúa hơn 38ha; bồi thường giải phóng mặt bằng mở rộng khai trường sản xuất giai đoạn III quy mô sử dụng đất 28ha, trong đó đất trồng lúa hơn 9ha.

Khi đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh đồng ý chưa xem xét, trình Thủ tướng xin chấp thuận chủ trương cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của Công ty Than Na Dương. 

Yêu cầu công ty có trách nhiệm đăng ký nhu cầu sử dụng đất với UBND huyện Lộc Bình để được cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất huyện Lộc Bình thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 2021-2025 để tổ chức thực hiện.

Tháng 3/2021, Công ty CP phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP JSC) được tỉnh Lạng Sơn đồng ý việc khảo sát địa điểm, tài trợ nghiên cứu và lập quy hoạch xây dựng chung tỷ lệ 1/5.000 và quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 dự án KCN Hữu Lũng. Dự án mới đây đã được Bộ Quốc phòng thống nhất chủ trương thực hiện, với tổng diện tích sử dụng đất gần 600ha tại 2 xã thuộc huyện Hữu Lũng.

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói chung và huyện Hữu Lũng nói riêng từ 2018 tới 2020 đón nhận khá nhiều quan tâm, đề xuất đầu tư các dự án khu đô thị mới của nhiều doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản.

Có thể kể đến như khu đô thị mới TMS tại xã Mai Pha (TP. Lạng Sơn) với quy mô 46ha (TMS Group đề xuất); các khu đô thị sinh thái Nà Chuông 392,5ha, khu đô thị sinh thái Bình Cằm 126ha đều ở TP. Lạng Sơn (Tập đoàn FLC, TNG Holdings Việt Nam, Công ty TNHH Mặt trời Mẫu Sơn, Công ty CP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương).

Tháng 9/2019, khu đô thị mới Hữu Lũng 52,3ha (tại huyện Hữu Lũng, tổng mức đầu tư 6.607,3 tỷ đồng) đã được tỉnh Lạng Sơn lựa chọn liên danh Công ty CP Trường Thịnh Phát Lạng Sơn và Công ty CP Trường Thịnh Phát làm nhà đầu tư.