Hệ quả của tình trạng bội thực tài xế công nghệ

Việt Hưng - 20:02, 11/10/2023

TheLEADERMột nam tài xế công nghệ 28 tuổi sinh sống và làm việc tại Hà Nội xác nhận, thu nhập của anh này đã giảm đi đáng kể so với 3 năm trước, ở mức khoảng 7 triệu đồng/đồng cho 10 tiếng chạy xe mỗi ngày.

Chia sẻ với tờ South China Morning Post, Linh Nguyễn - một nữ tài xế công nghệ 35 tuổi hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. HCM cho biết, hàng tháng cô thu về từ 6-7 triệu đồng với khoảng 10 tiếng chạy xe mỗi ngày.

Với mức thu nhập này, Linh đủ chi trả tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt cá nhân, nhưng không thể phụ giúp được bố mẹ ở quê. Nguyên nhân là bởi số lượng đơn giao hàng, giao đồ ăn qua ứng dụng mà nữ tài xế này nhận được đang ngày một thưa thớt.

Tình trạng mà Linh gặp phải đang phần nào phản ảnh "bộ mặt" của thị trường gọi xe và giao đồ ăn tại Đông Nam Á nói chung.

Theo báo cáo từ Momentum Works, tổng giá trị hàng hóa (GMV) thông qua hoạt động giao đồ ăn trong khu vực mặc dù vẫn tăng trưởng, nhưng đang có dấu hiệu chậm lại trong năm ngoái, với mức tăng khiêm tốn chỉ 5%.

Cụ thể, nếu năm 2018 thị trường giao đồ ăn trên toàn khu vực Đông Nam Á chỉ đạt GMV hơn 2 tỷ USD, thì tới năm 2022 là 16,3 tỷ USD. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã giảm dần, từ mức tăng trưởng 183% ở năm 2020, xuống 30% ở năm 2021 và 5% ở năm 2022.

Ông Jianggan Li - CEO Momentum Works đánh giá, tình hình cạnh tranh thị trường năm 2022 đã trở nên im ắng hơn rất nhiều so với năm 2021.

Trong bối cảnh các siêu ứng dụng đều đặt trọng tâm vào việc tăng trưởng lợi nhuận, đồng nghĩa các chi phí, chế độ đãi ngộ đều cần được tối ưu.

Hệ quả của tình trạng bội thực tài xế công nghệ
Thu nhập của tài xế xe máy bình quân là khoảng 7 triệu đồng/tháng

Phương Trần - một nam tài xế công nghệ 28 tuổi sinh sống và làm việc tại Hà Nội xác nhận, thu nhập của anh này đã giảm đi đáng kể so với 3 năm trước đây. Phương cho rằng, nguyên nhân chủ yếu đến từ số lượng tài xế ngày một gia tăng, trong khi các chương trình hỗ trợ tài xế ngày một bị cắt giảm.

Duy chỉ có lĩnh vực mới là gọi xe điện thì tài xế nhận được đãi ngộ cao. Gần đây, GSM đưa ra chính sách thu nhập lên đến 18 triệu đồng/tháng với dịch vụ Xanh SM Bike. Tài xế không cần sở hữu xe riêng mà được trang bị ngay xe máy điện VinFast.

So với mặt bằng chung mức chiết khấu khoảng 30% đang áp dụng với các tài xế công nghệ xe hai bánh của các hãng như Grab, Gojek hay Be, mức chiết khấu 15% mà Xanh SM Bike đưa ra được xem là một cuộc cách mạng với ngành "xe ôm" Việt Nam.

Theo một nghiên cứu giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng vào giữa năm 2022, cả nước hiện có khoảng 200.000 tài xế công nghệ cung cấp dịch vụ chở người, hoặc vận chuyển thức ăn, hàng hóa thông qua một nền tảng công nghệ.

Có gần 50% tài xế công nghệ đang hành nghề tại Hà Nội và TP. HCM. Phần lớn tài xế công nghệ là người ngoại tỉnh, nữ chiếm 5%.

Các tài xế công nghệ có xuất thân đa dạng từ tài xế xe truyền thống chuyển sang, lao động tự do, sinh viên, công nhân, người buôn bán nhỏ; 25% tài xế có trình độ tiểu học và trung học cơ sở; tỷ lệ có trình độ cao đẳng trở lên là 26%.

Đáng chú ý, có 2/3 các tài xế công nghệ đã có gia đình và 60% trong số họ đang gánh trách nhiệm lớn lao là kiếm tiền để nuôi dưỡng từ 2 người trở lên.

Hệ quả của tình trạng bội thực tài xế công nghệ 1
Tài xế công nghệ phải làm việc trong điều kiện vất vả: thời tiết, đường xá, va quệt, tai nạn, chịu áp lực từ khách hàng

Theo thống kê, thu nhập của tài xế xe máy bình quân là khoảng 7 triệu đồng/tháng, thì tài xế ô tô là khoảng 12 triệu đồng/tháng (đã trừ phí, xăng).

Ngoài thu nhập trên, các loại thưởng, trợ cấp, chương trình hỗ trợ từ công ty cung ứng dịch vụ ở mức khá thấp và không thường xuyên.

Mặc dù mức thu nhập không cao, song tài xế công nghệ phải làm việc rất căng thẳng. Tài xế xe máy làm việc khoảng 9,2 giờ/ngày, tài xế ô tô là 11,2 giờ/ngày; các ngày lễ, tết, ngày nghỉ dường như không có, và chịu áp lực giao sớm/đúng giờ…

Ngoài ra, họ còn phải làm việc trong điều kiện vất vả: thời tiết, đường xá, va quệt, tai nạn; chịu áp lực từ khách hàng; mất, hỏng hàng hóa thậm chí cả vấn đề quấy rối tình dục và nhiều hành vi nguy hiểm khác.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra, phần lớn các tài xế công nghệ không chú ý tới việc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), đặc biệt là nhóm lái xe ít tuổi, thâm niên lái xe thấp.

Chỉ có 42% đã được nghe đến các chế độ an sinh xã hội và 67% không rõ gồm những chế độ gì; biết và nghe về BHXH tự nguyện là 66%, BHYT tự nguyện là 89%.

Tình trạng tương tự được tờ South China Morning Post xác nhận tại thị trường gọi xe Thái Lan - nơi được dự báo sẽ đạt giá trị 4,6 tỷ USD vào năm 2028, theo Modor Intelligence Report.

Các tài xế công nghệ ở Jakarta cho biết, thu nhập của họ đã giảm sút từ sau khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Alvin Tan - một tài xế công nghệ ở Thái Lan kể về việc anh này bật ứng dụng lúc 10 giờ sáng và phải chờ gần 12 tiếng sau mới có đơn hàng đầu tiên.

"Thị trường hiện có rất nhiều tài xế mới gia nhập. Tôi đã rất chăm chỉ, nhưng chỉ nhận được vài đơn hàng mỗi ngày", tài xế Alvin Tan nói.